Sự tồn vong của âm nhạc Nhật Bản sẽ dựa trên ngà voi nhân tạo

Ngà tự nhiên là chất liệu quan trọng tạo nên nét âm thanh vượt trội của một số nhạc cụ truyền thống Nhật Bản. Tuy nhiên, các nhà khoa học cùng một nhóm nhạc sĩ hiện đang hợp tác để tìm ra chất liệu thay thế bởi họ không muốn sử dụng danh nghĩa văn hóa để phá hủy thiên nhiên.

Shoin Hagioka búng ngón cái vào đế cây đàn tranh koto, đánh dấu thời gian khi những ngón tay của anh nhảy múa trên cây đàn dài bằng gỗ có 13 dây. Leo Konno, sinh viên tại Đại học Nghệ thuật Tokyo ngồi đối diện với Hagioka khẽ khàng tham gia bằng cách gảy dây koto của chính mình, hòa nhịp cùng vị giáo sư.

Đàn koto. (Ảnh: Japanesestrings.com)

Bằng cách nghiên cứu âm nhạc Nhật Bản, Konno đang giữ cho một truyền thống qua nhiều thế kỷ còn tồn tại. Nhưng chất lượng chơi đàn của anh có thể không bao giờ bằng với người hướng dẫn – không phải vì thiếu tài năng hay nỗ lực mà vì thiếu ngà voi.

Để phát ra âm thanh tốt nhất, koto cần 13 miếng ngựa đàn chắc chắn bằng ngà voi và ba miếng ngà mỏng manh giống như móng tay dài.

Shamisen, một nhạc cụ ba dây trông giống như đàn guitar cũng cần ngà để làm ngựa đàn và bachi, một miếng gảy hình quạt có kích thước tương đương với một cuốn sổ ghi chép của phóng viên.

Tất cả người chơi koto hoặc shamisen ở cấp độ cao đều sử dụng ngà voi. Không có ngà voi, tôi lo rằng sẽ rất khó để âm nhạc truyền thống Nhật Bản tiếp tục”, Hagioka nói.

Năm 1989, nhiều quốc gia – bao gồm Mỹ, EC, nhiều quốc gia châu Phi và châu Á – đã bỏ phiếu cấm buôn bán ngà voi quốc tế với lý do rất chính đáng. Trong thập kỷ trước đó, quần thể voi trên khắp châu Phi đã giảm một nửa vì bị săn trộm lấy ngà – thứ có nhu cầu cao ở Nhật Bản. Trong một vài năm, lệnh cấm dường như có hiệu lực nhưng vào giữa những năm 2000, nạn săn trộm lại một lần nữa bùng lên. Từ năm 2007 đến 2014, quần thể voi đồng cỏ giảm 30% trong khi voi rừng – voi châu Phi nhỏ hơn nhưng ngà lại có giá trị nhất ở Nhật Bản – thậm chí còn giảm 62% từ năm 2002 đến 2013.

Trung Quốc là thủ phạm chính của cuộc khủng hoảng săn trộm gần đây nhất và tháng 1/2018, với hy vọng giúp chấm dứt nạn giết voi, nước này đã cấm buôn bán ngà voi nội địa, biến Nhật Bản trở thành thị trường ngà voi hợp pháp lớn nhất thế giới.

Với bằng chứng là các giao dịch bất hợp pháp giữa các thương nhân ngà voi Nhật Bản, quốc gia này phải đối mặt với áp lực ngày càng tăng để theo chân Trung Quốc đóng cửa thị trường.

Tác động của lệnh cấm như vậy sẽ không đều với những người sử dụng ngà voi Nhật Bản.

Hanko hay con dấu truyền thống chiếm khoảng 80% lượng tiêu thụ ngà voi của Nhật Bản nhưng chúng có thể dễ dàng thay thế bằng bất kỳ vật liệu nào khác: pha lê, kim loại, nhựa hay gỗ. Nhạc cụ là trường hợp rất khác. Người chơi nhấn mạnh rằng ngà voi tạo ra chất lượng âm thanh vượt trội so với nhựa, gỗ hoặc gốm, và nó nhẹ hơn với tay trong các màn trình diễn dài. Không có ngà, âm nhạc truyền thống Nhật Bản sẽ bị ảnh hưởng.

Tuy nhiên, nhiều nhạc sĩ truyền thống và học giả hàng đầu Nhật Bản tin rằng có một cách khác. Được hỗ trợ bởi các nhà khoa học vật liệu và bảo tồn, họ đã cùng làm việc với hy vọng tạo ra ngà voi tổng hợp để cứu rỗi loài voi nhưng không phải hy sinh bất kỳ đặc tính nào khiến ngà voi được ưa chuộng như vậy.

Tôi muốn tìm ra một chất liệu thay thế để chúng ta có thể sánh vai với thế giới trong khi vẫn duy trì âm nhạc truyền thống của Nhật Bản”, Masataro Imafuji, một người chơi đàn shamisen và được coi là Báu vật sống quốc gia của Nhật Bản thổ lộ.

“Đối với tôi, giữ hài hòa với môi trường và thế giới là rất quan trọng. Đó là tinh thần của âm nhạc truyền thống Nhật Bản và lý tưởng cốt lõi của văn hóa Nhật Bản”.

Truyền thống phát triển

Ở vào tuổi 83 tuổi, Imafuji tha thiết hồi tưởng thời thơ ấu ngập trong âm nhạc. Cha mẹ ông đều biểu diễn chuyên nghiệp, mẹ ông còn dạy học sinh ở nhà. “Ngay cả khi còn nhỏ, tôi đã được nghe âm nhạc và có thể hát”, Imafuji kể. Ông quyết định nối gót cha mẹ không chỉ vì yêu âm nhạc, mà còn vì ông muốn giữ gìn truyền thống.

Khi Imafuji hoàn thiện ngón đàn, ông cũng thông thạo lịch sử chế tác đàn. Ngà voi không phải lúc nào cũng là thành phần của shamisen và koto. Cả hai nhạc cụ đều bắt nguồn từ Trung Quốc, koto du nhập vào Nhật Bản khoảng năm 700, còn shamisen xuất hiện trong thời Eiroku ở thế kỷ 16.

Ban đầu, các nhạc sĩ sử dụng mai rùa, gỗ hoặc sừng trâu để chế tác các bộ phận hiện giờ được chế tác bằng ngà voi nhưng khi các nhạc cụ trở nên thông dụng thì cũng bắt đầu thay đổi. Thân shamisen được làm to hơn, lớp da rắn được thay thế bằng da mèo và da chó. Một phong cách âm nhạc riêng biệt của Nhật Bản bắt đầu xuất hiện.

Như thường lệ ở Nhật Bản, shamisen và koto đã được cải tiến để phù hợp với văn hóa Nhật Bản”, Imafuji nói.

Các nhạc cụ trở nên phổ biến hơn hẳn trong thời kỳ Edo (từ năm 1603 đến 1868), thời kỳ người ta phát triển ra “hương vị của vẻ đẹp”, như lời Imafuji. Thời trang, văn học và nghệ thuật cất cánh, cũng như kabuki – một loại hình sân khấu với nhạc sống, hiện được Unesco công nhận là di sản văn hóa phi vật thể của Nhật Bản.

Theo thời gian, khán phòng được mở rộng để đáp ứng lượng khán giả lớn hơn, các nhạc sĩ cần âm thanh rõ hơn. Qua phương thức thử và sai, họ thấy rằng với ngà voi, âm nhạc vươn đến được cả những góc xa của căn phòng. Ngà cũng dễ sử dụng hơn và như Imafuji nói, nó chứa đựng “một sự hiếm có tô điểm thêm vào cảnh tượng ngoạn mục, quyến rũ mà những người biểu diễn muốn tạo ra trên sân khấu”.

Đàn shamisen. (Ảnh: Japanesestrings.com)

Ngày nay, ngà voi vẫn là chất liệu được hầu hết các nhạc sĩ lựa chọn, không chỉ vì chất lượng âm thanh vượt trội mà còn vì khả năng giúp cho họ buổi biểu diễn mà không thấy khó chịu. Yosihiko Tokumaru, giáo sư danh dự về âm nhạc truyền thống Nhật Bản tại Đại học Ochanomizu, Tokyo, nói: “Nếu tôi chơi đàn lâu với một chiếc bachi bằng nhựa, tôi có thể bị thương ở vai vì chất liệu khá dẻo. Ngà voi bảo vệ cơ thể người biểu diễn”.

Nhu cầu ngà voi của ngành công nghiệp âm nhạc không có vẻ gì sẽ sớm biến mất. Mặc dù koto và shamisen không còn phổ biến như trước đây, rất đông các nhạc sĩ trẻ, bao gồm cả Konno, đã bắt đầu vực dậy các loại nhạc cụ này. Một số người thích các bài hát thời Edo trong khi những người khác đang sử dụng các nhạc cụ để chơi các loại tân nhạc, bao gồm cả nhạc jazz. Dẫu số người chơi mới không cân bằng với số rơi rụng thì các nhạc sĩ lớn tuổi vẫn nhìn thấy ở những nhạc sĩ trẻ này hy vọng cho tương lai.

Dù Nhật Bản tiếp tục cho phép buôn bán ngà voi nội địa nhưng lệnh cấm thương mại quốc tế năm 1989 gây ra nhiều khó khăn cho những nhạc sĩ này. Đơn cử, những người muốn mang shamisen hoặc koto ra nước ngoài phải đối mặt với chướng ngại hải quan và thậm chí bị thu giữ nhạc cụ.

Ngay cả khi một chiếc bachi ngà được sản xuất từ 200 năm trước, chính phủ nước ngoài vẫn có thể tịch thu”, Tokumaru nói.

Tokumaru tin tưởng rằng tạo ra một chương trình hộ chiếu ngà voi được quốc tế công nhận cho các nhạc cụ được chứng nhận sẽ giải quyết vấn đề này. Tháng 1/2019, Cơ quan Văn hóa Nhật Bản Nhật Bản đã phản hồi tích cực với đề xuất kế hoạch như vậy. Tuy nhiên, hiện tại, các nhạc sĩ đi ra nước ngoài vẫn phải mang theo các sản phẩm thay thế bằng nhựa hoặc gỗ, và “những người nước ngoài muốn tận hưởng âm thanh đích thực của âm nhạc truyền thống Nhật Bản phải cất công đến Nhật Bản”.

Tuy nhiên, lo lắng đang tăng lên, ngay cả với những nhạc sĩ không biểu diễn ở nước ngoài. Nếu Nhật Bản quyết định theo bước thế giới bằng cách đóng cửa thị trường ngà voi trong nước, nhạc cụ có thể là phần phức tạp và gây tranh cãi nhất của luật mới, theo Masayuki Sakamoto, luật sư môi trường và là CEO Japan Tiger and Elephant Fund, một tổ chức phi lợi nhuận ở Tokyo vận động cho lệnh cấm ngà voi.

Nếu Nhật Bản đóng cửa thị trường thì cần đảm bảo rằng một số nhạc cụ nhất định sẽ được thông qua, như Hoa Kỳ và Anh đã làm.

Chúng tôi có ý định giết chết văn hóa. Nếu cộng đồng nhạc sĩ thể hiện sự hiểu biết về bảo tồn voi và đưa ra cam kết loại bỏ ngà voi trong tương lai, Nhật Bản nên chấp thuận một số ít miễn trừ cho họ”, Sakamoto chia sẻ.

Nhưng ngay cả khi Nhật Bản không cấm ngà voi, những ngày huy hoàng của vật liệu này cũng không còn nhiều.

Không ai biết có bao nhiêu ngà voi được dự trữ ở Nhật nhưng trừ phi ngà mới được buôn lậu bất hợp pháp vào, rồi thì các đại lý ngà voi cũng sẽ hết hàng. Nguồn cung ngày càng cạn kiệt, các nhạc sĩ dự đoán rằng chất liệu đắt tiền này sẽ càng trở nên đắt đỏ, ngoại trừ những người chơi giàu có nhất.

Thay đổi là không tránh khỏi. Nhưng đây chưa hẳn là một điều xấu, bởi âm nhạc Nhật Bản chưa bao giờ tĩnh. “Bản thân các nhạc cụ cũng thay đổi theo thời gian, để có được những âm thanh được trân trọng là đẹp đẽ. Ví dụ, da chó và mèo thường được sử dụng để chế tác shamisen, bắt đầu được thay thế bằng da kangaroo và một loại da nhân tạo, cả hai đều hứa hẹn sẽ tạo ra âm thanh chất lượng cao nhưng phù hợp hơn với suy nghĩ hiện tại về quyền động vật. Ngà voi có thể đi theo một con đường tương tự – nếu có một chất liệu thay thế thích hợp”.

Nghệ thuật gặp khoa học

Nhiều đồng nghiệp của Imafuji nhận thức rõ các vấn đề về ngà voi. Nhưng vì không phải là nhà khoa học, họ thiếu chuyên môn cần thiết để đưa ra được một giải pháp.

May mắn thay, họ không phải là những người duy nhất cân nhắc tương lai của ngà voi ở Nhật Bản.

Tomoaki Nishihara, chuyên gia bảo tồn thuộc WCS, đã ở Cộng hòa Congo và Gabon suốt 30 năm qua và tận mắt chứng kiến cuộc khủng hoảng săn trộm voi rừng.

Ông hiểu rằng Nhật Bản có lỗi cho phần lớn sự tàn sát voi trong suốt những năm 1980 và rằng ngà voi rừng vẫn là vật liệu được lựa chọn của Nhật Bản.

Khi đào sâu hơn vấn đề, Nishihara nhận ra rằng trong tất cả các ứng dụng cho ngà voi ở Nhật Bản – bao gồm cả con dấu, tác phẩm nghệ thuật và phụ kiện – thì nhạc sĩ là những người duy nhất thực sự có nhu cầu thiết yếu. Điều đó thôi thúc ông phải hành động.

Chúng ta phải chấm dứt đổ lỗi cho người dùng ngà voi ở Nhật Bản, kể cả các nhạc sĩ truyền thống, chỉ vì cảm tính. Chúng ta cần tìm ra một phương cách khoa học hơn để giải thích cuộc khủng hoảng voi, và mang lại những giải pháp cụ thể cho tương lai của văn hóa truyền thống”.

Nishihara tìm đến Tạp chí chuyên về âm nhạc truyền thống Nhật Bản Hogaku, thông qua đó kết nối với một số người chơi có ảnh hưởng nhất, bao gồm Imafuji. Ông giải thích với các nhạc sĩ về tác động từ săn trộm tới tự nhiên, kể cả các tác động của việc giết voi tới toàn hệ sinh thái.

Tôi đã hiểu được rằng tiêu diệt những con voi để lấy ngà sử dụng cho nhạc cụ có nghĩa là tiêu diệt không chỉ bản thân các loài động vật, mà cả môi trường rộng lớn. Tôi thực sự không muốn sử dụng danh nghĩa văn hóa để phá hủy những gì quý giá cho môi trường và cho chính chúng ta”, Imafuji cảm khái.

Để mở rộng đối thoại, năm 2014, Nishihara đã tổ chức một hội thảo quy tụ khoảng 50 nhạc sĩ và học giả để thảo luận về tương lai của ngà voi ở Nhật Bản.

Tại hội thảo đầu tiên đó, tôi đã lắng nghe mọi người từ nhiều quan điểm và nghề nghiệp, và nhận ra rằng dù tất cả chúng ta có quan điểm khác nhau về ngà voi thì vẫn thống nhất ở suy nghĩ rằng đó là một vấn đề”, Haruko Komoda, giáo sư lịch sử âm nhạc Nhật Bản thuộc Musashino Academia Musicae ở Tokyo, nói.

Nishihara cũng đã liên hệ với các nhà khoa học vật liệu, kêu gọi họ sử dụng “công nghệ đẳng cấp thế giới” của Nhật Bản để tìm ra giải pháp. Chikara Ohtsuki, giáo sư chuyên về xương nhân tạo thuộc Đại học Nagoya, đã hưởng ứng lời kêu gọi đó.

Tôi biết rằng một chất thay thế nhân tạo rất khó để cạnh tranh với các vật liệu tự nhiên như ngà voi. Tuy nhiên, tôi sẽ cố gắng hết mức”.

Ngà voi là một vật liệu kỳ diệu, có thể chịu được lực tác động từ một con vật nặng 5.443 kg trong khi chiến đấu, đào đất hoặc quật đổ cây cối. Ngà thực ra chỉ là những cái răng rất lớn, thành phần chủ yếu là hydroxyapatite – một hợp chất canxi phốt phát.

Dù tương tự xương và răng người, ngà voi vẫn sở hữu những đặc tính độc đáo đầy thách thức cho việc tái tạo trong phòng thí nghiệm.

Ngà phát triển liên tục trong suốt cuộc đời voi, chứa hai cấu trúc riêng biệt, một ở cỡ vi mô và một ở cỡ nano. Nó có các lỗ nhỏ, kích thước bằng khoảng 1/10 tế bào. Những đặc điểm này tạo thành sức bền vật liệu nhưng vì thế mà ngà rất khó tái tạo.

Năm 2016, Ohtsuki cố gắng tổng hợp một khối nhỏ giống như ngà voi. Không có tài trợ, ông phải vật lộn để tăng quy mô sản xuất lên đến mức hữu ích cho các nhạc sĩ.

Nishihara đã tiếp cận một số công ty Nhật Bản, hy vọng sẽ có một công ty quan tâm đến việc tham gia dự án để tăng danh mục đầu tư có tác động xã hội của họ nhưng không công ty nào đồng ý với lý do hạn chế tài chính.

Dường như chính phủ Nhật Bản cũng sẽ không nhận trách nhiệm. Đại diện các bộ mà nhóm của Nishihara tiếp cận đều khẳng định họ không có tiền hoặc vấn đề nằm ngoài phạm vi của họ.

Mặc dù bực tức, nhóm vẫn không bỏ cuộc. “Chúng tôi thực sự là một nhóm nhỏ nên mối quan tâm của chúng tôi dễ dàng bị bỏ qua. Tuy nhiên, bằng cách thực sự giải quyết vấn đề này và tìm ra giải pháp, có thể chúng tôi sẽ là hình mẫu cho các cộng đồng khác trên thế giới đang đối mặt với những xung đột tương tự giữa văn hóa và [nhu cầu bảo vệ] các loài có nguy cơ tuyệt chủng”, Komoda bộc bạch.

Có thể nỗ lực của Ohtsuki bị đình trệ nhưng những người khác đang tiến triển. Fritz Vollrath, nhà sinh học thuộc Đại học Oxford, đang tiến hành thử nghiệm thay thế bằng ngà voi gốc hydroxyapatite và lụa xenluloza.

Vollrath và các đồng nghiệp ở Trung Quốc tin rằng vật liệu này có thể được sử dụng để chế tác các tác phẩm nghệ thuật, phím đàn piano, quả bóng bi-a và mô cấy y sinh.

Những hiểu biết thu được từ việc nghiên cứu ngà voi thậm chí có thể được sử dụng để phát minh ra giảm xóc ô tô đời mới và các vật thể khác sẽ được hưởng lợi từ sự pha trộn độc nhất vô nhị giữa sự hấp thụ năng lượng, độ dẻo và độ bền vật liệu.

Vollrath cho rằng không có lý do gì mà sự thay thế ngà voi do nhóm của ông tạo ra lại không thể sử dụng cho các nhạc cụ truyền thống của Nhật Bản. “Đối với chúng tôi, đây thực sự là cố gắng tìm hiểu các phẩm chất của vật liệut và sau đó nhìn từ quan điểm thương mại xem có thể làm thực hiện được hay không. Rõ ràng, mục tiêu là đưa ra cho mọi người sử dụng”.

Nhóm của Vollrath vẫn đang làm việc để nâng kích cỡ vật liệu lên, nhưng tiến bộ cho đến nay là đầy hứa hẹn. Các kế hoạch đang được tiến hành là tuyển dụng thợ chạm khắc chuyên nghiệp, người chơi đàn piano và cơ thủ bi-a để thử vật liệu.

Các nhạc sĩ Nhật Bản có thể cũng sẽ quan tâm. Như Imafuji nói, “tôi không muốn tiếp tục sử dụng ngà voi nếu việc đó lạc lõng với phần còn lại của thế giới”.

Nhật Anh (Theo BBC)

Nguồn: