Nhìn lại các quy định về phòng ngừa, ứng phó và khắc phục sự cố môi trường

ThienNhien.Net – Sự cố môi trường là sự cố xảy ra trong quá trình hoạt động của con người hoặc biến đổi của tự nhiên, gây ô nhiễm, suy thoái hoặc biến đổi môi trường nghiêm trọng (Khoản 10 Điều 3 Luật Bảo vệ môi trường (BVMT) năm 2014). Sự cố môi trường khi đã xảy ra, không chỉ trực tiếp gây thiệt hại lớn về người và của, mà còn gây ra các hiện tượng suy thoái, ô nhiễm môi trường nghiêm trọng. Trong giai đoạn phát triển kinh tế – xã hội mạnh mẽ, nếu công tác phòng ngừa không được chú trọng thỏa đáng, sự cố môi trường có nguy cơ xảy ra như một hệ lụy tất yếu và là mặt trái của quá trình phát triển. Công tác phòng ngừa, ứng phó và khắc phục sự cố môi trường vì thế luôn được xem là một vấn đề cấp thiết, trong đó việc tạo ra hành lang pháp lý được đánh giá là quan trọng hàng đầu.

Liên quan đến công tác này, Quốc hội, Chính phủ và các Bộ, ngành, địa phương đã chỉ đạo và ban hành một số văn bản quy phạm pháp luật, đặc biệt kể từ sau khi Luật BVMT năm 2005 ra đời. Có thể kể đến các luật chuyên ngành như: Luật BVMT năm 2014 quy định công tác phòng ngừa, khắc phục sự cố môi trường; Luật Hoá chất năm 2007 quy định một số nội dung liên quan đến phòng ngừa, ứng phó và khắc phục sự cố môi trường: xây dựng kế hoạch ngăn ngừa và ứng phó sự cố hoá chất, trách nhiệm kiểm soát hoá chất trong các sản phẩm phục vụ đời sống; Luật Tài nguyên nước năm 2012 quy định về ứng phó, khắc phục sự cố ô nhiễm nguồn nước và phục hồi nguồn nước bị ô nhiễm, cạn kiệt; Bộ Luật Hàng hải năm 2015 quy định việc phòng ngừa, xử lý ô nhiễm biển do dầu; Luật Thuỷ sản năm 2003 quy định các chủ thể khi tham gia khai thác nguồn lợi thuỷ sản phải BVMT sống của các loài thuỷ sản, tạo cơ sở bảo vệ các nguồn thuỷ sản khi bị sự cố môi trường gây ô nhiễm tác động; Luật Phòng cháy chữa cháy năm 2001, sửa đổi, bổ sung năm 2013 quy định về việc phòng ngừa, ứng phó với các sự cố do cháy nổ; Luật Dầu khí năm 1993, sửa đổi, bổ sung năm 2008 quy định các chủ thể tham gia hoạt động khai thác dầu khí phải có đề án và các biện pháp BVMT; Luật Bảo vệ và phát triển rừng năm 2004 quy định về bảo vệ hệ sinh thái rừng và phòng cháy, chữa cháy rừng; Luật Phòng chống thiên tai năm 2013 quy định về phòng ngừa, ứng phó và khắc phục thiên tai; Luật Đa dạng sinh học năm 2008 quy định về bảo tồn và phát triển hệ sinh thái tự nhiên, các loài sinh vật; Luật Đê điều năm 2006 quy định về quy hoạch phòng, chống lũ; Luật Khoáng sản năm 2010 quy định về BVMT trong hoạt động khoáng sản; Luật Xây dựng năm 2014 quy định khuyến khích áp dụng khoa học và công nghệ xây dựng tiên tiến cũng như việc tuân thủ nguyên tắc nhằm BVMT và ứng phó với biến đổi khí hậu; Pháp lệnh Phòng chống lụt bão năm 1993, sửa đổi, bổ sung năm 2000 quy định việc phòng ngừa, chống lụt bão và khắc phục hậu quả lụt bão.

Ảnh minh họa: PanNature

Bên cạnh đó, còn các luật có liên quan khác như Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định về các chế định uỷ quyền và nghĩa vụ bồi thường thiệt hại liên quan đến sự cố môi trường; Bộ luật Hình sự năm 2015 quy định các hành vi phạm tội liên quan đến sự cố môi trường và hình phạt cho các tội phạm này; và hàng loạt các văn bản dưới luật khác có liên hệ trực tiếp tới việc phòng ngừa, ứng phó và khắc phục sự cố môi trường.

Có thể thấy, số lượng văn bản điều chỉnh công tác phòng ngừa, ứng phó và khắc phục sự cố môi trường dưới hình thức luật và dưới luật là rất lớn. Tuy nhiên, sự cố môi trường vẫn xảy ra khá phổ biến ở Việt Nam. Điều này cho thấy, khâu ban hành pháp luật và áp dụng pháp luật điều chỉnh vấn đề này vẫn còn bất cập và hạn chế.   

Thứ nhất, Luật BVMT hiện hành chưa quy định cơ chế nhằm phòng ngừa, phát hiện và xử lý các hành vi tiềm ẩn gây ra sự cố môi trường. Chỉ khi hành vi đã thực tế dẫn đến gây ra sự cố môi trường thì mới bị xử lý. Trong khi đó, một khi “sự cố” đã xảy ra thì việc xử lý chỉ mang tính “chữa cháy” vì hậu quả cũng đã xảy ra. Để công tác phòng ngừa sự cố môi trường đạt hiệu quả, luật chuyên ngành cần phải có cơ chế này.

Thứ hai, Luật hiện có nhiều nhưng chồng lấn nên khó triển khai trong tình trạng “lắm thầy thối ma” hoặc “cha chung không ai khóc”. Theo đó, việc Luật BVMT quy định quá nhiều Bộ, ngành có liên quan đến thẩm quyền chủ trì, lập quy, hướng dẫn và kiểm soát tuân thủ quy định của Luật trong BVMT khiến cho nhiệm vụ bị đùn đẩy cho nhau, không rõ ràng trách nhiệm. 10 Bộ hiện nay được giao nhiệm vụ bao gồm: Bộ TN&MT, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ NN&PTNT, Bộ Công Thương, Bộ Xây dựng, Bộ Giao thông Vận tải, Bộ Y tế, Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch, Bộ Quốc phòng, Bộ Công an. Mặc dù đầu mối tập trung là Bộ TN&MT nhưng trên thực tế, nếu xảy ra sự cố môi trường, không một đơn vị cá thể nào có đủ thẩm quyền cũng như chịu trách nhiệm chính xử lý. Chính vì vậy, luật cần quy định một cơ quan chủ chốt có đầy đủ thẩm quyền và trách nhiệm chính trong một vụ việc về môi trường cụ thể để sự việc không bị đùn đẩy cho nhau.

Thứ ba, hiện nay, trách nhiệm chứng minh thiệt hại, tạm ứng án phí trong khởi kiện về môi trường thuộc về cá nhân, hộ gia đình, làm mất đi một kênh quan trọng trong đấu tranh phòng, chống các hành vi vi phạm về môi trường. Kiện bồi thường do ô nhiễm môi trường là loại bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng, bất lợi thuộc về người đi kiện vì trách nhiệm chứng minh gần như hoàn toàn thuộc về người bị thiệt hại trong khi nghĩa vụ này vượt quá khả năng của họ. Khi người bị thiệt hại môi trường e ngại khởi kiện, những vụ vi phạm về môi trường ít có nguy cơ bị phát hiện. Bởi vậy, Luật nên chia sẻ trách nhiệm chứng minh thiệt hại, hành vi và mối quan hệ nhân quả giữa hành vi vi phạm và hậu quả cho các bên liên quan như cơ quan quản lý nhà nước chuyên ngành, các doanh nghiệp, ban quản lý khu công nghiệp.

Thứ tư, quy định hoạt động thực thi pháp luật hình sự trong lĩnh vực BVMT hiện được giao cho Cục Cảnh sát phòng chống tội phạm về môi trường thuộc Bộ Công an. Trong khi đó, điều tra tội phạm lĩnh vực môi trường được điều chỉnh bởi pháp luật tổ chức cơ quan điều tra hình sự và Bộ luật Tố tụng hình sự. Việc cơ quan chuyên trách BVMT thuộc Bộ TN&MT với tư cách là cơ quan quản lý Nhà nước và thực thi pháp luật lĩnh vực BVMT không được quy định nhiệm vụ, thẩm quyền khởi tố vụ án, điều tra ban đầu đã bộc lộ nhiều hạn chế và bất cập trong hoạt động thực thi pháp luật BVMT. Bởi vậy, Bộ luật Tố tụng hình sự nên quy định cơ quan chuyên trách quản lý Nhà nước về môi trường của Bộ TN&MT có thẩm quyền khởi tố và điều tra ban đầu những vụ việc vi phạm về môi trường có dấu hiệu phạm tội.

Cuối cùng, với thực trạng quá nhiều văn bản pháp luật điều chỉnh như hiện nay, cần thiết phải xem xét ban hành luật chuyên biệt về sự cố môi trường, gọi là: Luật phòng ngừa sự cố môi trường. Theo đó, Luật sẽ quy định cụ thể về xây dựng kế hoạch, quy trình ngăn ngừa, ứng phó, cơ chế tài chính, thông tin báo cáo, xử lý vi phạm v.v..; đồng thời cần xây dựng các hướng dẫn kỹ thuật và phổ biến rộng rãi các quy định, quy trình, hướng dẫn và huy động sự tham gia của cộng đồng trong phòng ngừa, cảnh báo, ứng phó và khắc phục sự cố môi trường.

Phạm Văn Beo – Khoa Luật, Đại học Cần Thơ


Tài liệu tham khảo:

  1. Luật BVMT năm 2014.
  2. Nguyễn Anh Tuấn, Đoàn Phong Quang, Quy định pháp lý hiện hành về phòng ngừa, ứng phó sự cố môi trường và việc thực hiện một số hoạt động Phòng ngừa, ứng phó sự cố môi trường trong thời gian qua, Nguồn: http://bit.ly/btcs00451Phòng ngừa, ứng phó sự cố môi trường liên quan đến hóa chất độc hại/PCB, Tạp chí Môi trường, số 3/2015.
  3. Viện Khoa học pháp lý, Một số quy định pháp luật trong công tác phòng ngừa, ứng phó, khắc phục sự cố môi trường, Nguồn: http://bit.ly/btcs00452