37 tỷ USD bị rút khỏi quỹ tài sản lớn nhất hành tinh

Theo Bloomberg, Na Uy có kế hoạch rút 382 tỷ krone (37 tỷ USD) khỏi quỹ tài sản quốc gia. Động thái này sẽ buộc quỹ đầu tư lớn nhất thế giới bán tài sản để có tiền mặt.

Số tiền mà Na Uy rút khỏi quỹ tài sản quốc gia lớn gấp 4 lần con số kỷ lục hồi năm 2016. Động thái này cho thấy tác hại kinh tế của cuộc khủng hoảng kép đến từ dịch Covid-19 và sự sụp đổ giá tại thị trường dầu mỏ.

Nhà xuất khẩu dầu thô lớn nhất Tây Âu phải đối mặt với cuộc suy thoái kinh tế tồi tệ nhất kể từ Thế chiến II. Quỹ tài sản trị giá 1.000 tỷ USD tiết lộ thu nhập của quỹ trong năm 2020 sụt giảm so với mức dự kiến khi các công ty cắt giảm chi trả cổ tức.

Với số tiền rút kỷ lục, quỹ có khả năng phải bán trái phiếu để tăng tỷ lệ nắm giữ cổ phiếu sau khi danh mục đầu tư vốn giảm xuống dưới mức bắt buộc 70% tổng danh mục đầu tư.

Nhà xuất khẩu dầu thô lớn nhất Tây Âu vật lộn với cuộc khủng hoảng kép. (Ảnh: Getty Images)

Quỹ tiết kiệm của Na Uy là nơi lưu trữ toàn bộ lợi nhuận từ dầu khí của quốc gia này. Chừng nào chính phủ còn tạo ra thặng dư, họ có thể gửi tiền vào quỹ. Trong năm 2016 và 2017, doanh thu từ dầu mỏ sụt giảm, tiền gửi vào bị thay thế bằng tiền rút ra. Tuy nhiên, quỹ vẫn có thể dễ dàng quản lý dòng tiền.

Nhưng mọi thứ nhanh chóng thay đổi vào năm 2020. Giờ đây, chính phủ nước này hy vọng có thể chi khoản tiền kỷ lục 420 tỷ krone (41.16 tỷ USD) để thúc đẩy nền kinh tế vượt qua cú sốc giá dầu. Na Uy dự đoán dòng tiền từ hoạt động dầu khí sẽ giảm 62% xuống 98 tỷ krone (9.6 tỷ USD), mức thấp nhất kể từ năm 1999.