Trung Quốc: Tín dụng cacbon giúp phát triển vùng nghèo

ThienNhien.Net – Đầu năm 2007, Trung Quốc đã công bố 2 sáng kiến kinh doanh cacbon mới nhằm giúp phát triển các khu vực nghèo và đạt được “các mục tiêu phát triển thiên niên kỷ” của Liên hợp quốc.

Dự án thứ nhất là kết quả hợp tác giữa chính phủ Trung Quốc và Chương trình phát triển Liên hợp quốc (UNDP). Dự án này sẽ thiết lập một chương trình trao đổi buôn bán khí cacbon ở Bắc Kinh – khu vực đầu tiên ngoài Châu Âu và Mĩ tiến hành kinh doanh trong lĩnh vực này.

Kinh doanh cacbon là sáng kiến của Liên hợp quốc (LHQ) trong khuôn khổ Cơ chế phát triển sạch (CDM) nhằm giảm thải khí CO2 trên toàn cầu. Theo đó, các quốc gia sẽ được cung cấp “tín dụng cacbon” – điều này cho phép mức thải cacbon trên mức hạn ngạch của nước đó theo qui định của Nghị định thư Kyoto. Tín dụng này sẽ được phân phối tới các công ty và các công ty đó có thể kinh doanh chúng trong thị trường tự do.

Theo tạp chí Financial Times của Anh, LHQ ước tính rằng Trung Quốc sẽ chiếm 41% lượng tín dụng cacbon vào năm 2012.

Khalid Malik, trưởng đại diện của UNDP tại Trung Quốc cho biết, kinh doanh cacbon ở Trung Quốc là một “cơ hội lớn” để thúc đẩy phát triển bền vững. Ông hy vọng trao đổi thương mại về lĩnh vực tín dụng cacbon ở Bắc Kinh sẽ gắn liền với các mục tiêu phát triển thiên niên kỷ (MDG). Tuy nhiên, LHQ vẫn tỏ ra khá dè dặt về việc thực hiện dự án này.

Dự án thứ 2, MDG cacbon là chương trình tài chính cacbon nhằm đạt được những mục tiêu phát triển thiên niên kỷ. Dự án sẽ đầu tư 1,7 triệu USD vào 12 khu vực miền Tây Trung Quốc nhằm giúp các khu vực tư nhân và tập thể thực hiện các tín dụng cacbon.

Bằng cách đầu tư vào công nghệ xanh, dự án kéo dài 3 năm này sẽ thành lập các trung tâm dịch vụ giúp chính quyền địa phương, xí nghiệp và các cá nhân tham gia vào ngành thương mại cacbon và sử dụng việc kinh doanh cacbon như một công cụ tăng thu nhập, tạo cơ hội việc làm cho khu vực miền Tây Trung Quốc.

Cho tới nay, đã có một số nỗ lực được thực hiện nhằm đảm bảo kinh doanh cacbon có thể đem lại lợi ích cho những khu vực nghèo hơn của Trung Quốc. Những dự án CDM hiện nay chủ yếu tập trung giảm thải khí nhà kính từ các ngành công nghiệp hóa học ở khu vực duyên hải phát triển của nước này.

Zhang Chengyi thuộc trung tâm khí hậu Bắc Kinh cho biết, dự án cacbon MDG sẽ phát huy tiềm năng lớn cho miền Tây Trung Quốc tham gia vào lĩnh vực kinh doanh cacbon. Ông cũng cho rằng, các chương trình trồng cây gây rừng gần đây ở khu vực này cũng giúp bù đắp lượng khí CO2 thải ra.