Bình Định: Phát triển nông nghiệp toàn diện, tăng trưởng và bền vững

Mặc dù ruộng đồng bị sa bồi thủy phá, hệ thống kênh mương, hồ chứa nước thuỷ lợi bị sạt lở và hư hỏng nặng trong đợt lũ vừa qua, tỉnh Bình Định vẫn đặt mục tiêu tăng trưởng giá trị sản phẩm từ 4 đến 4,6 % trong năm 2008, trong đó nông nghiệp tăng từ 4 đến 4,8 %.

Để đạt mục tiêu đề ra, giải pháp hàng đầu của lãnh đạo tỉnh Bình Định là tiếp tục đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp và nông thôn theo hướng sản xuất hàng hóa, tập trung, chuyên và thâm canh có năng suất, chất lượng và giá trị hiệu quả trên một trên một đơn vị canh tác đạt cao; đẩy mạnh công tác phòng chống dịch bệnh, áp dụng các tiến bộ khoa học, kỹ thuật, giống mới và chuyển đổi mùa vụ hợp lý.

Ông Nguyễn Văn Thiện, Phó chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Bình Định cho biết: đối với ngành trồng trọt, tỉnh tiếp tục chuyển từ sản xuất 3 vụ bấp bênh sang sản xuất 2 vụ ăn chắc và ổn định diện tích trồng lúa 115.500 ha, mở rộng diện tích trồng ngô lên 8.000 ha và đảm bảo tổng sản lượng lương thực qui thóc đạt 640 nghìn tấn.

Về chăn nuôi, phấn đấu đạt giá trị sản xuất tăng từ 4,2 đến 4,8 %; tiếp tục phát triển và hình thành vùng chăn nuôi tập trung theo hình thức trang trại và chăn nuôi công nghiệp, gắn với chế biến tập trung và xử lý tốt chất thải môi trường; phát triển đàn bò lai hướng thịt, nạc hoá đàn heo và phát triển đàn bò sữa theo hướng nâng cao chất lượng, hiệu quả và thực hiện nghiêm ngặt công tác kiểm dịch giống và các biện pháp phòng chống dịch bệnh gia súc ,gia cầm đạt hiệu quả.

Thu hút các doanh nghiệp đầu tư trồng rừng phòng hộ, rừng sản xuất, rừng cảnh quan tại khu vực núi Bà Hỏa, Vũng Chua, Khu kinh tế Nhơn Hội.

Năm 2008, tỉnh sẽ trồng mới 4.000 ha rừng tập trung, đồng thời tăng cường công tác giao khoán, quản lý, bảo vệ và phòng cháy rừng. Triển khai đồng bộ chính sách phát triển nuôi, trồng, khai thác, chế biến, xuất khẩu thuỷ sản; đẩy mạnh tiến độ thi công các khu dịch vụ hậu cần nghề cá và phát triển đội tàu đánh bắt xa bờ, câu cá ngừ đại dương và làm tốt công tác quản lý, phục hồi, bảo vệ và phát triển nguồn thuỷ, hải sản và tiếp tục ưu tiên đầu tư cho phát triển nông nghiệp, nông thôn, nhất là các công trình thuỷ lợi, đặc biệt là các vùng thường bị hạn hán kéo dài, vùng thường bị lũ lụt ngập úng nặng; chủ động khả năng cảnh báo, phòng chống và khắc phục hậu quả thiên tai; rà soát và bãi bỏ những khoản đóng góp của nông dân không phù hợp với luật pháp; đẩy mạnh công tác quản lý đất đai, tài nguyên và thực hiện việc kiểm tra lại tình trạng sử dụng đất đai trên địa bàn tỉnh theo chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ.