Hướng mở từ kinh tế vùng rừng ngập mặn

ThienNhien.Net – Người dân sống dưới tán rừng ngập mặn thuộc quyền quản lý của Công ty TNHH – MTV Lâm nghiệp Ngọc Hiển (gọi tắt là Công ty Lâm nghiệp Ngọc Hiển) có nhiều niềm hạnh phúc đan xen.

Lý do bởi họ được lãnh đạo công ty tận tình giúp đỡ, tạo mọi điều kiện cho dân vươn lên thoát nghèo. Với điều kiện thiên nhiên ưu đãi, thời gian qua Công ty Lâm nghiệp Ngọc Hiển đã áp dụng và chuyển giao nhiều mô hình làm ăn, mang lại hiệu quả kinh tế cao cho người dân nhận đất, nhận rừng. Trong đó đáng kể đến là mô hình nuôi tôm sinh thái dưới tán rừng. Đây là mô hình đã và đang mở ra hướng đi mới cho người dân vùng rừng ngập mặn.

Cán bộ Công ty Lâm nghiệp Ngọc Hiển bám sát từng diện tích rừng do mình quản lý (Ảnh: H.H/Dân Việt)
Cán bộ Công ty Lâm nghiệp Ngọc Hiển bám sát từng diện tích rừng do mình quản lý (Ảnh: H.H/Dân Việt)

Ông Trần Ngọc Thảo – Giám đốc Công ty Lâm nghiệp Ngọc Hiển khẳng định: “Từ ngày áp dụng mô hình mới này, đời sống của người dân thay đổi một cách rõ rệt, cả về vật chất lẫn tinh thần. Đặc biệt hơn, qua đó ý thức giữ bảo vệ rừng của bà con được nâng cao hơn, khi mà không còn lo chuyện thiếu ăn”.

Một tính hiệu đáng vui mừng được minh chứng cụ thể là nhờ làm tốt công tác tuyền truyền, giúp dân từng bước thoát nghèo đã khiến cho nạn chặt phá cây rừng không xảy ra. Những cánh rừng một màu xanh biếc đang từng ngày tươi tốt dưới sự chăm sóc và bảo vệ của chủ rừng và người dân nhận đất rừng.

Ông Tạ  Văn Tiền, ngụ ấp Chà Là xã Tam Giang, huyện Năm Căn, tỉnh Cà Mau hồ hởi: Nhờ được công ty giao 10ha rừng nuôi  nuôi tôm sinh thái, gia đình tôi đã thoát nghèo.

Theo ông Thảo: Sau khi bàn giao đất rừng cho người dân, lãnh đạo công ty thành lập và đặc cử cán bộ chuyên môn trực tiếp hướng dẫn dân trồng mới  và cách chăm sóc và bảo vệ rừng. Ngoài ra, công ty còn kết hợp Công ty cổ phần Chế biến thủy sản và Xuất nhập khẩu Cà Mau cấp con giống tôm sạch và hướng dẫn cách nuôi tôm sinh thái khoa học cho bà con.

“Với cách làm này, người dân có thể yên tâm, không còn lo chuyện được mùa mất giá. Vì con tôm khi đến ngày thu hoạch đã có đơn vị bao tiêu sản phẩm, với giá cao” – ông Thảo nói.

Hàng ngàn hộ dân nhận đất rừng từ phía công ty cho biết, với cách làm của lãnh đạo công ty đã mang lại kết quả mỹ mãn. Người dân không còn phá rừng vì miếng ăn, trái lại họ còn góp sức bảo vệ phát triển rừng ngập mặn, bảo vệ tài nguyên môi trường.

Ông Trần Ngọc Thảo kỳ vọng rằng: Trong tương lai không xa, rừng ngập mặn do công ty quản lý, kết hợp với mô hình nuôi tôm sinh thái sẽ trở thành điểm du lịch hấp dẫn  đối với du khách trong và ngoài nước. Mở ra hướng phát triển kinh tế tươi sáng cho vùng đất  cực nam của Tổ quốc.