Theo chân những người nhặt phế liệu ở thung lũng vàng miền tây Nghệ An

Huyện Tương Dương là một trong số ít địa phương của tỉnh Nghệ An có trữ lượng vàng.

Sau khi hết hạn khai thác, và nạn vàng thổ phỉ bị chính quyền sở tại đẩy đuổi, những hầm vàng trở nên vô chủ, để lại nhiều vật dụng có giá trị bằng kim loại. Từ đó nhiều năm trở lại nay tạo cho người dân trong vùng công việc mới là mót phế liệu từ những thung lũng vàng này.

Vật dụng nhặt được khá lớn nên những người phụ nữ này đành phải cửa nhỏ ra

Mất gần 2h leo núi cùng người dân bản địa chúng tôi mới tiếp cận được khu vực được xem là thung lũng vàng một thời giữa bốn về là núi rừng heo hút. Đỉnh Pù Phen là đỉnh núi nằm giáp ranh giữa 3 xã Yên Tĩnh, Yên Hòa, Yên Na thuộc địa bàn huyện miền núi Tương Dương (Nghệ An), có độ cao hơn 1.000 so với mực nước biển.

Những chiếc gùi dùng để đựng phế liệu

Khác với khung cảnh nhộn nhịp, tập nập người cùng những cỗ máy đào đãi vàng hoạt động hết công suất suốt ngày đêm, thì giờ đây bãi vàng chỉ còn lại cảnh hoang tàn.  Trong câu chuyện cùng những người phụ nữ đi nhặt phế liệu nơi thủ phủ vàng này họ cho hay.

Trước đây khu vực này từng được xem là thủ phủ vàng lớn nhất nhì tỉnh Nghệ An. Chính vì vậy mà phu vàng khắp nơi kéo lên đây lập lán trại để khai thác. Sau khi bị chính quyền địa phương, ngành chức năng đẩy đuổi, họ rời đi đã để lại những đống đổ nát, máy móc, dụng cụ làm việc.

Có nhiều vật dụng nằm ngổn ngang nhưng cũng có nhiều thiết bị bị cơ quan chức năng đập phá, chôn vùi dưới lòng đất khi tiến hành truy quét. Những thứ này bây giờ được người dân bản địa nhặt về đem bán.

Công việc của những người phụ nữ nơi đây

“Bình thường, mỗi người có thể gùi được 50 đến 70 kg. Tuy nhiên, do đường đi lại hết sức khó khăn nên chúng tôi chỉ có thể gùi được khoảng 30 đến 40kg”, một người nhặt phế liệu cho biết thêm.

Hiện nay, giá sắt vụn trên địa bàn là 65.000 đồng/10kg. Trong quá trình hoạt động lén lút, nhiều vật dụng, thiết bị bằng sắt thép cũng được các phu vàng chôn vùi dưới lòng đất hoặc giấu trong các lùm cây lớn hòng tránh sự kiểm tra của cơ quan chức năng. Khi bị đẩy đuổi, các phu vàng không kịp mang theo những thứ này.

Một số đồ sắt cồng kềnh, buộc những người mót sắt phải mất hàng giờ đồng hồ để cưa ra và mang về nhà đem bán. Chị V. T. H trú tại bản Pa Tý, xã Yên Tĩnh cho biết, “công việc này tuy có vất vã, nhưng nó đem lại nguồn thư nhập tương đối. trong mấy năm gần đây, không chỉ có tôi mà nhiều phụ nữ khác sống trong bản thường tận dụng thời gian nhàn rỗi lên đây mót sắt về bán”.

Chứng kiến những người phụ nữ nơi đây gom nhặt phế liệu mới thấy được sự vất vã. Việc tìm nhặt phế liệu này cũng tiềm ẩn nhiều rủi ro, để vào được khu vực này họ phải đi bộ nhiều giờ đồng hồ.

Không chỉ có vậy, do địa hình hiểm trở, việc những hố vàng sâu hàng chục, thậm chí hàng trăm mét do các tổ khai thác vàng trái phép bỏ lại trên núi cũng là một trong những ẩn họa hết sức nguy hiểm cho người “mót sắt” nơi đây.

Ngoài ra sau khi nhặt được các phế liệu này, có nhiều vật dụng bỏ lại lớn quá, không thể cho vào gùi. Họ đành phải buộc dây, cõng trực tiếp trên lưng.

Để đưa được những phế liệu này ra khỏi thung lũng vàng là cả một quá trình luồn rừng

“Nếu gùi nhẹ thì chỉ có khoảng 2 giờ đồng hồ, nhưng có hôm gùi nặng nên mất hơn 3 đến 4 giờ mới có thể về được đến nhà, nhiều hôm trời mưa, đường trơn trượt nên ngã là chuyện bình thường…” – chị M. một trong những người mót phế liệu cho hay.