Thúc đẩy hoạt động thẩm định hồ sơ cấp phép tiếp cận nguồn gen

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đang dự thảo Thông tư quy định về tổ chức và hoạt động của Hội đồng thẩm định hồ sơ đề nghị cấp Giấy phép tiếp cận nguồn gen để nghiên cứu vì mục đích thương mại, phát triển sản phẩm thương mại thuộc thẩm quyền cấp phép của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết, khoản 2 và khoản 5 Điều 13 Nghị định số 59/2017/NĐ-CP quy định: Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quy định về tổ chức và hoạt động của Hội đồng thẩm định đối với hồ sơ đề nghị cấp Giấy phép tiếp cận nguồn gen để nghiên cứu vì mục đích thương mại, phát triển sản phẩm thương mại (Hội đồng).

Ảnh minh họa.

Trong thời gian qua, sau khi Nghị định số 59/2017/NĐ-CP có hiệu lực thi hành, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã tiếp nhận các hồ sơ đề nghị cấp Giấy phép tiếp cận nguồn gen, trong đó có 02 hồ sơ đề nghị cấp Giấy phép tiếp cận nguồn gen của bòn bon và chôm chôm để nghiên cứu vì mục đích thương mại, phát triển sản phẩm thương mại của Bên cung cấp nguồn gen là Công ty TNHH Nông trang xanh Colibris (Việt Nam) và Bên tiếp cận nguồn gen là Công ty BASF Beauty care solutions France SAS (Cộng hòa Pháp). Hồ sơ này nộp tới Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn từ ngày 07/5/2018, theo quy định tại Nghị định số 59/2017/NĐ-CP, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sẽ có 90 ngày để xử lý hồ sơ, bao gồm việc thành lập và tổ chức cuộc họp Hội đồng thẩm định hồ sơ. Tuy nhiên, do chưa có các quy định về tổ chức và hoạt động của Hội đồng, nên đến nay các đơn vị trực thuộc Bộ được giao nhiệm vụ chưa thể tiến hành các hoạt động thẩm định đối với hồ sơ nêu trên.

Do đó, để hỗ trợ cho hoạt động thẩm định hồ sơ cấp phép tiếp cận nguồn gen của cơ quan thường trực thẩm định trực thuộc Bộ, việc xây dựng và ban hành Thông tư quy định về tổ chức và hoạt động của Hội đồng thẩm định đối với hồ sơ đề nghị cấp Giấy phép tiếp cận nguồn gen để nghiên cứu vì mục đích thương mại, phát triển sản phẩm thương mại là cần thiết, đầy đủ căn cứ pháp lý và thực tiễn.

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã dự thảo Thông tư quy định về tổ chức và hoạt động của Hội đồng thẩm định hồ sơ đề nghị cấp Giấy phép tiếp cận nguồn gen để nghiên cứu vì mục đích thương mại, phát triển sản phẩm thương mại thuộc thẩm quyền cấp phép của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn gồm 3 chương, 11 điều. Trong đó nêu rõ cơ cấu tổ chức của Hội đồng, nguyên tắc làm việc của Hội đồng, điều kiện tiến hành cuộc họp Hội đồng…

Cơ cấu tổ chức của Hội đồng

Theo dự thảo, Hội đồng có số lượng thành viên từ 09 đến 11 người, trong đó: Chủ tịch Hội đồng là lãnh đạo Cơ quan thường trực thẩm định; Phó chủ tịch Hội đồng là lãnh đạo Vụ Khoa học, Công nghệ và Môi trường; các Ủy viên gồm đại diện của Bộ Tài Nguyên và Môi trường, các Bộ, ngành có liên quan, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh nơi diễn ra hoạt động tiếp cận nguồn gen và các chuyên gia, cán bộ khoa học có chuyên môn phù hợp; thư ký Hội đồng là công chức của Cơ quan thường trực thẩm định.

Hội đồng làm việc theo nguyên tắc thảo luận tập thể, công khai, biểu quyết và quyết định theo đa số. Ý kiến của từng thành viên Hội đồng và ý kiến thẩm định của Hội đồng được thể hiện trong biên bản cuộc họp Hội đồng.

Thành viên Hội đồng đánh giá Hồ sơ theo một trong 3 mức sau: 1- Đồng ý thông qua: khi các thông tin trong Hồ sơ đáp ứng đầy đủ theo nội dung thẩm định, phù hợp với quy định pháp luật hiện hành; 2- Đồng ý thông qua với điều kiện phải chỉnh sửa, bổ sung: khi các thông tin trong Hồ sơ chưa đáp ứng đầy đủ các nội dung thẩm định nhưng vẫn phù hợp với các quy định của pháp luật; 3- Không đồng ý thông qua: khi nội dung trong Hồ sơ không phù hợp với quy định pháp luật và có căn cứ về việc vi phạm của tổ chức, cá nhân đề nghị cấp Giấy phép tiếp cận nguồn gen.

Hội đồng kết luận theo 1 trong 3 mức sau: 1- Đồng ý thông qua: khi có ít nhất hai phần ba thành viên Hội đồng có mặt có phiếu đánh giá đồng ý thông qua, trong đó phải cả 02 Ủy viên phản biện; 2- Đồng ý thông qua với điều kiện phải chỉnh sửa, bổ sung: khi có ít nhất hai phần ba số thành viên Hội đồng có mặt có phiếu đánh giá đồng ý thông qua với điều kiện phải chỉnh sửa, bổ sung, trong đó phải có cả 02 Ủy viên phản biện; 3- Không đồng ý thông qua: khi có trên một phần ba số thành viên Hội đồng có mặt có phiếu đánh giá không đồng ý thông qua.

Mời bạn đọc xem toàn văn dự thảo và góp ý tại đây.