Ấn Độ: Hổ hoang dã tăng vọt dù vẫn xung đột với con người

Theo một ước tính của chính phủ Ấn Độ, nước này có gần 3.000 cá thể hổ Bengal trong tự nhiên, tăng 33% kể từ năm 2014.

Hổ tại khu bảo tồn thuộc bang Maharashtra. Ấn Độ hiện có khoảng 3.000 cá thể hổ hoãng dã. (Ảnh: Bryan Denton/New York Times)

Các chuyên gia cho biết việc giám sát an toàn tốt hơn và chính sách động vật hoang dã chặt chẽ hơn đã giúp số lượng hổ tăng lên mức cao nhất trong khoảng hai thập kỷ.

“Một khi người dân Ấn Độ quyết định làm một điều gì đó, không có lực lượng nào có thể ngăn họ đạt được kết quả mong muốn”, Thủ tướng Narendra Modi nói trong một cuộc họp báo công bố số liệu diễn ra cuối tháng 7.

Nhưng số lượng hổ tăng lên ở Ấn Độ cũng khiến xung đột giữa người và hổ tại một quốc gia có 1,3 tỷ người này tăng theo.

Ấn Độ đã thành lập gần hai chục khu bảo tồn hổ trong thập kỷ qua nhưng nhiều khu nằm lọt giữa các ngôi làng. Khi các dự án phát triển thu hẹp không gian ngăn cách con người và hổ, hổ sẽ ra khỏi khu bảo tồn để tìm kiếm con mồi – lợn rừng, gia súc và đôi khi là người.

Kiểm lâm điều chỉnh camera phát hiện chuyển động được sử dụng để theo dõi hổ. (Ảnh: Bryan Denton/New York Times)

Nhà bảo tồn Prerna Singh Bindra cho rằng Ấn Độ cần “một chiến lược hợp lý” để tránh xung đột giữa người và hổ. “Rừng đang bị phân mảnh. Chúng ta đang đồng ý khoảng 98% các dự án phát triển trong các khu bảo tồn. Nếu chúng ta tiếp tục chia cắt sinh cảnh, vương quốc hổ không tưởng này sẽ sụp đổ”.

Điều tra số lượng hổ được công bố ngày 28/7, trong đó bao gồm gần 150.000 dặm vuông và sử dụng hàng ngàn bẫy ảnh theo dõi “dấu hiệu động vật ăn thịt”, phát hiện ra rằng quần thể hổ của Ấn Độ đã tăng lên 2.967 cá thể vào năm 2018, nhiều hơn 700 cá thể so với năm 2014.

Thế giới chỉ khoảng còn lại 4.000 cá thể hổ trong tự nhiên.

Báo cáo cho thấy quần thể hổ đã tăng trên khắp Ấn Độ, trong đó Madhya Pradesh – một bang nóng, bụi bặm – có số lượng nhiều nhất với hơn500 cá thể. Ngoài các bẫy ảnh, hàng ngàn cán bộ động vật hoang dã đi bộ hơn 300.000 dặm để thu thập mẫu phân và chụp ảnh từ trên tán rừng.

Nhật Anh (Theo New York Times)

Nguồn: