Rao bán cả khúc, cả rổ ngà voi trên mạng xã hội

Không chỉ phổ biến trên facebook, zalo, có kênh bán hàng online lớn nhất nhì nước ta cũng rao bán hàng trăm sản phẩm và thông tin bán các sản phẩm làm từ ngà voi, xương voi trên hệ thống của minh.

Vòng tay được làm từ ngà voi bày bán nhan nhản. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Ngoài “thủ phủ voi” lớn nhất Việt Nam tại tỉnh Đắk Lắk trong quá trình nhập vai điều tra về hoạt động buôn bán động vật hoang dã quý hiếm, nhóm phóng viên còn ghi nhận ngà voi và các sản phẩm được chế tác từ ngà của “người bạn lớn” được bày bán ở một số khu chợ nổi tiếng như Bến Thành, phố An Bình, Trung tâm thương mại An Đông (Thành phố Hồ Chí Minh), hay Thương xá Latulipe, Biệt điện Bảo Đại (thành phố Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng).

Tuy nhiên, những điểm bán trên mới chỉ là một phần của “thị trường đen” về buôn bán ngà voi và các sản phẩm đi kèm. Sôi động nhất vẫn là trong các “gian hàng ảo” trên mạng internet.

Ngà voi “chui lọt” mạng xã hội?

Ở thành phố Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk, showroom đồ lưu niệm  MT, nằm ở địa chỉ 81-83 Nguyễn Văn Cừ, lúc nào cũng có từ 5-7 nhân viên bày bán đủ các loại trái cây, thức uống đặc sản của cao nguyên. Tuy nhiên, bên trong showroom này là quầy bán đồ trang sức có giá.

Ngay khi thấy khách ngỏ ý muốn mua “hàng,” người bán hàng tên N. vô tư mở tủ kính lấy cho chúng tôi xem từ vòng, nhẫn, bút, lược… với lời giới thiệu là sản phẩm được chế tác từ ngà voi. Thậm chí N. còn đưa ra một đoạn đuôi voi khô cứng, với những sợi lông đen, cứng như cước dài hơn gang tay người lớn để giới thiệu và bán với giá hơn 100.000 đồng/sợi, tùy độ dài.

Loạn thị trường ngà trắng ở ‘thủ phủ voi’ nổi tiếng nhất Việt Nam

Khi chúng tôi đề cặp tới chuyện muốn có trong nhà bức tượng cầu tài cầu lộc bằng ngà voi, và mẫu tượng phải là do chúng tôi phác thảo, mang đi đặt thợ chế tác, N. bảo chúng tôi ngồi chờ một lúc, rồi cầm điện thoại bấm số gọi xin ý kiến ông chủ.

Như được ông chủ dặn dò, ngay sau khi kết thúc cuộc gọi, N. quay sang dò hỏi thông tin về các vị khách lạ một lúc, rồi vào trong bê ra một khúc ngà voi châu Phi nguyên khối đặt lên cân cho khách xem. Xung quanh có vài người lạ mặt theo dõi chúng tôi.

Khúc ngà nặng như đá, to bằng bắp đùi người trưởng thành, tuy chỉ một đoạn dài khoảng 10cm nhưng đặt lên bàn cân đã nặng tới 2,2kg. N. giới thiệu đây là ngà voi châu Phi, thức ăn bên đó phong phú nên chất lượng ngà tốt hơn ngà voi châu Á. Người đàn ông này còn khẳng định: “Nếu để làm tượng thì chỉ có loại này đạt yêu cầu, vì ngà voi châu Á xốp, khó đẽo tạc”.

Không để khách hỏi giá, ngay lập tức N. chốt 70 triệu đồng/kg, nếu khách mua thêm một khúc nữa cũng sẵn hàng. “Còn các anh muốn mua nhiều chỉ cần đặt trước là có,” N. nói.

Khi chúng tôi lấy lý do khúc ngà voi quá lớn so với tượng muốn làm nên xin phép sang cửa hàng khác tìm thêm, N. liền nhắn nhủ chúng tôi đợi thêm ít ngày nữa, khi nào có khách tương tự (muốn mua một phần ngà) sẽ báo lại chúng tôi, để cắt ra, chia đôi.

Ít ngày sau, N. gửi qua zalo cho chúng tôi hình ảnh một khúc ngà voi mà cửa hàng N. đang có, với lời nhắn nhủ: “Vẫn ngà voi châu Phi, đường kính 11cm, dài 23cm, nặng 4,918kg. Khúc này đường kính nhỏ hơn, nên giá chỉ 45 triệu đồng/kg.”

Khác với N. chỉ cần vài câu xã giao đã đưa hàng cấm cho khách xem. G. là người Lào, lấy chồng ở Buôn Đôn rồi chọn khu du lịch Bản Đôn làm chốn kinh doanh buôn bán. Như hầu hết các gian hàng ở đây,  cửa hàng của G. cũng bán đồ lưu niệm. Ban đầu chúng tôi hỏi vòng, nhẫn ngà, G. nói ở đây chỉ có vòng xương voi, nhẫn xương voi hoặc nhựa, chứ làm gì có ngà.

Tuy nhiên, khi chúng tôi nói chuyện với nhau về vân ngà xịn và vân nhựa nhân tạo, hoặc không vân, thì G. thay đổi thái độ. Chị ta vào nhà bưng ra một rổ nhựa đầy các vòng tay bằng ngà voi. Cũng như nhiều điểm khác chúng tôi khảo sát, G. bảo muốn mua khúc ngà to/bé, nặng/nhẹ, hoặc nguyên chiếc, cửa hàng của G. đều sẵn hàng, cung cấp được.

Đặc biệt, G. còn nói cho chúng tôi nghe rằng ở ngay xã Krông Ana này có một người chuyên chế tác. Vì thế, G. sẵn sàng nhận mẫu của khách để nhờ người đó chế tác. G. cũng sẵn sàng nói tên tuổi người đàn ông chế tác bí ẩn kia, nhưng khi chúng tôi hỏi xin số điện thoại để trao đổi trực tiếp về mẫu mình muốn làm, thì G. dứt khoát không cho với lý do “em lưu trong điện thoại chồng em, giờ gọi chồng em không nghe vì đang bận dựng nhà hộ bà con.”

Rồi G. cho chúng tôi số điện thoại của mình và không quên dặn: “Anh chị cứ xem mẫu kỹ, cần hàng như nào báo em, em sẽ gửi zalo nếu anh chị ưng ý thì chuyển tiền cọc em sẽ chuyển hàng cho. Nhưng để qua đợt kiểm trao cao điểm này đã.”

Qua các câu chuyện với N. và G. rõ ràng, hiện nay những đối tượng buôn bán ngà voi và các sản phẩm từ voi đã dần chuyển sang cách kinh doanh qua mạng xã hội. Và zalo là một trong những kênh ảo mà các đối tượng buôn bán ngà voi xác định là “thị trường làm ăn”.

Rao bán cả rổ vòng ngà voi. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Con buôn làm giàu từ “thế giới ảo”

Cũng tại thành phố Buôn Ma Thuột, một người buôn bán ngà và các sản phẩm từ ngà “có số có má” khác có tên là NP. Dù có hình chụp facebook và số điện thoại của người đàn ông khoảng 35 tuổi tên là NP. này, chúng tôi vẫn không có cách nào tìm ra được facebook của anh ta. Thế nhưng, khi lưu số điện thoại và vào zalo, thì thấy NP. “quảng cáo” rất nhiều các sản phẩm làm từ ngà. Đa dạng về mẫu mã, và số lượng thì lớn hơn những nơi chúng tôi đã khảo sát rất nhiều.

Một ngày, NP. rao bán hàng trên zalo vài lần, khi là hình chụp những chuỗi ngà hạt tròn, khi là những miếng ngà vuông, tròn được chạm khắc đủ hình thù khá tỉ mỉ. Phương N. bán đủ loại làm từ ngà, vòng tay tròn li lớn li nhỏ, nhẫn nạm vàng và không nạm, bút… từ những món đã là sản phẩm đến những thứ mới là thành phẩm.

Có hôm, đối tượng này còn tải lên cả clip giới thiệu một bộ ấm chén ngà. Nhìn hình ảnh của anh ta trên zalo và những gì anh ta thể hiện, thì có vẻ NP. là “dân anh chị”, “người của giang hồ”, chứ không đơn giản như V. trên đường Y Ngông hay N. trên đường Nguyễn Văn Cừ mà chúng tôi đã gặp. Quả thực, chúng tôi đã e dè, cân nhắc rất kỹ về việc có nên bằng mọi giá tiếp cận anh ta hay không.

Không riêng gì ở Đắk Lắk, tại thành phố sôi động, đông dân cư nhất nước ta như Thành phố Hồ Chí Minh, chúng tôi cũng đã có những ngày khảo sát, qua đó ghi nhận tình trạng buôn bán ngà voi và sản phẩm từ ngà voi trên mạng xã hội khá phổ biến. Các đối tượng chụp ảnh, quay video đưa hàng lên rao bán, từ facebook đến zalo và sẵn sàng giao hàng đến tận nhà, qua dịch vụ của nhiều đơn vị vận chuyển.

Một chủ cửa hàng bán đồ lưu niệm ở phố An Bình, quận 5, Thành phố Hồ Chí Minh sau khi trao đỏi với chúng tôi đã yêu cầu kết bạn zalo, sau đó vài tiếng đồng hồ đã gửi cho chúng tôi xem các hình ảnh là ngà voi châu Phi nguyên khúc, với trọng lượng hơn 3,7kg. “Hàng này bọn em bán với giá khoảng 30 triệu đồng/kg, nếu anh chị ưng thì đặt cọc, đây là hàng em lấy từ Hà Nội vào,” người bán hàng nhắn cho phóng viên qua zalo.

Không chỉ phổ biến trên facebook, zalo… Thậm chí, có kênh bán hàng online lớn nhất nhì nước ta như sendo.vn khi gõ vào chỗ tìm kiếm là ngà voi cũng hiện ra hàng trăm sản phẩm và thông tin bán các sản phẩm làm từ ngà voi, xương voi trên hệ thống của mình.

Chúng tôi đã hẹn các chủ gian hàng online đó để xem hàng và không dám tin những sản phẩm họ rao bán trên mạng lại đang hiện ra trước mắt mình là thật. Thế nhưng, những gì rao bán trên mạng chỉ là “sản phẩm giới thiệu” khi cần những mặt hàng khác người rao vẫn có.

Trao đổi với phóng viên, đại diện Phòng cảnh sát Môi trường, Công an Thành phố Hồ Chí Minh cho biết: “Trước hết, cần phải khẳng định, các hành vi buôn bán ngà voi này đã vi phạm luật pháp, bởi kể cả họ bán ngà voi giả hay các sản phẩm giả ngà voi đi nữa, thì tội quảng cáo bán sản phẩm động vật hoang dã đã là phạm pháp”.

Khúc ngà voi được đưa lên cân bán cho khách. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Chùm ảnh: Ngập tràn trang sức chế tác từ ngà voi trên “thị trường đen”