Thách thức biến đổi khí hậu là cơ hội mới cho ĐBSCL

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhận định biến đổi khí hậu (BĐKH) là thách thức không nhỏ trong quá trình phát triển của một quốc gia, một khu vực nhưng đồng thời cũng chứa đựng những cơ hội mới cho sự chuyển hướng phát triển.

Tại Hội nghị đánh giá kết quả hai năm thực hiện Nghị quyết 120/NQ-CP của Chính phủ về phát triển bền vững Đồng bằng sông Cửu Long thích ứng với biến đổi khí hậu diễn ra chiều 18-6, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã kêu gọi Chính phủ, doanh nghiệp và người dân chung tay cùng ĐBSCL.

Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc dẫn báo cáo của các tổ chức quốc tế xếp Việt Nam là một trong 10 quốc gia chịu thiệt hại nhiều nhất do biến đổi khí hậu (BĐKH) trên toàn cầu.

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc phát biểu chỉ đạo tại hội nghị.

Thực tế hiện nay, những biểu hiện của BĐKH ngày càng được thể hiện rõ nét, thiên tai liên tiếp xảy ra, nhiều cơn bão lớn xuất hiện với mật độ dày đặc, nhiệt độ không khí tăng lên kỷ lục ở Việt Nam.

Riêng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL), những năm gần đây thường xuyên xuất hiện lũ lớn ở thượng nguồn, triều cường vượt mốc lịch sử gây thiệt hại lớn cho kinh tế và ảnh hưởng tới đời sống sinh hoạt của người dân.

Đáng lo ngại là nhiều người dân chưa nhận thức được thách thức này, nhiều doanh nghiệp chưa sẵn sàng đối phó vấn đề thiên tai, biến đổi khí hậu, vì vậy vẫn chưa có hành động cụ thể trong việc xây dựng, phát triển nền nông nghiệp, công nghiệp xanh trong phát triển kinh tế – xã hội.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhận định BĐKH là thách thức không nhỏ trong quá trình phát triển của một quốc gia, một khu vực nhưng đồng thời cũng chứa đựng những cơ hội mới cho sự chuyển hướng phát triển.

Dẫn chứng với khu vực ĐBSCL, những tác động của biến đổi khí hậu, xâm nhập mặn là thách thức đối với ngành trồng lúa nhưng lại là điều kiện thuận lợi để phát triển ngành nuôi và chế biến tôm. Trong khi đó, hiệu quả kinh tế, giá trị gia tăng từ xuất khẩu tôm cao hơn rất nhiều so với trồng lúa truyền thống.

Chính phủ xác định hành động theo 3 phương châm, đó là: Chính phủ thúc đẩy, doanh nghiệp hành động, người dân hưởng ứng.

Từ phương châm trên sẽ bố trí lại nguồn lực, bổ sung nguồn nhân lực; xây dựng hợp tác xã, DN, trong đó DN phải xây dựng được thương hiệu gạo nổi tiếng ở đồng bằng. Các địa phương cần tạo lập môi trường kinh doanh tốt cho DN; chú trọng đào tạo và đào tạo lại nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu sản xuất, phát triển và nhu cầu thị trường.

Thủ tướng đề nghị các Bộ: TN&MT, NN&PTNT, Tài chính, KH&ĐT, Công thương, KH&CN và NHNN nghiên cứu sửa đổi Luật Đất đai, tạo cơ sở khoa học để bố trí lại đất đai, thúc đẩy chuyển đổi nhu cầu sản xuất nông nghiệp; xây dựng hệ sinh thái cho các ngành sản xuất; chú trọng phát triển công nghệ, địa phương hỗ trợ kinh phí cho nghiên cứu khoa học tại vùng, thúc đẩy ứng dụng thực tế; phát triển thị trường vốn cho vùng, cơ chế huy động vốn cho đầu tư các dự án thích ứng BĐKH.

Thủ tướng cũng đề nghị Quốc hội đưa chi ngân sách cho BĐKH thành mục chính trong ngân sách chi thường xuyên cho địa phương. Bên cạnh đó, cần tìm nguồn để thành lập Quỹ ĐBSCL.

TPHCM sẽ là “nhạc trưởng” điều phối cơ chế liên kết vùng, cùng các địa phương xây dựng cơ chế liên kết trình Thủ tướng. Thủ tướng đề nghị các bộ, ngành và địa phương xây dựng cơ chế hợp tác với quốc tế, tranh thủ kinh nghiệm ứng phó BĐKH của quốc tế để áp dụng cho vùng.