Thảo luận những tác động của biến đổi khí hậu đối với Nam Cực

Hội nghị tham vấn Hiệp ước Nam Cực (ATCM) lần thứ 45 tại Phần Lan tập trung thảo luận vấn đề biến đổi khí hậu và những tác động của biến đổi khí hậu đối với Nam Cực.

Sông băng ở Nam Cực ngày 14/9/2017. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Ngày 31/5, Hội nghị tham vấn Hiệp ước Nam Cực (ATCM) lần thứ 45 đã khai mạc tại Helsinki, Phần Lan, với sự tham gia của khoảng 400 chuyên gia hàng đầu trong lĩnh vực nghiên cứu Nam Cực.

Chương trình nghị sự tập trung thảo luận vấn đề biến đổi khí hậu và những tác động của biến đổi khí hậu đối với Nam Cực và lĩnh vực du lịch của Nam Cực.

ATCM là cơ chế ra quyết định thường niên được thành lập theo Hiệp ước Nam Cực. Đây là hội nghị đa phương, liên chính phủ quan trọng về quản trị quốc tế ở Nam Cực.

Tại phiên khai mạc ATCM lần thứ 45, bà Johanna Sumovuori – một quan chức cấp cao Bộ Ngoại giao Phần Lan, khẳng định Hiệp ước Nam Cực đã cho thấy sức mạnh của một hiệp ước vì hòa bình và hợp tác.

Bà Sumovuori cho biết: “Hiệp ước đảm bảo bảo vệ môi trường cho toàn lục địa (Nam Cực) và cống hiến cho nghiên cứu khoa học.”

Bà nhấn mạnh tầm quan trọng của việc duy trì sự toàn vẹn của hệ thống Nam Cực và đảm bảo Nam Cực vẫn là lục địa hòa bình, nơi hợp tác quốc tế có thể phát triển mạnh.

Bà Sumovuori cũng lưu ý mặc dù Bắc Cực và Nam Cực rất khác nhau nhưng có nhiều yếu tố chung. Biến đổi khí hậu cho thấy rõ nhất với tác động mạnh mẽ hơn tại hai khu vực cực của Trái Đất. Tuy nhiên, tác động không chỉ giới hạn ở các khu vực này, vì mực nước biển dâng cao do băng tan có ảnh hưởng đến toàn cầu.

Hiệp ước Nam Cực được 12 nước ký kết tại Washington, Mỹ, ngày 1/12/1959 và có hiệu lực năm 1961. Tổng số thành viên tham gia Hiệp ước hiện nay là 56 nước.