Các nghiên cứu về bảo tồn loài ít được áp dụng vào thực tiễn

ThienNhien.Net – Có khoảng cách lớn giữa công tác nghiên cứu khoa học trong lĩnh vực bảo tồn loài và việc ứng dụng kết quả của những nghiên cứu này vào thực tiễn. Đó là kết luận được đưa ra trong một nghiên cứu của các chuyên gia thuộc Khoa Động vật học, Đại học Cambridge, được công bố mới đây trên Tạp chí Conservation Biology.

Nhiều nghiên cứu khoa học tiêu tốn không ít thời gian, công sức, tiền bạc và cũng đã được công nhận về ý nghĩa nhưng vẫn dễ dàng bị lãng quên. Điều này cho thấy những người làm công tác bảo tồn thiên nhiên, quản lý môi trường chưa thực sự lắng nghe khuyến cáo của các nhà khoa học cùng lĩnh vực.

Ảnh minh họa: Conservation Magazine
Ảnh minh họa: Conservation Magazine

Để thực hiện nghiên cứu này, các chuyên gia đã tiến hành khảo sát 92 cán bộ làm công tác bảo tồn tại 26 quốc gia (chủ yếu là Anh, Úc và New Zealand) với mục đích tìm hiểu cách họ đã và sẽ áp dụng các bằng chứng khoa học vào việc giảm tỷ lệ chim bị ăn thịt.

Đầu tiên, những người tham gia khảo sát trả lời các câu hỏi về 28 biện pháp can thiệp được thiết kế nhằm giảm tỷ lệ chim bị ăn thịt bởi các loài xâm lấn hoặc các loài khó xác định – những biện pháp này bao gồm sử dụng hàng rào điện, xây tổ nhân tạo để tránh mèo và các loài động vật ăn thịt khác…

Tiếp đến, những người được hỏi sẽ trả lời thêm các câu hỏi về các hoạt động bảo tồn, chỉ có điều lần này họ sẽ đồng thời được đọc Bản tóm tắt các bằng chứng khoa học về bảo tồn các loài chim.

Kết quả khảo sát cho thấy, trung bình người tham gia khảo sát đã biết đến 57,1% trong 28 biện pháp can thiệp bảo tồn và chỉ thực sự áp dụng 18,5%. Tuy nhiên, có thể thấy mối tương quan tích cực giữa các biện pháp đã được các nghiên cứu chứng tỏ là hiệu quả và số lượng những người đã áp dụng chúng trong thực tế. Điều này cũng cho thấy là trong chừng mực nào đó các nghiên cứu khoa học cũng đã đến được với đúng người cần chúng.

85/92 người tham gia khảo sát cho biết quan điểm của họ về các biện pháp bảo tồn đã thay đổi sau khi đọc và biết về hiệu quả của các biện pháp trong Bản tóm lược trên. Nói cách khác, trước đó các cán bộ bảo tồn này chưa hề biết đến các nghiên cứu khoa học bảo tồn và hiệu quả của chúng.

Các cán bộ bảo tồn không có ý định thay đổi các cách thức bảo tồn chim hiện tại thường là những cán bộ đã có nhiều kinh nghiệm thực địa… Những người này đồng thời cũng không tiếp nhận các tài liệu khoa học bảo tồn hiện có so với các cán bộ ít kinh nghiệm hơn. Mặc dù vậy, các bộ nhiều kinh nghiệm cũng đã áp dụng nhiều các giải pháp can thiệp bảo tồn trong quá khứ, đặc biệt là các giải pháp hiệu quả.

Theo nhóm tác giả, ý nghĩa cốt lõi của nghiên cứu này đơn giản chỉ là khuyến khích đầu tư vào khoa học bảo tồn và thúc đẩy áp dụng các nghiên cứu khoa học này trong thực tế. Tuy nhiên, các tác giả cũng khẳng định, những người trực tiếp làm công tác bảo tồn thường không tiếp cận và ứng dụng các thành quả nghiên cứu phần nhiều vì thường thì họ phải trả một khoản phí nhất định mới có thể xem toàn bộ một nghiên cứu.

Nhóm nghiên cứu cũng khẳng định rằng chỉ cần những nghiên cứu khoa học tiếp cận được đúng những đối tượng có khả năng áp dụng chúng thì sẽ tạo ra bước ngoặt lớn. Trong các lĩnh vực khác, giữa nghiên cứu và thực tiễn thường có ít cách biệt hơn. Vì khoa học bảo tồn là lĩnh vực phân tán gồm nhiều tổ chức và cá nhân với quy mô khác nhau cùng tham gia nên chúng ta càng cần nỗ lực hơn nữa để những bằng chứng khoa học giá trị không còn nằm trên giấy.