Không chủ quan nhưng không hoang mang trước cúm A/H1N1

ThienNhien.Net – Trước những diễn biến phức tạp của dịch cúm A/H1N1 tại TP. Hồ Chí Minh, đặc biệt là những diễn biến khó lường của sự lây lan dịch trong những ngày qua, tối 23/07, tại TP. Đà Nẵng, Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân đã tổ chức họp khẩn qua truyền hình trực tuyến với Bộ Y tế và UBND TP. Hồ Chí Minh.


Tại cuộc họp này, ngoài những kết luận rất cụ thể về công tác phòng, chống dịch, Phó Thủ tướng còn yêu cầu cần đặc biệt quan tâm tới công tác tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng để nâng cao ý thức tự bảo vệ mình và cộng đồng.

Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân đánh giá cao những nỗ lực phòng dịch của ngành Y tế, đồng thời khẳng định lại quyết tâm của Chính phủ là hạn chế thấp nhất sự lây lan dịch cúm trong xã hội. Phó Thủ tướng cũng khuyến cáo học sinh cần tránh tụ tập sinh hoạt chung nơi đông người, đặc biệt là những nơi đã và có nguy cơ xảy ra dịch để giảm nguy cơ lây lan.

Phó Thủ tướng cũng đánh giá cao sáng kiến của TP. Hồ Chí Minh về mô hình “bệnh viện dã chiến”, cần sớm tổng kết những kinh nghiệm này để ngành Giáo dục và ngành Y tế có thể nhân rộng. Phó Thủ tướng yêu cầu, bước vào năm học mới chủ đề của tuần đầu khai giảng năm học là: “Học sinh, sinh viên sẵn sàng phòng chống và ứng phó với cúm A/H1N1”.

Phó Thủ tướng cho rằng, bản thân các em học sinh cũng chính là tuyên truyền viên với gia đình mình và với xã hội rất hiệu quả. Trong năm học mới, các em học sinh cần được bảo đảm. Đối với Bộ Giáo dục và Đào tạo, chậm nhất ngày 28/07, tất cả các bộ tài liệu về phòng, chống dịch cúm (cẩm nang phòng dịch) phải được đưa lên mạng của ngành Giáo dục để tất cả 41.000 trường học trên cả nước có thể sử dụng được. Ngày 30/07 là hạn cuối cùng để các trường học phải thành lập Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch cúm A/H1N1, 2 tuần/lần phải báo cáo kết quả về Sở Giáo dục và Đào tạo địa phương.

Đối với Bộ Y tế, cần có báo cáo về 2 trường hợp lây nhiễm cúm ở TP. Hồ Chí Minh, qua đó rút ra cách phòng, chống hiệu quả và bài học để các địa phương tham khảo, không gây hoang mang cho xã hội.

Tại Hà Nội, Bộ trưởng Y tế Nguyễn Quốc Triệu cho biết, khi dịch cúm A/H1N1 vào đến trường học chính là giai đoạn nguy hiểm nhất. Vì vậy cần tập huấn cho các trường học để qua đó học sinh có những kiến thức tối thiểu về phòng, chống dịch. Phát hiện sớm, cách ly sớm và điều trị sớm chắc chắn không có tử vong. Đây còn là sự phối hợp của cả cộng đồng, mà ngành Giáo dục có vai trò đặc biệt quan trọng. Bộ trưởng Y tế cũng khuyến cáo nên có hình thức cách ly với hình thức đóng cửa tạm thời các trường học theo thời gian nhất định khi có dịch bùng phát ở địa phương.

Đối với dịch cúm A/H1N1 lần này, theo Phó Thủ tướng, nên thực hiện phương châm 2 không, đó là: Không chủ quan nhưng không hoang mang. Phó Thủ tướng tin tưởng Bộ Y tế, Bộ Giáo dục và Đào tạo cùng toàn xã hội sẽ tiếp tục chủ động phòng ngừa tốt dịch cúm để đại dịch này không trở thành cản trở đối với toàn xã hội.

Diễn biến của tình hình dịch cúm A/H1N1 xảy ra tại trường THPT Ngô Thời Nhiệm (TP. Hồ Chí Minh) như sau: Tổng số học sinh là 1.118 em, 36 lớp, nội trú có 790 em. Chiều thứ sáu (17/07) một phụ huynh học sinh điện thoại báo cho nhà trường xin phép cho con nghỉ học vì bị nhiễm cúm A/H1N1. Nhà trường đã thông báo ngay cho Trung tâm Y tế dự phòng Quận 9 và được Trung tâm xác định học sinh này đã bị lây truyền từ ổ dịch cúm tại Đồng Nai khi em này về quê. Ngay sau đó, ngày 18/07, nhà trường phát hiện được 6 trường hợp bị sốt cao, sau khi xét nghiệm có 5 ca dương tính với cúm A/H1N1 (4 học sinh và 1 giáo viên). Ngày 19/07, phát hiện thêm 15 trường hợp khác và đến nay là 54 trường hợp (50 học sinh và 4 giáo viên). Đến chiều 23/07, qua điều trị đã có 40 em học sinh và 4 giáo viên khỏe mạnh hoàn toàn, không còn dấu hiệu sốt.