Rừng nhiệt đới Nam Mỹ sẽ thiếu nước, gây thảm họa môi trường

Các nhà khoa học ở Viện Sinh thái quốc tế Mỹ và Viện Vũ trụ Brazil nhất trí rằng sau 2 năm nữa, rừng Amazon sẽ thiếu nước, dẫn đến sự tuyệt chủng một phần của cây cối. Mặc dù chưa nhất trí với thời điểm thảm hoạ rừng như vậy, nhưng các chuyên gia về khí hậu Mỹ cũng cho rằng 10 – 15 năm nữa rừng Amazon sẽ bị thiếu nước dẫn đến nguy cơ rừng suy thoái thành thảo nguyên khô cằn.

Dự báo cho thấy rừng nhiệt đới sẽ suy thoái thành một thảo nguyên khô cằn, giải phóng hàng tỷ tấn carbon vào khí quyển                                                                              (Ảnh: AFP)

Theo The Guardian, một công trình nghiên cứu của Viện Sinh thái quốc tế Mỹ, đưa ra lập luận được hỗ trợ bởi dữ liệu từ Viện Vũ trụ Brazil, rằng sau 2 năm nữa, rừng Amazon sẽ thiếu nước, dẫn đến sự tuyệt chủng một phần của cây cối. Tuy nhiên, nhóm khoa học khác tỏ ra lạc quan hơn một chút khi cho rằng điều này sẽ chỉ xảy ra trong vòng 10 – 15 năm nữa.

Theo họ, hai năm sau, các khu rừng nhiệt đới ở Nam Mỹ có thể ngừng sản xuất đủ nước để duy trì sự sống và bắt đầu suy thoái dần, biến thành một thảo nguyên khô hạn và thải ra rất nhiều khí carbon vào khí quyển. Điều này có thể thúc đẩy sự nóng lên toàn cầu và biến đổi khí hậu trên khắp Nam Mỹ.

Các nhà nghiên cứu cao cấp tại Viện Sinh thái quốc tế Peterson ở Washington (Mỹ) đã công bố những kết luận trên gây tranh cãi giữa các nhà khí hậu học. Một số người tin rằng phải 10 – 15 năm nữa rừng Amazon mới bị thiếu nước. Những người khác chỉ ra rằng những phát hiện của nghiên cứu này phản ánh đúng mối nguy hiểm đối với sự sống còn của rừng.

Trong khi đó, kết quả phân tích của Viện Vũ trụ Brazil cho thấy tình trạng mất rừng vào tháng 8.2019 cao hơn 222% so với tháng 8.2018. Việc duy trì tốc độ tăng trưởng khô cằn hiện tại sẽ đưa rừng đến một giới hạn nguy hiểm vào năm 2021, sau đó sẽ không còn đủ mưa để duy trì sự sống của rừng.