Giảm khí thải CO2 sẽ giúp tránh thảm họa tự nhiên

ThienNhien.Net – Hàng chục triệu người trên thế giới có thể tránh được nguy cơ đối mặt với lũ lụt và hạn hán vào năm 2050 nếu như các nước trên toàn cầu thống nhất được mốc bắt đầu giảm lượng khí thải CO2 gây hiệu ứng nhà kính từ năm 2016 thay vì tới năm 2030.

Giảm lượng khí thải sẽ giúp trì hoãn tác động biến đổi khí hậu (Ảnh minh họa: co2global.org)
Giảm lượng khí thải sẽ giúp trì hoãn tác động biến đổi khí hậu (Ảnh minh họa: co2global.org)

Đây là kết quả nghiên cứu của các nhà khoa học Anh và Đức đăng trên tạp chí “Biến đổi khí hậu tự nhiên”, theo đó sớm giảm lượng khí thải sẽ giúp trì hoãn, ngăn chặn tác động tiêu cực của hiện tượng biến đổi khí hậu trong những thập niên tới.

Ông Nigel Arnell, giám đốc Viện nghiên cứu biến đổi khí hậu Walker thuộc đại học Reading (Anh) cho biết, các chính sách xác định mốc về lượng khí CO2 vào năm 2016 và sau đó giảm 5% lượng khí này mỗi năm sẽ giúp khoảng 39-68 triệu người tại một số khu vực trên thế giới giảm được nguy cơ thiếu nước vào năm 2050. Ngược lại, nếu đến năm 2030 thế giới mới bắt đầu chương trình cắt giảm khí thải này thì số người may mắn giảm nguy cơ trên chỉ còn khoảng 17- 48 triệu người. Tương tự, khoảng 100-161 triệu người sẽ giảm được nguy cơ lũ lụt nếu lấy mốc cắt giảm là năm 2016. Thực hiện muộn hơn 14 năm, số người này chỉ còn từ 52-120 triệu người.

Ông Arnell cho biết: “Về cơ bản đến năm 2050, chính sách giảm khí thải vào năm 2030 sẽ chỉ mang lại khoảng một nửa hoặc 2/3 lợi ích so với chính sách từ năm 2016” cho dù cả hai đều dẫn đến đích chung là giảm mức tăng nhiệt độ Trái Đất chỉ thêm 2-2,5 độ C vào năm 2100. Nếu không thực hiện bất kỳ chính sách giảm lượng khí thải nào, Trái Đất sẽ nóng hơn từ 4-4,5 độ C.

Theo các nhà khoa học, nhiệt độ toàn cầu tăng thêm 4 độ C sẽ làm gần 1 tỷ người thiếu nước sinh hoạt vào năm 2100 so với hiện tại và khoảng 330 triệu người có nguy cơ cao hơn phải đối mặt với nạn lũ lụt.

Tuy nhiên, khó đạt được mốc bắt đầu cắt giảm khí thải CO2 từ năm 2016. Các quốc gia trên thế giới đang cố gắng thông qua một hiệp ước mới về khí hậu toàn cầu vào năm 2015 nhưng chỉ có hiệu lực 5 năm sau đó. Vòng đàm phán mới nhất của Liên hợp quốc về khí hậu kết thúc tại Doha (Qatar) trong tháng 12/2012 đã không đạt được mục tiêu cắt giảm lượng khí thải trước năm 2020 đối với những quốc gia chưa ký kết Nghị định thư Kyoto cho dù giới nghiên cứu liên tục cảnh báo về tình trạng nồng độ khí cácbon trong khí quyển đang gia tăng.