Sri Lanka trở thành trung tâm buôn bán rùa sao

Rùa sao Ấn Độ là loài rùa bị buôn lậu nhiều nhất trên thế giới, với hàng ngàn vụ buôn bán bất hợp pháp hàng năm từ Ấn Độ, Sri Lanka và Pakistan, bất chấp lệnh cấm hoàn toàn năm 2019 đối với buôn bán quốc tế loài này.

Bên trong một trung tâm mua sắm sang trọng ở thủ đô Bangkok của Thái Lan, một người đàn ông đang gặp một khách hàng tiềm năng để bàn cách đưa rùa sống về Thái Lan buôn bán làm thú cưng.

“Tôi có 560 con rùa sống có kích thước từ 5-12 cm và những con rùa này có thể được gửi qua Ấn Độ, Sri Lanka và Malaysia vì tôi biết những người có thể giúp chúng ta ở sân bay này. Tôi cũng có một trang trại rùa nhỏ ở Colombo.” – nhà cung cấp nói một cách kín đáo trong một video được ghi hình bí mật.

Nhà cung cấp là Wasim Sheriff, bí danh Mona hoặc Machli, một kẻ buôn bán động vật hoang dã khét tiếng tại Ấn Độ, bằng cách nào đó đã trốn tránh được nhà chức trách trong nhiều năm. Nhưng vận may của hắn ta vụt tắt khi người mua ghi lại cuộc gặp gỡ hóa ra lại là người đang theo dõi đường dây buôn lậu rùa bất hợp pháp. Dựa trên thông tin này, Machli đã bị bắt vào tháng 10 năm 2017 tại Ấn Độ với tang vật là 1.012 con rùa.

Trung tâm buôn bán quốc tế rùa sao mới

Rùa sao trở thành loài rùa bị buôn bán nhiều nhất trong các loài rùa.

Cuộc điều tra này là một phần của chiến dịch bí mật có tên Operation Dragon được thực hiện trong giai đoạn 2016-2019, bởi Ủy ban Công lý Động vật Hoang dã (WJC), một tổ chức phi chính phủ có trụ sở tại Hà Lan. Mục tiêu của Operation Dragon là phát hiện các loài rùa buôn bán bất hợp pháp trong khu vực Đông Nam Á. Theo đó, chiến dịch này đã xác định được 200 đối tượng đáng quan tâm và phát lộ tám mạng lưới tội phạm hoạt động trên khắp Ấn Độ, Pakistan, Bangladesh, Sri Lanka, Malaysia và Thái Lan.

Thông tin từ cuộc điều tra của WJC sau khi đệ trình lên cơ quan thực thi pháp luật đã dẫn đến việc bắt giữ một số kẻ buôn lậu hàng đầu và khoảng 30 kẻ khác liên quan đến đường dây quốc tế.

Cuộc điều tra cũng xác nhận rằng rùa sao Ấn Độ (Geochelone elegans), một loài có nguồn gốc từ Ấn Độ, Sri Lanka và Pakistan, cũng là loài rùa bị buôn bán nhiều nhất trong thị trường buôn bán thú cưng bất hợp pháp toàn cầu.

Rùa sao được thu gom hàng chục nghìn con hàng năm từ Ấn Độ và nhập lậu vào các nước Đông và Đông Nam Á như Malaysia, Thái Lan và Hồng Kông. Sân bay ở thành phố Chennai, miền nam Ấn Độ từ lâu đã là trung tâm buôn lậu rùa sao, nhưng khi các cuộc trấn áp gia tăng, những kẻ buôn lậu đã tìm kiếm các tuyến đường thay thế.

Sự kiện quan trọng tiết lộ sự tham gia của Sri Lanka vào hoạt động buôn bán bất hợp pháp xảy ra vào tháng 6 năm 2017, khi Hải quân Sri Lanka chặn một chiếc xuồng ba lá từ Ấn Độ chở 2.098 con rùa sao sống.

Tháng 12/2017, các nhà chức trách đã bắt giữ 1.200 con rùa ở thị trấn Kalpitiya, tây bắc Sri Lanka, nơi được biết đến với các đường dây buôn lậu bất hợp pháp với miền nam Ấn Độ. Một cuộc đột kích ở Ấn Độ vào tháng 5 năm 2018 đã thu giữ 1.438 con rùa sao, được cho là sắp được buôn lậu vào Sri Lanka qua đường biển, xác nhận rằng quốc đảo này đã trở thành một đầu mối quan trọng trong mạng lưới buôn lậu rùa.

Ấn Độ và Sri Lanka là trung tâm của đường dây buôn lậu rùa sao. Trong đó, Srilanka vừa là nước xuất xứ và là nơi trung chuyển. Ảnh: Wildlife Justice Commission (WJC)

Gia tăng các vụ buôn lậu

Rùa sao bị bắt giữ tại Sri Lanka

Các quan chức hải quan Sri Lanka cũng đã thực hiện một số vụ bắt giữ trong những năm gần đây: 41 con rùa vào năm 2016 và 304 con vào năm 2019 được tìm thấy trong hàng hóa của hành khách. Năm 2015, hải quan bắt giữ 124 con rùa vào ngày 2 tháng 7 và 488 con vào ngày 28 tháng 7. Năm 2017, một cuộc đột kích dẫn đến việc phát hiện khoảng 200 con rùa không nguồn gốc từ Sri Lanka, một dấu hiệu rõ ràng cho thấy đất nước này đã trở thành một trung tâm trung chuyển.

Machli, kẻ buôn lậu Ấn Độ bị bắt vào năm 2017, tự hào sở hữu một trang trại nuôi rùa ở Colombo, thủ phủ thương mại của Sri Lanka, theo Sunil Sumanarathne, người đứng đầu đội phản ứng nhanh của Cục Bảo tồn Động vật Hoang dã Sri Lanka (DWC).

Tại Ấn Độ, các nhà chức trách đã bắt giữ khoảng 5.000 con rùa sao trong khoảng thời gian từ tháng 10 năm 2021 đến tháng 2 năm 2022, theo dữ liệu của Ấn Độ. Ở Sri Lanka, nơi quần thể rùa sao nhỏ hơn nhiều, đã có tổng số 5.487 con rùa bị bắt giữ từ năm 1997 đến năm 2019, trong chín cuộc truy quét khác nhau. Nhưng xem xét kỹ hơn các con số cho thấy một mô hình rõ ràng: Gần 60% các vụ bắt giữ, khoảng 3.130 con rùa sao, chỉ diễn ra từ năm 2015 đến năm 2017.

Cuộc điều tra của WJC cho thấy Sri Lanka vừa là trung tâm trung chuyển vừa là nơi xuất xứ của nguồn cung cấp rùa sao. Các nhà điều tra cho biết điều này càng cho thấy Sri Lanka cần tăng cường nỗ lực kiểm soát buôn bán động vật hoang dã, vì cũng có bằng chứng về các loài khác được buôn bán qua các cảng đảo, chẳng hạn như hải sâm.

Rủi ro mất đặc tính loài

Trong khi các loài rùa sao Sri Lanka giống với loài được tìm thấy ở tiểu lục địa Ấn Độ, đường nét trên mai của nó sắc sảo hơn và được các nhà sưu tập coi là đẹp hơn so với những người anh em họ Ấn Độ của chúng.

Một nghiên cứu của TRAFFIC cho thấy rùa sao có nguồn gốc Sri Lanka trong buôn bán quốc tế đã được khẳng định là đánh bắt tự nhiên, một dấu hiệu của buôn lậu. Tuy nhiên, hầu hết các quảng cáo và bài đăng trực tuyến về rùa sao đều khẳng định chúng đã được gây nuôi. Cơ sở dữ liệu thương mại được duy trì bởi CITES, công ước buôn bán động vật hoang dã quốc tế, cho thấy 248 con rùa sao đã được xuất khẩu cho mục đích thương mại từ Sri Lanka từ năm 1978 đến năm 1985, cho thấy một tỷ lệ động vật đang được buôn bán ngày nay là nguồn gốc của những con rùa được xuất khẩu hợp pháp.

Ở Sri Lanka, những con rùa bị bắt thường được thả trở lại một trong những vườn quốc gia ở vùng khô hạn của đất nước. Nhưng bằng cách thả rùa sao từ Ấn Độ và Sri Lanka vào cùng một nơi, có nguy cơ các đặc tính độc đáo của giống Sri Lanka sẽ bị mất theo thời gian.

Nỗ lực bảo vệ

Rùa sao lần đầu tiên được liệt kê theo Phụ lục II của Công ước CITES vào năm 1975 và được nâng lên Phụ lục I vào năm 2019, thông qua các đề xuất của Ấn Độ và Sri Lanka, có nghĩa là thương mại quốc tế của chúng bị cấm.

Chris Shepherd, giám đốc điều hành của Monitor Conservation Research Society, cho biết: Mặc dù Phụ lục I là một bước đi tích cực, nhưng hiệu quả của nó phụ thuộc vào việc các quốc gia tăng cường các quy định pháp luật và thực thi. Ông cho rằng: “Điều quan trọng là phải có sự hợp tác toàn cầu để đối phó với loại hình buôn bán trái phép động vật hoang dã xuyên biên giới này.”

Bên cạnh đó, cần nâng cao nhận thức của người tiêu dùng rằng các loài như rùa sao Ấn Độ đang bị đe dọa tuyệt chủng do nhu cầu gia tăng.

Ấn Độ đã bắt đầu tăng cường các cơ chế thực thi pháp luật của mình, bao gồm đào tạo các nhân viên hải quan và sân bay.

Đức Anh/Theo Mongabay

Nguồn: