Nghiên cứu mới cho thấy mức độ tham nhũng thực sự trong nghề cá

Tham nhũng là một vấn đề xuyên suốt chuỗi giá trị của nghề cá. Không chỉ là hành vi bất hợp pháp, hậu quả của tham nhũng trong nghề cá là nghiêm trọng và rất phổ biến. Một cách tiếp cận cấu trúc dựa trên chính sách là cần thiết để giải quyết vấn đề này.

Tham nhũng trong nghề cá đe dọa các mục tiêu phát triển bền vững. (Ảnh: Pixabay)

Các sản phẩm từ cá đã trở thành một phần không thể thiếu trên bàn ăn của chúng ta. Ước tính, trong 6 thập kỷ qua, mức tiêu thụ cá bình quân đầu người trên toàn cầu đã tăng từ 9,9kg lên 19,2kg.

Hầu hết chúng ta ăn cá được đánh bắt tại địa phương, song, nhiều người cũng ăn cá được đánh bắt ở một nơi khác trên thế giới. Thương mại toàn cầu trong các sản phẩm từ cá đã phát triển tương ứng, với mức tăng trưởng hàng năm là 3,9% tính theo số liệu thực tế từ năm 1976 đến 2010. Ngành Cá cũng đã mang đến thu nhập trực tiếp cho khoảng 60 triệu người và gián tiếp cho 750 triệu người khác. Ngoài ra, nó đóng vai trò quan trọng trong việc bảo tồn và khai thác bền vững đại dương cũng như những nguồn nước khác.

Bởi những lẽ đó, quản trị hiệu quả trong nghề cá là vấn đề rất quan trọng, quyết định tới sự thịnh vượng của các đại dương, sông và chuỗi thức ăn của chúng ta. Đáng nói là, có rất nhiều cơ hội cho tham nhũng ở đây, khiến cho việc buôn bán, tiêu thụ cá trở thành mối đe dọa đối với sự bền vững, cũng là nơi tạo ra sự đói nghèo.

Ba điều cần biết

Mặc dù đã có những nghiên cứu và chương trình hành động đối với những hành vi bất hợp pháp, không được báo cáo và không được kiểm soát trong nghề cá, nhưng những gì người ta hiểu về tham nhũng trong lĩnh vực này còn rất hạn chế.

Báo cáo này đưa ra 3 điều quan trọng cần biết về tham nhũng nghề cá. Đó là:

Thứ nhất, tham nhũng dưới các dạng thức khác nhau xảy ra ở các chu trình khác nhau trong hoạt động sản xuất cá, hay nói cách khác là tham nhũng có mặt xuyên suốt “chuỗi giá trị của nghề cá”. Điều này giống như những gì chúng ta đã thấy trong báo cáo gần đây của Cơ quan Phòng chống Ma túy và Tội phạm của Liên hợp quốc (UNODC) có tiêu đề: “Cá ươn: Hướng dẫn giải quyết tham nhũng trong lĩnh vực thủy sản” (Rotten fish: A guide on addressing corruption in the fisheries sector).

Thứ hai, không chỉ là hành vi bất hợp pháp, hậu quả của tham nhũng trong nghề cá có thể rộng hơn và nghiêm trọng hơn. Bằng chứng là, thực tế từ Nam Phi đến quần đảo Thái Bình Dương đã cho thấy tham nhũng làm suy yếu việc thực thi pháp luật, cản trở việc tuân thủ các quy định về môi trường thúc đẩy những hành vi bất hợp pháp, ngầm phá hoại nền quản trị tốt và tổn hại tính hợp pháp của sự đồng quản lý nghề cá. Tham nhũng trong nghề cá cũng mang đến cơ hội cho nạn buôn người và nô lệ.

Thứ ba, tham nhũng có sự khác biệt trong nhận thức, vì có thể nó xảy ra khi các hành vi bất hợp pháp được cố tình cho qua, hoặc thậm chí được khuyến khích, tạo điều kiện bởi các quan chức khu vực công, vì mục đích tư lợi cá nhân. Nhưng, cho dù là tham nhũng hay là các hành vi bất hợp pháp, không được báo cáo và không được kiểm soát trong nghề cá, thì điểm tồn tại chung là hàng loạt lỗ hổng trong cấu trúc, như giám sát, thực thi yếu kém hoặc sự hạn chế về hạn ngạch và chứng khoán sụt giảm khiến cuộc sống của các cộng đồng ngư dân bị ảnh hưởng nghiêm trọng.

Để hiểu thêm về tham nhũng trong nghề cá, các nhà nghiên cứu từ Trường Kinh tế và Khoa học Chính trị London (LSE – Anh) và Đại học Adelaide (Australia) đã nghiên cứu các tài liệu học thuật và thông tin trên các phương tiện truyền thông, báo cáo từ các tổ chức quốc tế về tham nhũng trong lĩnh vực này. Từ đó, phân tích các vụ việc thông qua nghiên cứu các dạng thức tham nhũng khác nhau và những giai đoạn khác nhau của quá trình sản xuất nghề cá.

Các vụ việc tham nhũng đều cho thấy, tham nhũng khác xa với khái niệm là xảy ra dưới một hình thức hoặc tại một thời điểm/không gian. Trên thực tế, các vấn đề tham nhũng được thấy ở các lĩnh vực khác nhau, với nhiều biểu hiện khác nhau, có thể kể đến một vài như: Cấp giấy phép, đàm phán hợp đồng, thực thi pháp luật lỏng lẻo, tống tiền, tham nhũng chính trị, rửa tiền, gian lận thuế, buôn người… Các hoạt động tham nhũng không giới hạn ở Nam bán cầu hay các nước đang phát triển. Tham nhũng trong cấp phép, đàm phán hợp đồng, rửa tiền hoặc gian lận thuế xảy ra ở cả nước giàu lẫn các quốc gia nghèo. Hơn nữa, các hoạt động tham nhũng vượt ra khỏi cấp địa phương hoặc quốc gia, chúng có sự phân nhánh quốc tế. Thông qua phân tích một cách kỹ lưỡng, các vấn đề tham nhũng trong nghề cá có thể được xác định rõ nét hơn.

Một cách tiếp cận mới

Sự phức tạp của tham nhũng trong nghề cá làm nổi lên sự cấp thiết phải có sự kết hợp toàn diện hơn các biện pháp chống tham nhũng vượt qua ngoài những quy định cơ bản và thường được thực thi một cách yếu ớt. Hiện nay, thật đáng mừng khi hầu hết quốc gia đã ký kết Công ước Liên hợp quốc về chống tham nhũng (UNCAC), và gần như tất cả đều cấm các hành vi bất hợp pháp trong nghề cá. Bởi vậy, điều quan trọng hiện nay không phải là tập trung phổ biến luật pháp hay hiệp ước, mà là xác định tốt hơn các vấn đề còn tồn tại cũng như việc thực thi các quy định pháp luật, hiệp ước…

Tập trung vào việc chống tội phạm và tăng cường thực thi pháp luật, nhưng phải bảo đảm việc xem xét để đưa các yếu tố và công cụ chính sách vào thực thi. Ví dụ, bảo đảm các hợp đồng cấp phép được công khai và thông tin được hiện thị trên các cổng Chính phủ trực tuyến là một biện pháp quan trọng để tăng cường tính minh bạch, trách nhiệm. Bên cạnh đó, truy tìm nguồn gốc của các sản phẩm cá rất quan trọng đối với người thu mua và người tiêu dùng. Cần bảo đảm các cán bộ được trả lương đáp ứng nhu cầu cuộc sống và có đủ nguồn lực để thực hiện nhiệm vụ. Cùng với đó, không để xảy ra tình trạng mất công bằng và thiếu thượng tôn pháp luật khi người đưa hối lộ ở địa phương thấy cấp trên của họ dù có hành vi tham nhũng nhưng lại không bị trừng phạt.

Nếu không có một sự tiếp cận cấu trúc (structured approach), sự phổ phiến, phức tạp và bao trùm của các sự việc tham nhũng trong nghề cá sẽ tiếp tục là một thách thức đối với việc thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững về các nguồn lực, hệ sinh thái và sinh kế liên quan đến cá. Nếu như không giải quyết một cách hiệu quả, tác động của tham nhũng trong nghề cá có thể tiếp diễn và bị khuếch đại bởi các vấn đề khác như: đánh bắt quá mức, rủi ro môi trường (như biến đổi khí hậu, axit hóa đại dương) mà ngành này đang phải đối mặt.

Khi mà các nhà hoạch định chính sách trên khắp thế giới ngày càng nhận ra thách thức này, đã đến lúc phải nỗ lực nhiều hơn để tạo ra một chính sách toàn diện, được hiệu chỉnh dựa trên sự hiểu biết rõ ràng hơn về hiện tượng này. Mục tiêu của các chính sách là nhắm vào các nguyên nhân gốc rễ của tham nhũng, bao trùm các nền văn hóa, xã hội các quốc gia.

Bài viết mang ý kiến của Yifei Yan – Ủy viên Giám đốc Trường Kinh tế và Khoa học Chính trị London (LSE); và Adam Graycar, giáo sư ngành Chính sách công, Đại học Adelaide, đăng trên Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF).