Dân bản địa Malaysia trốn vào rừng tránh dịch

Sau khi đã chặn lối vào làng, một nửa người dân ở Jemeri (Malaysia) đã trốn vào khu rừng xung quanh vì sợ lây nhiễm virus SARS-CoV-2, theo Straits Times.

Malaysia đã triển khai khử trùng toàn quốc chống dịch COVID-19. Ảnh: Straits Times.

“Chúng tôi sẽ vào rừng sống, để tự cô lập và tìm thức ăn cho chính mình. Chúng tôi biết cách kiếm thức ăn trong rừng và có một số thứ chúng tôi có thể trồng ở đó”, dân làng và nhà hoạt động Bedul Chemai trả lời phỏng vấn của Reuters qua điện thoại từ Jemeri, bang Pahang, Malaysia.

Cộng đồng người Orang Asli là một trong những người nghèo nhất và dễ bị tổn thương nhất ở Malaysia. Theo Giám đốc sở Phát triển Orang Asli Juli Edo, ca mắc COVID-19 đầu tiên trong cộng đồng này được phát hiện vào tuần trước là một cậu bé ba tuổi sống tại một ngôi làng ngay bên ngoài cao nguyên Cameron – một địa điểm du lịch nổi tiếng. Ngay sau đó, ngôi làng đã bị phong tỏa và vẫn còn một khu vực khác tại đây có khả năng cao đã lây nhiễm.

Người Orang Asli là hậu duệ của những cư dân đầu tiên được biết đến ở Malaysia và cộng đồng này có dân số khoảng 200.000 người. Trong bối cảnh chính phủ Malaysia thực thi các biện pháp quyết liệt phòng chống dịch COVID-19, giới chức Orang Asli cho hay người dân ở khu vực này phải chịu ảnh hưởng nặng nề.

Theo đó, nhiều người Orang Asli đang phải vật lộn để tìm kiếm thực phẩm sau khi khoản thu nhập nhỏ của họ từ việc bán rau, trái cây và cao su hàng ngày đã bị cắt giảm. Một số khác không dám đi vào thị trấn mua thực phẩm vì lo ngại nhiễm virus.

Tính đến chiều 3.4, Malaysia đã ghi nhận 3.116 ca nhiễm virus SARS-CoV-2 và 50 ca tử vong vì COVID-19.

Người Orang Asli dễ bị bệnh vì các yếu tố bao gồm nghèo đói và suy dinh dưỡng. Tỷ lệ nghèo tại đây được báo cáo ở mức hơn 30% so với mức trung bình của Malaysia là 0,4%.

Ngoài cộng đồng bản địa này, nhiều cộng đồng người bản địa trên khắp thế giới, bao gồm ở Australia, Canada và Brazil cũng đã đóng cửa tự cô lập để tránh dịch.