Những “đổ vỡ” mang tên siêu dự án thép tỷ USD

ThienNhien.Net – Các dự án thép với vốn đầu tư hàng tỷ USD từng được hưởng ưu đãi chưa từng có nhưng sau một thời gian dài “đắp chiếu” nhà đầu tư lại quyết định dứt áo ra đi…

Siêu dự án thép tỷ USD từng được đặt nhiều kỳ vọng thành bãi đất hoang sau nhiều năm. Ảnh: TL
Siêu dự án thép tỷ USD từng được đặt nhiều kỳ vọng thành bãi đất hoang sau nhiều năm. Ảnh: TL

Chủ đầu tư dự án thép Guang Lian vi phạm pháp luật về đất đai

Trước thực trạng tiến độ dự án không khá khẩm hơn, việc thực hiện góp vốn chậm trễ, đầu tháng 9 vừa qua, UBND tỉnh Quảng Ngãi đã chính thức có quyết định thu hồi diện tích của dự án nhà máy thép Guang Lian Dung Quất với lý do chủ đầu tư vi phạm pháp luật về đất đai, giao diện tích đất này cho Ban Quản lý khu kinh tế Dung Quất để Ban Quản lý giao đất cho Trung tâm phát triển quỹ đất Dung Quất quản lý.

Từ năm 2006 đến trước thời điểm bị thu hồi, chủ đầu tư đã có 5 lần đề nghị cấp Giấy chứng nhận đầu tư, liên tục thay đổi quy mô, công suất, vốn đầu tư, tiến độ thực hiện dự án nhưng vẫn chưa thực hiện triển khai xây dựng hoàn thành các hạng mục giai đoạn 1 của nhà máy theo đúng Giấy chứng nhận đầu tư đã được cấp.

Chẳng hạn, lần đề nghị cấp Giấy chứng nhận đầu tư thứ 3, công ty Tycoons Steel International Co.,Ltd thực hiện hợp tác với E-United (Đài Loan) và quyết định thành lập, ban hành Điều lệ Công ty TNHH Guang Lian Steel – Việt Nam thay thế công ty Tycoons Worldwide Steel, tăng diện tích đất sử dụng lên 504 ha, vốn đầu tư 3 tỷ USD trong đó giai đoạn 1 là 1,8 tỷ USD, dự kiến hoàn thành vào tháng 10/2010, giai đoạn 2 hoàn thành vào 2012.

Lần xin cấp Giấy chứng nhận thứ 5, chủ đầu tư đề xuất nâng công suất từ 5 triệu tấn/năm lên 7 triệu tấn/năm, thay đổi cơ cấu, chủng loại sản phẩm, tăng tổng vốn đầu tư từ 3 tỷ USD lên 4,5 tỷ USD, điều chỉnh tiến độ thực hiện dự kiến đưa vào hoạt động từ tháng 3/2016.

Tuy nhiên, sau đó, Tập đoàn Thép JFE Nhật Bản đã chính thức thông báo dừng nghiên cứu khả thi, không tham gia đầu tư vào dự án với nguyên nhân: “Việt Nam không chấp thuận một số đề nghị của JFE về ưu đãi và hỗ trợ đầu tư ngoài quy định, đồng thời quan nghiên cứu JFE nhận thấy dự án không có tính khả thi về hiệu quả”.

Sau văn bản của Ban Quản lý khu kinh tế Dung Quất đề nghị chủ đầu tư có văn bản tự nguyện chấm dứt hoạt động, tiến hành thanh lý tài sản theo quy định, cử đại diện có thẩm quyền đến Ban Quản lý để xử lý các vấn đề liên quan. Đến ngày 10/3/2016, nhà đầu tư không chọn phương án tự nguyện chấm dứt hoạt động mà có văn bản nêu kế hoạch tái khởi động lại, chia làm 2 giai đoạn với tổng vốn 2,2 tỷ USD.

Song, dự án vẫn chậm tiến độ, việc thực hiện góp vốn chậm trễ, UBND Quảng Ngãi đã chính thức có quyết định thu hồi diện tích đất của dự án.
Cũng tại dự án này, từ 2006, dự án đã được hưởng các ưu đãi đặc biệt về thuế thu nhập doanh nghiệp ở mức cao nhất theo quy định. Thậm chí, ngân sách nhà nước hỗ trợ thực hiện bồi thường, giải phóng mặt bằng, hỗ trợ xây dựng các hạng mục hạ tầng thiết yếu xung quanh khu vực nhà máy.

Tata rút dự án thép 5 tỷ USD tại Hà Tĩnh

Năm 2007, Tập đoàn Tata (Ấn Độ) và Tổng công ty Thép Việt Nam (Vnsteel), Tổng công ty Xi măng Việt Nam (Vicem) đã ký biên bản ghi nhớ và biên bản hợp tác góp vốn lần lượt 65% và 35% vào dự án thép 5 tỷ USD, công suất thiết kế 4,5 triệu tấn/năm ở khu kinh tế Vũng Áng (Hà Tĩnh). Dự án dự kiến được xây dựng trong giai đoạn 2009-2015, hứa hẹn hiệu quả kinh tế lớn cho ngành thép.

Tuy nhiên, rốt cuộc sau 5 năm chờ đợi và theo đuổi, Tata đã ra đi. Thông tin trên trang điện tử Ấn Độ Businessworld.in, thời điểm Tata “đánh tiếng” sẽ không tiếp tục cho dự án tỷ USD này, tại đại hội cổ đông thường niên, Chủ tịch Tata đã nói: “Không còn hi vọng vào dự án”.

Thông tin trên báo chí thời điểm này cho biết, tỉnh Hà Tĩnh từng đề nghị Tata Steel ứng trước toàn bộ tiền đền bù giải phóng mặt bằng song vào thời điểm năm 2011 Tata lại chỉ chấp thuận ứng trước 30 triệu USD tương đương mức tạm ứng của một nhà đầu tư lớn khác ở Vũng Áng.

Sau thời gian thương thảo Hà Tĩnh cũng đã tính chuyện “nhờ” ngân sách nhưng không thành và Tata đã quyết định chấp nhận tạm ứng trước tiền đền bù giải phóng mặt bằng với một con số cao hơn nhưng không đủ phân nửa số tiền đền bù giải tỏa như dự toán. Đây được xem là một trong những lý do việc cấp phép cho dự án của Tata chưa thể thực hiện.

Cũng có thông tin phía Việt Nam đã chỉ một số địa điểm khác để Tata Steel đầu tư nhưng nhà đầu tư này không chấp nhận. Thậm chí, có thông tin cho rằng, việc Formosa Hà Tĩnh tăng quy mô dự án tại Khu kinh tế Vũng Áng phần nào ảnh hưởng đến quyết định đầu tư của Tata.

Tan “giấc mộng” thép Cà Ná

Thời điểm tháng 9/2008, dự án tổ hợp thép Vinashin – Lion do Vinashin và Lion Group (Malaysia) làm chủ đầu tư được cấp giấy chứng nhận đầu tư với tổng số vốn đầu 9,8 tỷ USD là dự án có vốn đầu tư FDI lớn nhất Việt Nam.

Cũng thời điểm này, siêu dự án đã được đặt rất nhiều kỳ vọng với mục tiêu xây dựng và vận hành khu liên hợp thép với công nghệ lò cao, lò chuyển oxy, lò tinh luyện, cán nóng và cán nguội, đề ra kế hoạch giai đoạn 2008-2011 sẽ hoàn thành tổ hợp nhà máy thép có công suất 4,5 triệu tấn thép cuộn cán nóng/năm.

Tuy nhiên, do khó khăn về tài chính trước tác động của khủng hoảng tài chính toàn cầu, dự án chậm triển khai và cuối cùng, Lion Group đã tuyên bố rút khỏi Dự án. Đầu năm 2011, Ninh Thuận đã rút chứng nhận đầu tư dự án này.

Sau khi Lion Group rút đi, dự án khu liên hợp thép được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận về chủ trương để chuyển đổi dự án thành Khu công nghiệp Cà Ná quy mô 1.000 ha vào tháng 5/2011.

Hiện, tổ hợp dự án Khu liên hợp luyện cán thép Hoa Sen Cà Ná – Ninh Thuận của Tập đoàn Hoa Sen với vốn đầu tư khoảng hơn 10 tỷ USD dự kiến triển khai trên địa bàn xã Phước Diêm, xã Cà Ná và 1 phần xã Phước Minh thuộc huyện Thuận Nam (Ninh Thuận) là dự án thừa kế dự án tổ hợp thép Vinashin – Lion đã từng được Thủ tướng Chính phủ xem xét, phê duyệt.