Trợ cấp nông nghiệp của châu Á cao nhất thế giới

ThienNhien.Net – Theo dữ liệu năm 2012, trợ cấp nông nghiệp ở 21 nước sản xuất lương thực hàng đầu thế giới ước tính lên tới 486 tỷ USD.

21 nước này bao gồm các thành viên của Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) cùng với 7 quốc gia khác là Brazil, Trung Quốc, Indonesia, Kazakhstan, Nga, Nam Phi, Ukraine và hiện đang đảm bảo gần 80% tổng giá trị nông nghiệp toàn cầu.`

Thực tế, trợ cấp nông nghiệp không được phân bổ công bằng giữa các quốc gia trên thế giới. Châu Á là khu vực trợ cấp cho nông nghiệp nhiều hơn tỷ lệ cộng gộp của tất cả các châu lục còn lại, trong đó đứng đầu là Trung Quốc với mức trợ cấp cao chưa từng có 165 tỷ USD, kế đến là Nhật Bản 65 tỷ USD, Indonesia 28 tỷ USD và Hàn Quốc 20 tỷ USD.

Châu Âu cũng góp một phần đáng kể vào hoạt động trợ cấp cho nông nghiệp, chủ yếu lấy từ nguồn Chính sách Nông nghiệp Chung (CAP) của Liên minh Châu Âu (EU). Với hơn 50 tỷ USD năm 2011, trợ cấp CAP chiếm xấp xỉ 44% tổng ngân sách của EU. Con số trên không bao gồm các khoản trợ giá của EU nhằm giúp bình ổn giá nông sản nội địa, tạo động lực cho nông dân tăng gia sản xuất. Như vậy, tính cả các khoản trợ giá, số tiền mà EU sử dụng cho hoạt động trợ cấp nông nghiệp đã lên tới 106 tỷ USD.

Xếp thứ ba về mức độ trợ cấp trong nông nghiệp là Bắc Mỹ với gần 45 tỷ USD, trong đó Mỹ đứng đầu danh sách với hơn 30 tỷ USD trợ cấp, Canada và Mexico lần lượt là 7,5 tỷ USD và 7 tỷ USD.

Ảnh minh họa: Elena Larina/Shutter
Ảnh minh họa: Elena Larina/Shutter 

Trong số 486 tỷ USD trợ cấp nông nghiệp toàn cầu năm 2012, riêng các quốc gia OECD đã chiếm 258,6 tỷ USD. Trên thực tế, tỷ lệ trợ cấp cho nông nghiệp của các nước này luôn ở mức cao và không ngừng gia tăng kể từ đầu thế kỷ XXI, tăng nhanh nhất vào giai đoạn 2001 – 2004 từ 216 tỷ USD lên hơn 280 tỷ USD.

Trái ngược với tốc độ phát triển cũng như tỷ lệ trợ cấp nông nghiệp của các nước công nghiệp, theo thông tin từ Hội thảo Liên Hợp quốc về Thương mại và Phát triển, các quốc gia kém phát triển nhất đang có xu hướng chuyển từ vị thế các nước xuất siêu sang các nước nhập siêu nông sản.

Thống kê giai đoạn 2002 – 2008 cho biết, tổng giá trị nhập khẩu lương thực của các nước kém phát triển nhất trong giai đoạn trên đã tăng nhanh chóng từ 9 tỷ USD lên tới 24 tỷ USD. Đây có thể coi là một kết quả không mong đợi của tình trạng mất cân bằng trong phân bổ trợ cấp nông nghiệp.