Cảnh báo sạt lở do sóng biển “tấn công”

Đi dọc vùng biển 3 tỉnh miền Trung là Đà Nẵng, Quảng Nam và Quảng Ngãi, hiện nay, vùng biển tỉnh nào cũng đang bị sóng biển tấn công gây sạt lở nghiêm trọng. Thiệt hại nặng nhất hiện nay phải kể đến Hội An, tỉnh Quảng Nam. Cứ sau một đợt biển động, bờ biển nơi đây tiêu điều, xơ xác và không có vật gì có thể cản nổi bước tiến của sóng.

Khách sạn hoang phế ở Hội An, do bị sóng tấn công. Ảnh: Hà Anh

Mộ nằm dưới sóng

Tại khu vực bờ biển thành phố Hội An, khi những đợt sóng nhấp nhô ào ạt vào bờ hạ thấp xuống, nhiều người ngạc nhiên vì giữa những đụn sóng cao nằm cách bờ hàng trăm mét có một phiến đá to màu đen xỉn. Khách mới đến Hội An ban đầu nhầm tưởng đó là một công trình kè chắn sóng còn sót lại. Nhưng khi được giải thích rằng, đó là chân đế và bia một ngôi mộ của người dân địa phương thì họ không khỏi bàng hoàng. Ngôi mộ này đã được thân nhân di chuyển đi chỗ khác. Nhưng vấn đề là ở chỗ nơi ngôi mộ nằm nhấp nhô trên sóng kia vốn là bờ. Nhưng bờ đã biến thành biển và sóng biển mỗi ngày lại tiếp tục những bước tiến tham lam tấn công vào bờ không ngừng nghỉ.

Tại khu vực nằm cuối bãi biển, giáp với bến đò ra Cù Lao Chàm có một khách sạn lớn xây dựng dọc theo bờ biển đã trở thành “khách sạn ma”. Hình ảnh khách sạn này trở thành nỗi ám ảnh đối với nhiều khách sạn nằm dọc bờ biển. “Khách sạn ma” này xây dựng hệ thống kè chắn sóng cao gần 2 mét chắn phía sau lưng. Nhưng sóng biển lớn tấn công liên tục đã phá tan bờ chắn, cuốn sâu vào bên trong lôi sập toàn bộ hệ thống nhà nằm ở bìa ngoài. Vào thời điểm biển động, sóng lớn ập thẳng vào sâu bên trong để đánh phá những thành trì cuối cùng của công trình trăm tỷ. Khách sạn này đến nay không còn hoạt động. Giữa những tán cỏ um tùm, thỉnh thoảng xuất hiện một nhân viên bảo vệ với dáng vẻ mệt mỏi.

Bãi biển thành phố Hội An có khu vực đẹp nhất là rừng dừa bãi biển. Sau các cơn bão liên tiếp vừa qua, khoảng 500 mét bờ biển đã trở thành bờ vực dựng đứng. Những cây dừa vốn tạo cảnh nên thơ cũng lần lượt đổ và bị sóng biển cuốn trôi. Cứu tinh của bờ biển khu vực này là hệ thống phao mềm chắn sóng, nhưng rồi các bao cát tiếp tục bị lún dần. Đến thời điểm hiện nay, chưa có thống kê thiệt hại chính thức, vì con số này sẽ luôn biến động sau mỗi trận mưa.

Vào ngày rằm, người dân địa phương và chủ của các cơ sở kinh doanh cắm từng bó hương nghi ngút trên bờ cát, ngay mép sạt lở. Một người dân địa phương cho biết, chính quyền đã mời các chuyên gia nước ngoài, sử dụng đủ mọi biện pháp rồi, nhưng thấy không hiệu quả nên bây giờ chỉ còn biết cầu trời.

Nhà cửa cuốn trôi

Đi dọc khu vực quận Ngũ Hành Sơn, thành phố Đà Nẵng, sau cơn bão số 12, sóng biển đã tấn công vào bờ làm đổ toàn bộ hệ thống kè chắn sóng nằm phía sau các khách sạn, nhà nghỉ. Ông Hạnh, một người dân chài sống lâu năm tại địa bàn này cho biết, trước đây, sóng biển nằm cách bờ vài trăm mét, nhưng bây giờ thì sóng đã vào sát bờ, mỗi ngày tiến vào gần hơn, do quá nhiều khách sạn xây kè chắn, làm ra ngoài bãi biển nên sóng biển càng tấn công mạnh, vì vậy, không biết trước điều gì sẽ xảy ra trong tương lai.

Hiện nay, thành phố Hội An bị nhiều thiệt hại do sạt lở bờ biển. Nhưng nếu tính về lâu dài, thiệt hại nặng nhất có thể là thành phố Đà Nẵng. Vì Đà Nẵng không quy hoạch bãi biển theo kiểu 3 lớp là bãi cát, rừng dương hoang sơ, khách sạn, nhà nghỉ. Hiện nay, phần lớn các công trình khách sạn cao cấp đều chiếm trọn diện tích kéo dài trên bờ biển Đà Nẵng. Trong đó, có những nhà nghỉ đang hoạt động, một số đang xây dựng, còn một số chiếm diện tích đất rộng rồi xây bờ bao để cho cỏ mọc um tùm.

Tại tỉnh Quảng Ngãi, có 3 địa phương thường xuyên bị sóng biển cuốn nhà dân, đó là xã Nghĩa An, thành phố Quảng Ngãi; thôn Thạnh Đức 1, xã Phổ Thạnh, huyện Đức Phổ và thôn Lệ Thủy, xã Bình Trị, huyện Bình Sơn. Nhiều năm trước, sóng biển bất ngờ ập vào rất sâu làng cát thôn Thạnh Đức 1 và cuốn trôi đi nhiều nhà dân. Đây là điều mà không ai ngờ tới, vì từ mép nước biển vào tận trong thôn rất xa. Hiện nay, tình trạng xói lở đã giảm bớt, nhưng ngôi làng này vẫn luôn đứng trước sự đe dọa khi thời tiết xấu.

Còn tại thôn Lệ Thủy, xã Bình Trị, huyện Bình Sơn, mùa mưa năm nay có 25 gia đình bị sóng biển đe dọa, trong đó có một số ngôi nhà trong tình trạng sắp đổ sập, hẫng chân móng nên người dân phải bỏ nhà vào sâu trong làng để ở tạm. Bà Nguyễn Thị Trí, một người dân địa phương cho biết, ngôi nhà của bà đang trong tình trạng nguy hiểm, vì toàn bộ tường đã nứt nẻ, móng như bị tụt. Theo thống kê của địa phương, có 19 nhà dân có nguy cơ bị đổ sập do bị sóng đánh tụt móng.

Trong những đợt mưa bão vừa qua, các khu dân cư nằm gần cửa Đại đã bị sóng biển đe dọa. Có 4 nhà dân bị sóng cuốn trôi ra biển, rừng dương liễu phòng hộ cũng bị cuốn trôi một phần, hệ thống cống thoát nước cũng bị hư hại.

Tại các vùng bị sạt lở, các nhà nghiên cứu đều đưa ra khuyến cáo cấm gắt gao đối với việc khai thác cát nhiễm mặn bừa bãi như thời gian qua. Còn tại Hội An, Giáo sư Na-ca-ga-oa I-a-xu-iu-ki, Viện trưởng Viện Hải dương học và Bờ biển Nhật Bản đánh giá, tình hình sạt lở của Hội An là rất nghiêm trọng. Các chuyên gia cũng tư vấn cho địa phương xây dựng kè vuông góc với bờ biển để hạn chế lượng cát bị cuốn ra biển.

Biện pháp khó thực hiện

Hội An là điểm đến của nhiều du khách quốc tế và trong nước. Vì vậy, sự kiện thành phố xinh đẹp này bị sạt lở bờ biển, cảnh dừa ngã đổ, bờ biển hàng trăm mét tả tơi, sóng ập vào bờ kè phủ lên đường đi, khách sạn bỏ hoang… đã trở thành hình ảnh tiếc nuối và đau lòng đối với mọi người. Truyền thông nước ngoài cũng đề cập đến việc sạt lở của Hội An. Vì vậy, vụ việc này đã được sự quan tâm rộng rãi của các nhà nghiên cứu.

Bờ biển của nhiều địa phương khác bị sạt lở được kết luận là do biển thay đổi dòng chảy, do nạn khai thác cát vô tội vạ. Trong các cuộc hội thảo khác, các chuyên gia đã nhận định nguyên nhân gây sạt lở nặng đối với thành phố Hội An xinh đẹp, đó là do thủy điện Đắk Mi 4 và Sông Tranh 2  giữ lại lượng bùn cát trên đầu nguồn, vì vậy, không có bùn cát bồi đắp ở cuối nguồn, gây ra tình trạng sóng tấn công thẳng vào bờ. Bên cạnh đó, các chủ nhà nghỉ xây dựng hệ thống kè chắn cục bộ trên bờ biển cũng đã tác động tiêu cực, dẫn đến sạt lở nặng.