Lời giải nào chống sạt lở ở Đồng bằng sông Cửu Long? – Bài 2: Đi tìm nguyên nhân

Nói đến những thảm họa do sạt lở gây ra, trước đây, người ta vẫn cho rằng là do thiên tai. Nhưng với tình trạng sạt lở xảy ra liên tục không theo quy luật và ngày càng gia tăng về tốc độ ở Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) thời gian qua thì ngoài nguyên nhân thiên tai, còn một vấn đề được nhắc đến là hệ lụy từ chính bàn tay con người.

Bài 1: Lỗi lo sạt lở bủa vây

Từ câu chuyện hạt cát, phù sa

Theo kết quả nghiên cứu của Viện Khoa học thủy lợi miền Nam, vùng ĐBSCL hình thành là do phù sa, cát sông Mê Kông bồi đắp trong 6.000 năm qua. Tuy nhiên, từ khoảng năm 1992 trở về đây, sạt lở ngày càng gia tăng. Từ năm 2005, đường bờ biển ĐBSCL chuyển từ bồi lấn sang sạt lở, thụt lùi. Hiện, hơn 1/2 chiều dài bờ biển trong vùng đang sạt lở, có nơi mỗi năm lấn vào đất liền đến 50m. Tốc độ xói lở lên đến gần 678ha/năm trong khi tốc độ bồi chỉ gần 406ha/năm.

Sạt lở bờ biển gây mất rừng phòng hộ (địa bàn xã Nguyễn Việt Khái, huyện Phú Tân, tỉnh Cà Mau).

Lý giải điều này, PGS, TS Lê Anh Tuấn, Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu biến đổi khí hậu, Trường Đại học Cần Thơ cho rằng: ĐBSCL được bồi đắp từ phù sa, cát và trầm tích do quá trình bồi lắng mạnh hơn quá trình xói lở. Cát đi đến ĐBSCL đôi khi mất hàng chục, có khi đến hàng trăm năm. Mất thời gian rất dài bồi lắng như thế, nhưng chỉ khai thác hai chục năm là mỏ cát biến mất. Trong bối cảnh phù sa không còn dồi dào như trước do các con đập trên thượng nguồn, việc mong đợi các mỏ cát tự lấp đầy và hoàn nguyên sau khi khai thác là điều không tưởng. Không có cát bồi đắp thì sạt lở bờ sông, bờ biển gia tăng.

PGS, TS Lê Anh Tuấn cho biết: “Những năm gần đây, nước lũ về thấp, thậm chí không về, nên phù sa ít đi hoặc không có. Khi dòng nước bị thiếu phù sa sẽ nhẹ hơn, bị dư thừa năng lượng, chảy mạnh hơn, khoa học gọi là “nước đói”, có khuynh hướng ăn vào bờ và đáy sông để tự bù đắp, tự cân bằng động lực. Khi khai thác cát làm cho đáy sông sâu hơn thì bờ sông sẽ sụp đổ”.

Cũng liên quan đến vấn đề này, Thạc sĩ Nguyễn Hữu Thiện, chuyên gia nghiên cứu độc lập về sinh thái ĐBSCL cho rằng: Nguyên nhân chính dẫn đến sạt lở là do thiếu cát, phù sa vì các đập thủy điện chặn lại. Theo số liệu của Ủy hội sông Mê Kông quốc tế so sánh giữa năm 1992 và 2014, tải lượng phù sa mịn của sông này giảm gần 50%, từ 160 triệu tấn/năm xuống còn 85 triệu tấn/năm.

“Cát là vật chất để giữ các bờ sông và bờ biển tại Tiền Giang, Bến Tre, Trà Vinh, Sóc Trăng, phù sa mịn sẽ kiến tạo các bờ biển, bãi bùn tại Bạc Liêu, Cà Mau và Kiên Giang. Khi 11 đập thủy điện ở hạ lưu sông Mê Kông hoàn tất, dự báo tải lượng phù sa mịn sẽ giảm thêm 68% chỉ còn 32% về được đến ĐBSCL và 100% lượng cát, sỏi di chuyển ở đáy sông sẽ hoàn toàn bị các đập giữ lại. Khi đó, sạt lở sẽ diễn ra dữ dội hơn, khó có biện pháp tại chỗ, công trình hay phi công trình nào có thể cưỡng lại được khuynh hướng này”, Thạc sĩ Thiện dự báo.

Đến sự tàn phá của con người

Nghiên cứu từ các chuyên gia và thực tế ở nhiều địa phương cho thấy, phần lớn các vụ sạt lở diễn ra trên địa bàn ĐBSCL thời gian qua đều liên quan đến vấn nạn khai thác cát quá mức. Điển hình là ở Bến Tre, theo ông Nguyễn Anh Quốc, Chủ tịch UBND xã Tiên Thủy, huyện Châu Thành: Sau khi đóng cửa mỏ cát vào năm 2018, tình trạng khai thác cát trái phép vẫn diễn ra khá rầm rộ bất kể ngày, đêm. Hậu quả, hàng chục ki-lô-mét đê bao quanh khu vực giáp ranh giữa 3 huyện: Châu Thành, Mỏ Cày Bắc và Chợ Lách sạt lở nghiêm trọng.

“Mới đây, UBND xã Tiên Thủy có tờ trình gửi cấp trên xin hỗ trợ kinh phí chống sạt lở do địa bàn xã hiện có khoảng 700m đê bao bị hở hàm ếch, nguy cơ sạt lở vào mùa mưa. Ngoài ra, có ít nhất 3 vị trí chiều dài khoảng 30m cũng có khả năng sạt lở hết bề mặt đê, gây vỡ đê bao”, ông Quốc nói.

Nhiều diện tích rừng phòng hộ ở Cà Mau bị ảnh hưởng do sạt lở bờ biển.

Tương tự, tại An Giang, ông Tô Hoàng Môn, Phó giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh An Giang cho biết: “Hiện trên địa bàn tỉnh có 17 giấy phép khai thác cát còn hiệu lực. Tuy nhiên, một số doanh nghiệp chưa tuân thủ việc khai thác, vẫn còn tình trạng khai thác cát vượt công suất cho phép làm ảnh hưởng đến địa hình ở một số đáy sông trên địa bàn.

Ngoài ra, nạn khai thác cát trái phép vẫn diễn ra tại các huyện: An Phú, Chợ Mới và thị xã Tân Châu. Khi kiểm tra, chúng tôi phát hiện 37 trường hợp khai thác cát không phép, trái phép. Việc khai thác khoáng sản trái phép đã tạo ra hố sâu, xoáy cục bộ và gia tăng sạt lở. Ngoài các sông chính thì sạt lở xảy ra ở các kênh, rạch nối với sông chính cũng diễn biến phức tạp, gia tăng về số lượng”.

Không chỉ có khai thác cát, tỉnh Cà Mau đang đau đầu với nạn chặt phá rừng phòng hộ gây sạt lở nghiêm trọng. Cụ thể, ngày 31-3 vừa qua, quá trình tuần tra bảo vệ rừng tại khoảnh 70 (Tiểu khu 215), các lực lượng chức năng phát hiện 6 phương tiện với khoảng 15 người đang chặt cây rừng ven biển trái phép. Tương tự, liên tiếp từ khoảng cuối tháng 2, tháng 3 và 4-2019, cán bộ của Chốt Quản lý bảo vệ rừng Vàm Lũng, Tiểu khu 123 thuộc Ban Quản lý rừng phòng hộ Kiến Vàng (Hạt Kiểm lâm huyện Ngọc Hiển) phát hiện 309 cây đước trên diện tích 1.200m2 bị chặt.

Trao đổi với chúng tôi, ông Tô Quốc Nam, Phó giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Cà Mau cho rằng: “Ngoài tác động từ thiên tai, biến đổi khí hậu gây triều cường, sóng dữ… phải thẳng thắn nhìn nhận, nguyên nhân dẫn đến sạt lở một phần do tác động bất lợi của con người lên tài nguyên rừng ven biển, nhất là từ dòng người di cư và nạn chặt phá rừng phòng hộ. Vùng ven biển Cà Mau như “túi chứa” dòng người di cư. Họ đến từ nhiều nơi, đốn cây rừng làm nhà tạm, chặt cây đốt than hoặc làm ngư cụ đánh bắt thủy sản ven bờ. Thấy rõ những tác động của con người lên tài nguyên rừng ven biển vô tình tiếp tay cho tiến trình sạt lở diễn ra nhanh hơn, nhưng chính quyền tỉnh không thể đuổi họ về quê cũ. Vì thế, tỉnh đã triển khai thực hiện song hành các giải pháp chống sạt lở trước mắt và chống sạt lở từ xa, nhằm giảm đến mức thấp nhất tác động của cư dân lên tài nguyên rừng ven biển”.

Hoạt động khai thác cát quá mức khiến tình trạng sạt lở diễn ra nhanh và nghiêm trọng hơn.

Cũng theo ông Nam, sau một thời gian dài lắng dịu, gần đây nạn phá rừng có dấu hiệu tái diễn. Do đó, tỉnh đã chỉ đạo lực lượng chức năng tăng cường tuần tra, kiểm soát tại các khu vực rừng bị chặt phá, kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm các đối tượng vi phạm. Đồng thời, xây dựng phương án quản lý bảo vệ rừng, trong đó, chú trọng công tác tuyên truyền, giáo dục cho người dân trên địa bàn nâng cao ý thức bảo vệ rừng, kịp thời tố giác tình trạng chặt phá rừng trái pháp luật. Tỉnh sẽ xử lý nghiêm đối với những trường hợp tiếp tay cho đối tượng vi phạm.

Mặc dù các nguyên nhân dẫn đến tình trạng sạt lở đã được các chuyên gia nêu cụ thể. Tuy nhiên, sự lúng túng và nóng vội trong thực hiện các giải pháp xử lý tình trạng sạt lở khiến hiệu quả mang lại không cao, nhiều tỷ đồng bị cuốn theo dòng nước.