Vì sao đàm phán hiệp định VPA/FLEGT kéo dài đến 8 năm?

Sau 8 năm đàm phán, từ ngày 1/6/2019, Hiệp định Đối tác tự nguyện về Thực thi luật lâm nghiệp, quản trị rừng và thương mại lâm sản (VPA/FLEGT) sẽ chính thức có hiệu lực, mở ra một cơ hội mới cho xuất khẩu gỗ và lâm sản của Việt Nam.

Vì sao tiến trình đàm phán Hiệp định VPA/FLEGT lại kéo dài như vậy?

Được biết, với sự cho phép của Chính phủ Việt Nam, từ tháng 11/2011, Bộ NN&PTNT và Phái đoàn Liên minh châu Âu (EU) đã bắt đầu tiến hành đàm phán Hiệp định VPA/FLEGT.

Đến ngày 19/10/2018, đại diện Bộ NN&PTNT và Hội đồng Liên minh châu Âu mới chính thức ký Hiệp định VPA/FLEGT.

Như vậy, kết quả đàm phán VPA/FLEGT chỉ thành công sau thời gian đàm phán kéo dài đến 8 năm.

Công nhân chế biến đồ gỗ xuất khẩu

Liên quan tới nguyên nhân khiến việc đàm phán VPA/FLEGT kéo dài, Thứ trưởng Thường trực Bộ NN&PTNT Hà Công Tuấn cho biết: Sở dĩ thời gian đàm phán kéo dài là do Hiệp định VPA/FLEGT là nội dung rất mới và khó, không chỉ đơn thuần là vấn đề kinh tế – xã hội, cũng không chỉ liên quan đến pháp luật của hai bên mà còn của các quốc gia khác trên thế giới.

Chuỗi cung ứng của Việt Nam cũng tác động tới quá trình đàm phán. Cụ thể, Việt Nam nhập khẩu gỗ nguyên liệu từ 40 quốc gia và vùng lãnh thổ, xuất khẩu gỗ và các sản phẩm gỗ đến 120 quốc gia, trong đó, có 28 nước thuộc Liên minh châu Âu. Do đó, cần tính tới các quy định hợp pháp từ nhiều quốc gia khác nhau.

Một nguyên nhân khác khiến quá trình đàm phán kéo dài theo Thứ trưởng Hà Công Tuấn là do sự hiểu biết thực tiễn của Việt Nam với EU và ngược lại, vẫn chưa trùng khớp. Có một số quan điểm khác nhau đã được đặt lên bàn đám phán và cần khá nhiều thời gian để giải quyết. Ví dụ như vấn đề quản lý gỗ nhập khẩu nguyên liệu vào Việt Nam, hay phân nhóm vùng địa lý nguyên liệu…

“Có những lúc tưởng chừng như quá trình đàm phán phải dừng lại. Tuy nhiên, hai bên đã rất kiên trì trong việc tìm kiếm tiếng nói chung cũng như những lợi ích riêng, thông qua tăng cường đối thoại” – Thứ trưởng Hà Công Tuấn nói.

Theo Bộ NN&PTNT, Hiệp định VPA/FLEGT có thể mở ra cơ hội lớn cho xuất khẩu gỗ và lâm sản của Việt Nam. Thực tế 10 năm trước, Việt Nam mới xuất khẩu nhóm mặt hàng trên đạt 3,4 tỷ USD. Tuy nhiên đến năm 2018, xuất khẩu gỗ và lâm sản của Việt Nam đã đạt trên 9,3 tỷ USD.

Dù vậy theo Thứ trưởng Hà Công Tuấn, Hiệp định VPA/FLEGT chỉ là 1 yếu tố có tác động đến xuất khẩu gỗ và lâm sản, chứ không giải quyết được tất cả vấn đề của ngành.

Đại diện lãnh đạo Bộ NN&PTNT thông tin thêm, thời gian tới, các tổ chức, cá nhân, DN không đáp ứng giấy phép VPA/FLEGT sẽ bị loại bỏ khỏi chuỗi cung ứng gỗ và lâm sản vào thị trường châu Âu.

Trước mắt, trong thời gian chờ cấp phép theo Hiệp định VPA/FLEGT, các tổ chức, cá nhân, DN vẫn sẽ tiến hành xuất nhập khẩu gỗ và lâm sản theo các quy định pháp luật hiện hành trong nước và của thị trường châu Âu.