Trung Quốc dùng mật gấu điều trị covid-19: Vòng luẩn quẩn

Các nhà khoa học đều chỉ ra rằng việc buôn bán động vật hoang dã ở Trung Quốc rất có thể là nguyên nhân gây ra đại dịch covid-19 nhưng lạ là chính phủ nước này lại đang khuyến khích một phương pháp điều trị có chứa mật gấu nuôi nhốt.

Thuốc tiêm “Tan Re Qing” (Đàm Nhiệt Thanh) là một trong những phương pháp điều trị được khuyến nghị cho các trường hợp nhiễm coronavirus “nghiêm trọng”, theo Kế hoạch chẩn đoán và điều trị covid-19 (Phiên bản thử nghiệm thứ 7) được Ủy ban Y tế quốc gia công bố vào ngày 4/3/2020 và được truyền thông nhà nước đăng tải.

Theo trang web của một nhà sản xuất dược phẩm lớn, mật gấu là thành phần của thuốc tiêm Đàm Nhiệt Thanh.

Ảnh chụp màn hình từ trangweb của công ty đưa ra công thức thuốc có thành phần là mật gấu. (Ảnh: EIA)

Tháng 2 năm nay, Chính phủ Trung Quốc đã cấm tiêu thụ hầu hết các động vật hoang dã trên cạn sau khi dịch covid-19 bùng phát. Đây là một động thái tích cực nếu được thực hiện một cách hiệu quả và có đạo đức, tuy nhiên, lệnh cấm không bao gồm việc sử dụng các sản phẩm động vật hoang dã trong thuốc bắc hoặc để trang trí.

Các loại thuốc bắc có chứa các bộ phận động vật hoang nguy cấp như vảy tê tê, xương báo, sừng linh dương saiga và mật của gấu nuôi nhốt vẫn được xem là hợp pháp ở Trung Quốc.

Nhà vận động động vật hoang dã thuộc EIA kiêm chuyên gia về Trung Quốc Aron White cho biết: “Trung Quốc đã đưa ra thông điệp mâu thuẫn nhau khi hạn chế ăn động vật hoang dã đồng thời quảng bá các loại thuốc có chứa các bộ phận động vật hoang dã”.

“Việc tiếp tục sử dụng động vật hoang dã bị đe dọa trong y học là vô trách nhiệm trong kỉ nguyên mất đa dạng sinh học xảy ra chưa từng thấy như hiện nay, bao gồm cả thương mại bất hợp pháp và không bền vững”.

Theo White, ngay cả khi các sản phẩm động vật hoang dã như mật gấu và xương hổ có nguồn gốc từ động vật nuôi nhốt thì vẫn không làm giảm áp lực đối với quần thể hoang dã, đặc biệt là người tiêu dùng luôn ưa chuộng các sản phẩm có nguồn gốc từ tự nhiên hơn. Các thị trường kiểu này đang hợp pháp hóa và duy trì nhu cầu đối với động vật hoang dã nguy cấp.

Tại thời điểm thế giới bị tê liệt bởi đại dịch covid-19, rủi ro về sức khỏe cộng đồng và môi trường từ buôn bán động vật hoang dã đang được chú ý chưa từng thấy. Đây là lúc phù hợp nhất để chấm dứt việc sử dụng bộ phận của các loài động vật hoang dã bị đe dọa làm thuốc, đặc biệt là khi các cuộc điều tra gần đây được thực hiện ở Trung Quốc cho thấy đại đa số người được hỏi phản đối việc này.

“Sử dụng động vật hoang dã bị đe dọa làm thuốc là hoàn toàn không cần thiết, đặc biệt luôn có sẵn các lựa chọn thay thế từ thảo dược, và nhiều người hành nghề y học cổ truyền và cả người dùng đều muốn thấy việc sử dụng các sản phẩm động vật hoang dã bị chấm dứt”, White nhấn mạnh.

Nhật Anh (Theo EIA)

Nguồn: