Bài 4: Thủy điện Mekong, ai được, ai mất trong “cuộc đua” năng lượng?

ThienNhien.Net – Theo báo cáo của Ủy hội sông Mê Kông, trên dòng chính hạ nguồn sông Mê Kông có 11 đập thủy điện nằm trong kế hoạch xây dựng, trong đó có 2 đập đang được xây dựng. Trong  khi đó, trên thượng nguồn, Trung Quốc đã xây dựng xong 7 đập trên dòng chính.

Thực tế này dấy lên nhiều quan ngại cũng như phản ứng từ nhiều phía về những hệ lụy lên môi trường và cuộc sống người dân lưu vực.

Hiện trên dòng chính sông Mekong đã có 19 đập thủy điện nằm trong kế hoạch xây dựng. (Ảnh: Hùng Võ/Vietnam+)

Thượng nguồn hưởng lợi!

Là quốc gia nằm ở thượng nguồn, Trung Quốc có diện tích lãnh thổ chiếm gần 1⁄2 chiều dài dòng sông và 1/5 diện tích lưu vực. Trên lãnh thổ Trung Quốc, sông Mê Kông có tên là Lan Thương chảy qua vùng núi cao và có phần hiểm trở của tỉnh Vân Nam.

Không có những thung lũng, cánh đồng mầu mỡ ven sông, nhưng bù lại, điều kiện địa hình đồi núi và lòng sông dốc là điều kiện rất thuận lợi để Trung Quốc phát triển thủy điện. Trong đó, tiềm năng thủy điện Lan Thương chiếm gần một nửa tiềm năng thủy điện toàn lưu vực sông Mê Kông .

Tuy nhiên, liên quan đến sử dụng các nguồn nước quốc tế, chính Trung Quốc lại tách ra khỏi sự ràng buộc của luật pháp quốc tế khi không thừa nhận sông Mê Kông là dòng sông quốc tế và không trở thành thành viên của Ủy hội sông Mê Kông. Trung Quốc cũng đã và đang thực thi kế hoạch khai thác triệt để nguồn thủy năng của sông Mê Kông trên lãnh thổ của mình.

Tại các diễn đàn khu vực và của Ủy hội sông Mê Kông, Trung Quốc đã chối bỏ tất cả những tác động tiêu cực do phát triển thủy điện trên dòng chính Mê Kông trên lãnh thổ mình gây nên đối với với hạ lưu vực và luôn cho rằng các tác động do các hồ chứa ở Trung Quốc chỉ mang lại lợi ích cho các quốc gia hạ lưu vực.

Cho đến nay, Trung Quốc không chỉ xây dựng các công trình trên dòng chính Mekong thuộc lãnh thổ của mình, quốc gia này còn ký với Lào 3 biên bản ghi nhớ để đầu tư dưới hình thức BOT (xây dựng, vận hành và chuyển giao) – 3 công trình thủy điện trên dòng chính Mê Kông trên lãnh thổ Lào (Pak Lay, Pak Beng và Sanakham), và có thể có thêm công trình trên đất Campuchia (Sambor).

Số liệu của Ủy hội sông Mê Kông cho thấy, hiện có 19 đập thủy điện đã, đang hoặc nằm trong kế hoạch xây dựng trên dòng chính chính sông Mê Kông. Trong đó, 7 đập thủy điện ở Trung Quốc đã xây dựng xong, 2 đập trong số 9 đập trên lãnh thổ Lào đang xây dựng và 2 đập trong kế hoạch xây dựng trên địa phận Campuchia. Đó là chưa kể, hàng chục thủy điện lớn nhỏ tại các nhánh con của sông Mê Kông.

Theo đánh giá của các nhà môi trường, nếu kế hoạch xây dựng các dự án thủy điện trên dòng chính sông Mê Kông được thực hiện đầy đủ kết hợp với lợi thế đầu nguồn, Trung Quốc sẽ kiểm soát được toàn bộ nguồn nước của sông Mê Kông. Và dĩ nhiên sẽ gây ảnh hưởng đến an ninh lương thực, an ninh năng lượng, an ninh quốc gia của tất cả các quốc gia ở vùng hạ lưu vực.

Ngôi làng nổi trên sông Mê Kông. (Ảnh: Hùng Võ/Vietnam+)

Nguy cơ mất an ninh lương thực

Khác với các quốc gia trong lưu vực, Lào là đất nước không có biển, kinh đô trước đây như Luang Prabang, cũng như những đô thị lớn và thủ đô Viên Chăn hiện nay đều nằm bên bờ sông Mê Kông, với nhiều vị trí tiềm năng cho phát triển thủy điện.

Với lợi thế ven sông, Lào cũng không giấu giếm khát khao trở thành nguồn cung cấp năng lượng cho Đông Nam Á. Năm 2010, tham vọng này đã được thể hiện trong bài phát biểu của Bộ trưởng Công nghiệp và Thương mại Lào: “Nếu tất cả các nguồn năng lượng được khai thác, Lào sẽ trở thành bình ắc quy của Đông Nam Á, chúng tôi sẽ bán điện cho các nước láng giềng. Nước Lào có thể làm giàu.”

Cho đến nay, nước này đã có ít nhất 23 đập thủy điện hoạt động dọc sông Mê Kông. Đến năm 2020, tờ “Economist” cho biết Lào hy vọng nâng con số này lên đến 93. Phần lớn điện tạo ra sẽ được bán cho Thái Lan. Chính phủ Lào cũng kỳ vọng thủy điện sẽ trở thành một trong những nguồn thu nhập lớn của họ đến năm 2025.

Tuy nhiên, tác động tiêu cực đối với Lào cũng có thể rất lớn do mất nhiều vườn tược ven sông, suy giảm nguồn lợi thủy sản, ảnh hưởng đến sinh kế của các cộng đồng dễ tổn thương, đe dọa an ninh lương thực. Lào cũng sẽ phải đối mặt với khả năng gia tăng mất cân đối kinh tế vĩ mô do sự bùng nổ của ngành thủy điện, mất đa dạng sinh học và các giá trị về du lịch.

Theo nhận định của Tổ chức Sông ngòi Quốc tế, sau khi hoàn tất xây dựng, các đập thủy điện xây trên dòng chính sông Mê Kông tại Lào sẽ gây ra những thay đổi về mặt sinh thái vĩnh viễn không thể đảo ngược cho sông Mê Kông, buộc 2.100 người phải tái định cư và ảnh hưởng trực tiếp tới hơn 200.000 người.

Ngoài ra, các con đập lớn cũng sẽ đẩy những loài sinh vật đang bị đe dọa nghiêm trọng, như cá trê lớn ở sông Mê Kông đến “bờ vực tuyệt chủng.”

Trong khi đó, dù không thu được lợi ích về kinh tế lớn như Lào, nhưng các dự án thủy điện dòng chính Mê Kông lại có ý nghĩa quyết định nhất đối với Campuchia, vì nước này không có nhiều lựa chọn ngoài nhập khẩu các loại nhiên liệu hóa thạch đắt đỏ và tiềm năng phụ lưu cũng hạn chế hơn Lào rất nhiều.

Theo tính toán, nếu kế hoạch thủy điện dòng chính được triển khai, Campuchia sẽ có 30% nguồn thu từ xuất khẩu điện với 1,2 tỷ USD/năm, giảm chi phí năng lượng cho công nghiệp và đa dạng hóa kinh tế về dài hạn; tăng diện tích tưới tiêu và năng suất nông nghiệp ở một số vùng.

Tuy nhiên, đổi lại, Campuchia sẽ chịu tổn thất về nguồn lợi thủy sản và các tác động đáng kể đến an ninh lương thực và sinh kế của hơn 1,6 triệu ngư dân; tổn thất về GDP do các thiệt hại kinh tế trong nghề cá và nông nghiệp khi trầm tích và dinh dưỡng cung cấp cho Biển Hồ giảm mạnh…

Người dân thả lưới bắt cá trên sông Mekong. (Ảnh: Hùng Võ/Vietnam+)

Việt Nam ảnh hưởng nặng nề nhất

Theo báo cáo đánh giá môi trường chiến lược thủy điện dòng chính Mê Kông của Trung tâm quản lý môi trường quốc tế, Việt Nam là quốc gia duy nhất không có thủy điện trên dòng chính, và sẽ chịu ảnh hưởng nhiều nhất do nằm ở cuối nguồn sông Mê Kông, Việt Nam cũng có khả năng tổn thất lớn nhất về kinh tế.

Về dòng chảy, khả năng giảm dòng chảy trong mùa khô, kết hợp với ảnh hưởng của biến đổi khí hậu và nước biển dâng sẽ làm gia tăng sự xâm nhập mặn, ảnh hưởng đến sản xuất nông nghiệp và nuôi trồng thủy sản của Đồng bằng sông Cửu Long.

Tương tự, lượng phù sa về Đồng bằng sông Cửu Long hiện nay khoảng 26 triệu tấn/năm sẽ giảm còn 7 triệu tấn/năm trong tương lai, lượng chất dinh dưỡng giảm từ 4.157 tấn/ năm xuống còn 1.039 tấn/năm. Tác động này sẽ kéo theo sự suy giảm năng suất nông nghiệp và thủy sản, gia tăng hiện tượng xói lở bờ sông, cũng như gia tăng diện tích ngập mặn.

Đối với thủy sản, Tổ chức Sông ngòi Quốc tế nhận định, nếu các kế hoạch đập dòng chính hạ lưu được triển khai, thủy sản nước ngọt, thủy sản biển và thủy sản nuôi trồng của Việt Nam đều bị ảnh hưởng. Tính riêng tổn thất cá trắng ở Đồng bằng sông Cửu Long vào khoảng 240.000 đến 480.000 tấn/năm.

Tiến sĩ Đào Trọng Tứ, Giám đốc Trung tâm Phát triển bền vững tài nguyên nước và thích nghi biến đổi khí hậu phân tích: “Chúng ta bị phụ thuộc khá nặng nề vào các nước ngoài biên giới. Ngoài ra, sự gia tăng dân số kéo theo nhu cầu khai thác cũng gây áp lực ngày càng lớn đến vấn đề nước.”

Theo ông Tứ, ba “chân kiềng” an ninh nước – an ninh lương thực – an ninh năng lượng phải đi liền với nhau và nhìn nhận một cách toàn diện và chuẩn xác. Việc này không thể làm trong ngày một, ngày hai và cũng không thể làm nếu thiếu nước.

Trong khi đó, trao đổi với báo chí, ông Lê Đức Trung, Ủy ban sông Mê Kông Việt Nam từng nhấn mạnh: “Bậc thang thủy điện có thể gây các tác động bất lợi nghiêm trọng tới châu thổ sông Mê Kông . Cụ thể, làm giảm khoảng 50% sản lượng đánh bắt cá và 10% tổng số loài cá, giảm khả năng phục hồi của đồng bằng và làm giảm rất lớn năng suất sinh học của toàn đồng bằng.

Phát triển thủy điện dòng chính sông Mê Kông còn gây tổn thất lâu dài không thể phục hồi được, suy giảm mạnh các điều kiện kinh tế xã hội của hàng triệu người dân. Ngoài ra, có những tác động về hệ thống thiên nhiên, dẫn tới suy thoái toàn bộ giá trị của đồng bằng châu thổ, đó là vựa lúa có thể bị mất dần.

Trao đổi với phóng viên VietnamPlus, ông Nguyễn Hữu Thiện – chuyên gia nghiên cứu độc lập về sinh thái đồng bằng sông Cửu Long và sông Mê Kông cũng đưa ra cảnh báo: Cùng với các đập thủy điện trên thượng nguồn, sau này, khi 11 đập ở hạ lưu vực sông Mê Kông hoàn tất, dự báo lượng phù sa lơ lửng trong nước sẽ giảm 50%. Khi đó, sạt lở bờ sông, bờ biển Đồng bằng sông Cửu Long sẽ dữ dội và không có biện pháp nào ngăn chặn được.

“Theo đó, trồng rừng hay làm bờ kè cũng sẽ chỉ là giải pháp tạm thời, kéo dài thời gian, nhưng khi thiếu hụt phù sa, cát sỏi thì khuynh hướng sạt lở sẽ trội và thắng thế. Việc mất phù sa sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến sự màu mỡ của đất, cây lúa sẽ tiếp tục lấy dinh dưỡng trong đất và vài chục năm sau sẽ cạn kiệt vĩnh viễn,” ông Thiện lo lắng.

Theo số liệu thống kê của Bộ Tài nguyên và Môi trường, tổng trữ lượng nước mặt của trên toàn lãnh thổ nước ta đạt khoảng 840 tỷ m3, trong đó có hơn 60% lưu lượng nước phụ thuộc vào thượng nguồn nằm ngoài biên giới. Tuy nhiên, những năm gần đây, các nước vùng thượng nguồn xây dựng ồ ạt các công trình khai thác, phát triển thủy năng với quy mô lớn, làm nguồn nước chảy vào Việt Nam ngày càng giảm mạnh.

Bài 1: Khi mực nước sông Mekong thay đổi bất thường

Bài 2: Thủy điện trên dòng chính Mekong ảnh hưởng gì đến vùng hạ lưu?

Bài 3: Ghềnh đá khổng lồ trên dòng Mekong trước nguy cơ bị “khai tử”