Phát hiện nơi trú ẩn quan trọng của các loài thú lớn ở phía bắc Myanmar

Một nghiên cứu bẫy ảnh đã xác nhận cảnh quan Hkakaborazi phủ đầy tuyết ở miền bắc Myanmar là nơi trú ẩn quan trọng của các loài động vật có vú lớn.

Hkakaborazi nằm ở mũi phía bắc Myanmar, được bao phủ bởi các đỉnh núi phủ dày tuyết và rừng nhiệt đới che phủ các thung lũng bên dưới. Kiên cố và hẻo lánh, khu vực này là nơi có ngọn núi cao nhất Đông Nam Á, Hkakabo Razi, cao tới 5.881 m gần với nơi giáp ranh giữa Myanmar, Ấn Độ và Trung Quốc. Cảnh quan này cũng là nơi ẩn náu của các loài động vật có vú lớn, bao gồm các loài bị đe dọa toàn cầu như gấu trúc đỏ Trung Quốc (Ailurus styani), báo hoa mai (Neofelis nebulosa) và voọc sotri (Trachypithecus shortridgei), theo kết quả nghiên cứu bẫy ảnh do các nhà bảo tồn Trung Quốc và Myanmar công bố gần đây trên Global Ecology and Conservation.

Cá thể gấu trúc đỏ từng được cho là có liên quan đến gấu trúc hoặc gấu nhưng giờ đây được biết đến là một họ riêng. Hình ảnh: Mathias Appel /Flickr (CC BY-NC 2.0)

Phần lớn khu vực chỉ có thể tiếp cận bằng cách đi bộ trong nhiều ngày qua địa hình hiểm trở, vì vậy nó vẫn còn xa xôi và ít được khảo sát, Ye Htet Lwin, tác giả chính của nghiên cứu và là sinh viên sau đại học tại Viện Khoa học Trung Quốc (CAS) cho biết.

Lwin và các đồng tác giả nghiên cứu từ CAS và Cục Lâm nghiệp Myanmar đã thực hiện một nghiên cứu bẫy ảnh quy mô lớn để điều tra sự đa dạng và phân bố của các loài động vật có vú lớn cả trong và ngoài khu vực được bảo vệ chính thức. Cuộc khảo sát diễn ra từ năm 2015 đến năm 2019.

“Chúng tôi đã ghi nhận rất nhiều loài, bao gồm cả những loài bị đe dọa và quý hiếm, hầu hết trong số đó thực sự quan trọng đối với việc bảo tồn”, Lwin nói và cho biết thêm rằng nhiều loài trong số này đã được ghi nhận ở các cuộc khảo sát trong khu vực từ hơn hai thập kỷ trước. “Điều này có nghĩa là chúng ta vẫn còn cơ hội để bảo tồn đa dạng sinh học ở đây”.

Nhóm nghiên cứu đã đi bộ xuyên qua các thung lũng sâu và các sườn núi dốc, có rừng rậm để triển khai 174 bẫy ảnh ở độ cao trên 3.000 m. Hình ảnh do Ye Htet Lwin cung cấp

Từ năm 2015 đến năm 2019, nhóm nghiên cứu đã triển khai 174 bẫy ảnh ở độ cao từ 470 m đến hơn 3.000 m trong toàn bộ khu vực nghiên cứu rộng 11.280 km2. Để nghiên cứu các loài động vật có vú lớn, Lwin và các đồng nghiệp đã đi bộ hàng tuần liền để định vị camera trong các khu rừng hẻo lánh và sườn núi của hai khu bảo tồn ôm sát biên giới Ấn Độ và Trung Quốc: Vườn quốc gia Hkakaborazi và Khu bảo tồn động vật hoang dã Hponkanrazi. Họ cũng đặt camera ở một khu vực rộng lớn ở phía nam mà Cục Lâm nghiệp Myanmar đã đề xuất như một phần mở rộng của vườn quốc gia.

Mặc dù phong cảnh đẹp nhưng đó là một nhiệm vụ gian khổ. “Đôi khi chúng tôi đi bộ trong một hoặc hai giờ nhưng chỉ xê dịch được 100 – 200 m vì đất dốc. Ngoài ra, nhóm cũng phải tránh sạt lở đất và đối phó với những con sông ngập nước, có khi mưa lớn lại phải đi tìm đường vòng thay thế, chưa kể những cuộc chạm trán thú vị với rắn độc”, Lwin nói.

Bức ảnh duy nhất ghi lại hình ảnh cá thể gấu trúc đỏ. Nguồn: Viện Nghiên cứu Đa dạng sinh học Đông Nam Á, Viện Khoa học Trung Quốc
Takin (Budorcas taxicolor) còn được gọi là trâu rừng Tây Tạng sống ở phía đông Himalaya. Hình ảnh: Viện Nghiên cứu Đa dạng sinh học Đông Nam Á, Viện Khoa học Trung Quốc.

Giai đoạn cuối cuộc khảo sát, nhóm nghiên cứu thu được tổng cộng gần 10.000 bức ảnh có thể sử dụng, trong đó một nửa là ảnh của các loài động vật có vú lớn. Các máy ảnh đã phát hiện 31 loài động vật có vú lớn trên cạn và hai loài sống trên cây: sóc khổng lồ đen (Ratufa bicolor) và sóc bay (Biswamoyopterus sp.) mà các nhà nghiên cứu không xác định được cấp loài. Các máy quay không chụp được vượn mày trắng miền đông (Hoolock leuconedys) nhưng các nhà nghiên cứu nghe thấy chúng kêu trong rừng, và 6 loài thú lớn khác được bổ sung vào danh mục thống kê thông qua tham khảo ý kiến ​​của dân làng địa phương – những người đã cho các nhà nghiên cứu xem xác động vật có nguồn gốc địa phương.

Nhìn chung, các nhà nghiên cứu đã ghi nhận 40 loài động vật có vú lớn trong cảnh quan Hkakaborazi, bao gồm 15 loài đang bị đe dọa trên toàn cầu, 5 loài trong số đó đang có nguy cơ tuyệt chủng: gấu trúc đỏ Trung Quốc, sói đỏ (Cuon alpinus), voọc sotri, cu li lớn (Nycticebus bengalensis) và hươu xạ đen (Moschus fuscus).

Lwin và đồng nghiệp đặc biệt phấn khích khi phát hiện ra cá thể gấu trúc đỏ trong một bẫy ảnh duy nhất ở độ cao 2.700 m. Cho đến năm 2020, gấu trúc đỏ thường được coi là thuộc về một loài duy nhất nhưng sau khi phân tích trình tự bộ gen của 65 cá thể gấu trúc đỏ hoang dã, các nhà khoa học cho rằng có hai loài riêng biệt: Himalayan (A. fulgens) và gấu trúc đỏ Trung Quốc. Bức ảnh duy nhất của cá thể gấu trúc đỏ đủ rõ ràng để thuyết phục các nhà nghiên cứu rằng đó là một cá thể gấu trúc đỏ Trung Quốc dựa trên các vòng đuôi sọc và khuôn mặt đỏ của nó.

Trước đây, gấu trúc đỏ được cho là có quan hệ họ hàng với gấu trúc hoặc gấu nhưng giờ đây chúng được biết đến là một họ riêng và là một trong những loài động vật có vú khác biệt về mặt tiến hóa và có nguy cơ tuyệt chủng toàn cầu (EDGE) trên thế giới.

Một số loài EDGE khác đã được phát hiện bằng bẫy ảnh, bao gồm cả sói đỏ, voọc sotri và trâu rừng Tây Tạng (Budorcas taxicolor). Hơn nữa, các nhà nghiên cứu đã xác định được các loài động vật có vú sống trong một phạm vi địa lý rất nhỏ, bao gồm mang lá (Muntiacus putaoensis) và hoẵng Gongshan (M. Gongshanensis), cung cấp “bằng chứng thuyết phục về vai trò quan trọng của miền bắc Myanmar đối với việc bảo tồn động vật có vú, không chỉ ở ở quy mô khu vực mà trên phạm vi toàn cầu”, nghiên cứu nhấn mạnh.

Thành viên nhóm thực địa nhìn lên đỉnh núi từ lòng suối trong cảnh quan Hkakaborazi. Hình ảnh: Ye Htet Lwin

Không chỉ ghi nhận được nhiều loài thú quý hiếm, các nhà nghiên cứu cũng phát hiện các loài động vật có vú sống trong một phạm vi địa lý rất nhỏ, ví dụ, những chiếc bẫy ảnh ở độ cao thấp hơn đã bắt được hình ảnh nai hay còn gọi là hươu sambar (Rusa unicolor), chồn bạc má bắc (Melogale moschata) và gấu chó (Helarctos malayanus) nhưng những loài này không xuất hiện ở vùng đất cao hơn. Tương tự, hai loài động vật có vú lớn chỉ được tìm thấy ở độ cao hơn 2.000 m là sơn dương đỏ (Naemorhedus cranbrooki) và gấu trúc đỏ Trung Quốc.

Bằng cách phân tích sự phân bố ở các độ cao của loài, các nhà nghiên cứu đã tìm thấy một khu vực là nơi mà các cộng đồng động vật có vú trên núi và đất thấp gặp nhau, ở độ cao 1.600 m. Vùng chuyển tiếp này cũng là nơi rừng vùng cao bắt đầu chiếm ưu thế và cực kỳ quan trọng đối với việc bảo tồn vì nó đại diện cho một vùng trú ẩn – nơi động vật có thể thoát khỏi áp lực của con người ở vùng đất thấp do hoạt động mở rộng nông nghiệp và săn bắn, Lwin cho biết.

Trong khi các camera cho thấy cả khu vực được bảo vệ và không được bảo vệ đều hỗ trợ số lượng lớn các loài động vật có vú lớn, nghiên cứu cho biết việc mở rộng nông nghiệp, du canh quy mô nhỏ và săn bắn thường xuyên xảy ra ở khu vực trong giai đoạn sau này.

Các tác giả khuyến nghị rằng các đề xuất của Cục Lâm nghiệp về việc mở rộng Vườn quốc gia Hkakaborazi vào vùng đất có rừng ở phía nam nên được khẩn trương thực hiện để bảo tồn đa dạng sinh học giàu có nơi đây.

Lwin nói rằng trong khi nghiên cứu mới cung cấp bằng chứng rằng việc mở rộng phía nam là quan trọng đối với các loài thú lớn, các biện pháp bảo tồn sẽ chỉ thành công khi có sự tham gia và hỗ trợ đầy đủ của các cộng đồng địa phương đã sống bên cạnh rừng qua nhiều thế hệ.

Bất chấp công việc nghiên cứu thực địa đòi hỏi khắt khe, Lwin cho biết anh muốn quay lại và đặt camera ở những độ cao hơn để tìm hiểu xem liệu các chuyên gia về núi, chẳng hạn như báo tuyết (Panthera uncia) có hiện diện hay không.

“Chúng tôi thực sự đã bỏ lỡ rất nhiều thông tin ở độ cao hơn 3.200 m. Nếu có thể bao phủ những khu vực đó thì chúng tôi thực sự có thể đánh giá sự đa dạng sinh học trong cảnh quan Hkakaborazi”, Lwin chia sẻ.

Ý Nhi (Theo Mongabay)

Nguồn: