Hài hoà trong việc xử lý hổ nuôi tại Bình Dương

ThienNhien.Net – Vụ việc nhân nuôi hổ của tư nhân ở Bình Dương đang tạo ra nhiều luồng ý kiến trái chiều, đưa lại những cách hiểu có phần đối nghịch. Chúng tôi đã có cuộc trao đổi với GS.TS. Đặng Huy Huỳnh, nguyên Viện trưởng Viện Sinh thái và Tài nguyên Sinh vật về sự việc này.

ThienNhien.Net (TNN): Chào Giáo sư. Như Giáo sư đã biết, hiện nay dư luận đang rất quan tâm đến vụ việc nhân nuôi hổ tại Bình Dương. Có người khen. Có người cho rằng hành động này đi ngược lại tiêu chí bảo tồn động vật hoang dã. Giáo sư đánh giá như thế nào về vụ việc này?

GS. Đặng Huy Huỳnh: Các cơ quan nhà nước đã có ý kiến phát biểu về điều này. Theo ý tôi, như mọi người đều biết, hổ là một loài động vật cực kì quý hiếm đối với nước ta và trên thế giới. Hổ có tên trong Sách đỏ Việt Nam, IUCN và Nghị định 18 của Nhà nước, và gần đây là Nghị định 32 năm 2006, ở phụ lục I – động vật cực kì nguy cấp. Cần phải bảo tồn nguồn gen quý hiếm này. Vì vậy, thế giới cũng như Việt Nam đã có sự ưu tiên đặc biệt cho công tác bảo tồn loài hổ với nhiều dự án khác nhau.

Trường hợp nhân nuôi hổ ở Bình Dương không phải là trường hợp nuôi hổ đẻ đầu tiên. Năm 2002, con hổ Lâm Nhi (lấy từ Chi cục Kiểm lâm Thừa Thiên Huế) đã sinh con tại Vườn thú Hà Nội. Gần đây, hổ trong Vườn thú Hà Nội lại tiếp tục đẻ lứa con mới. Vì vậy, nói ông Tân là người đầu tiên cho hổ đẻ là không chính xác. Việc người dân ở Bình Dương nhân được 43 con hổ từ những con ban đầu là rất đáng khen. Tuy nhiên, cần phải xem xét vấn đề quan điểm bảo tồn. Thế nào là bảo tồn? Bảo tồn nguồn gen là bảo tồn nguồn gen nguyên chủng của nó, đó mới thực sự là bảo tồn. Bảo tồn mà lai tạp “linh tinh”, đôi khi rất nguy hiểm. Theo ý tôi, báo chí và nhiều cơ quan chưa hiểu thật sự thế nào là bảo tồn nguồn gen. Giữ con này, con kia không phải là bảo tồn.

TNN: Trong sự việc này, theo Giáo sư, điểm cần xem xét lại là gì?

GS. Đặng Huy Huỳnh: Như tôi đã nói ở trên, nhân nuôi một loài động vật có nguy cơ tuyệt chủng đạt được kết quả tốt như vậy là đáng hoan nghênh. Tuy nhiên, điều đáng nói ở đây là những con hổ đầu tiên, tức nguyên liệu di truyền lấy từ đâu? Nếu bắt trong tự nhiên là vi phạm quy định của Chính phủ. Nếu mua từ nước ngoài cũng không đúng theo pháp luật. Vì vậy, việc cần làm hiện nay, theo tôi là cần xác định lại nguồn gen của 6 con hổ ban đầu.

TNN: Nhiều người cho rằng nên tịch thu những con hổ này lại. Ý kiến của Giáo sư như thế nào?

GS. Đặng Huy Huỳnh: Không nên tịch thu số hổ đang nuôi. Có thể vẫn để cho ông Tân nuôi những con hổ đó nhưng cần có sự quản lý chặt chẽ của các cơ quan chức năng. Sau đó, cần đề ra biện pháp quản lý và khai thác số lượng hổ này. Có người đề nghị nấu cao, nhưng cách làm đó vi phạm các quy định quốc tế. Nếu thả ra tự nhiên, nguồn gen không đúng sẽ làm lai tạp nguồn gen hổ tự nhiên của Việt Nam, như vậy không tốt. Vì vậy, cần phải xác định rõ nguồn gen, rồi sau đó mới quyết định có đem thả tự nhiên hay không.

TNN: Liệu cho phép nuôi hổ có vi phạm công ước CITES?

GS. Đặng Huy Huỳnh: Cần có lời giải thích với CITES về tình hình thực tế của Việt Nam hiện nay. Việc nuôi hổ của ta không phải vì mục đích thương mại, không phải để nấu cao hay kinh doanh mà là nhằm bảo vệ và sẽ có những nghiên cứu tiếp theo về số hổ này. Thứ hai, Việt Nam cần sớm tổ chức hội thảo các nhà khoa học, các nhà bảo tồn để bàn bạc cụ thể biện pháp giải quyết vì đây là một vấn đề vừa có tính chất trong nước vừa có tính quốc tế.

TNN: Giáo sư có cho rằng nếu cho phép nuôi giữ số hổ trên (dù có sự kiểm soát của Nhà nước) sẽ tạo ra một “phong trào” nuôi hổ sau này?

GS. Đặng Huy Huỳnh: Hiện nay, đó là một vấn đề còn vướng mắc. Nếu coi đó là vi phạm pháp luật, để cảnh báo cho những người sau – đây sẽ là biện pháp mạnh nhất. Ông Tân nuôi một loài đã bị pháp luật cấm, như vậy đúng là vi phạm pháp luật. Tuy nhiên, dưới góc độ nhà khoa học, tôi vẫn khẳng định lại: cần điều tra nguồn gốc ban đầu của những con hổ bố mẹ. Việc để cho ông Tân nuôi là vì xét đến khía cạnh ông Tân đã bỏ công sức ra – đó là cách giải quyết có tình của Việt Nam, cho phép tư nhân nuôi hổ có sự quản lý chặt chẽ của Nhà nước. Làm như vậy, có thể giải quyết hài hoà vấn đề nuôi hổ hiện nay.

Thế giới cũng đã có nhiều ý kiến về chuyện nuôi hổ. Việc nắm thông tin cụ thể về vấn đề nuôi hổ ở Bình Dương hiện nay còn nhiều nghi vấn, cơ quan này thì bảo đã báo cáo, cơ quan kia bảo chưa báo cáo. Vì vậy, cần có một cuộc hội thảo để các cơ quan đối chất, thực hư vấn đề là như thế nào.

Ông Bí thư tỉnh uỷ Bình Dương cho rằng việc làm này là tốt. Nhưng giá trị bảo tồn lại hoàn toàn khác với điều ông ấy nói. Như vậy, ngay cả cán bộ chính trị cũng chưa hiểu thế nào là bảo tồn, thế nào là nuôi nhốt, thế nào là nuôi sinh sản. Vì vậy, tôi đề nghị Bộ Nông nghiệp & Phát triển nông thôn cần làm cho người dân và các cán bộ hiểu được những điều trên.

Xin chân thành cám ơn Giáo sư.