Indonesia bác đề nghị trì hoãn dự án luyện kim 3 tỷ USD

Chính phủ nước này đã từ chối đề nghị của tập đoàn Freeport Indonesia về việc hoãn tiến độ hoàn thành dự án nhà máy luyện kim trị giá 3 tỷ USD tại Gresik, Đông Java sang năm 2024 thay vì năm 2023.

Bộ Năng lượng và Tài nguyên khoáng sản Indonesia ngày 27/8 cho biết, chính phủ nước này đã từ chối đề nghị của tập đoàn Freeport Indonesia về việc hoãn tiến độ hoàn thành dự án nhà máy luyện kim trị giá 3 tỷ USD tại Gresik, Đông Java sang năm 2024, thay vì năm 2023.

Theo ông Ridwan Djamaludin, một quan chức của Bộ Năng lượng và Tài nguyên khoáng sản Indonesia, Chính phủ Indonesia nhất quán cho rằng việc đảm bảo tiến độ xây dựng nhà máy luyện kim này là bắt buộc.

Điều này đã được quy định rõ trong các điều khoản của Luật số 3/2020 liên quan đến khuyến khích, thu hút các công ty, tập đoàn khai thác khoáng sản tại Indonesia, trong đó có tập đoàn Freeport Indonesia.

Tập đoàn này đã cam kết thực hiện các điều khoản trên trước khi bắt tay thực hiện dự án và đã nhận được Giấy phép kinh doanh khai thác đặc biệt (IUPK) của chính phủ.

Chính phủ Indonesia nhấn mạnh không chấp nhận bất cứ đề xuất nào liên quan đến việc trì hoãn dự án nói trên, đồng thời yêu cầu bằng mọi giá Freeport Indonesia phải hoàn thành dự án theo đúng kế hoạch đề ra trước đó.

Cùng ngày, Ủy ban VII của Quốc hội Indonesia cũng bác bỏ đề xuất trì hoãn thực hiện dự án của Freeport Indonesia. Trong kết luận đưa ra ngày 27/8, Ủy ban VII cho rằng đây là một trong những dự án trọng điểm quốc gia và đang được hưởng quy chế ưu tiên đặc biệt của chính phủ.

Trong bối cảnh hiện nay, có những khó khăn nhất định do đại dịch COVID-19 nhưng việc hoàn thành dự án đúng tiến độ là việc bắt buộc. Ủy ban VII yêu cầu chinh phủ chỉ đạo các bộ, ngành liên quan giám sát để dự án này được thưc hiện đúng tiến độ.

Trước đó, tập đoàn Freeport Indonesia đã đề nghị Quốc hội Indonesia cho phép tập đoàn này tạm hoãn thực hiện xây dựng dự án luyện kim tại Gresik (Đông Java), do dịch COVID-19 ảnh hưởng nghiêm trọng đến quá trình thực hiện dự án.

Các nhà thầu thứ cấp không thể huy động công nhân hay vận chuyển thiết bị máy móc, vật tư từ các quốc gia khác đến Indonesia để phục vụ xây dựng dự án. Tính đến tháng tháng 7/2020, việc thực hiện dự án mới chỉ đạt 5,86%, so với mục tiêu 10,5% được các bên thống nhất trước đó.