Các đại dương rồi sẽ thành biển nhựa?

Rác thải nhựa đang trở thành vấn nạn môi trường toàn cầu. Hầu hết chất thải nhựa đều có tốc độ phân hủy sinh học rất chậm và cuối cùng sẽ vỡ vụn thành các hạt vi nhựa. Chất thải nhựa gây ra mối đe dọa nghiêm trọng đối với môi trường và các hệ sinh thái biển, trong đó ước tính trung bình mỗi km2 mặt nước đại dương hiện nay chứa từ 13.000 tới 18.000 mẩu rác thải nhựa. 70% rác thải nhựa ở biển sẽ chìm xuống đáy biển và phá hoại các hoạt động sống ở đáy biển. Hệ quả là thú biển, rùa biển, chim biển và các động vật giáp xác rất dễ bị tổn thương hoặc chết do nuốt phải hoặc bị hóc rác thải nhựa. Bên cạnh đó, rác thải nhựa còn là phương tiện chuyên chở các động vật ngoại lai xâm hại và tác động tiêu cực tới các hoạt động du lịch, vận tải biển cũng như các ngành công nghiệp biển khác…, trong đó Việt Nam cũng không ngoại lệ.

Theo ước tính, đến năm 2025, cứ 3 tấn cá ngoài đại dương sẽ có 1 tấn rác nhựa (Ảnh: VGP)

Hệ sinh thái biển bị rác nhựa bủa vây

Mỗi năm, trung bình nhân loại thải 8,8 triệu tấn rác ra biển, trong đó 80% xuất phát từ đất liền. Bên dưới những lớp sóng yên bình, nếu nhìn kỹ, chúng ta sẽ thấy biển xanh tràn ngập rác. Theo tính toán, chỉ riêng trong năm 2010, có đến 275 triệu tấn chất thải nhựa được tạo ra ở 192 quốc gia ven biển với khoảng từ 4,8 đến 12,7 triệu tấn xâm nhập vào đại dương. Các nhà khoa học ước tính trong khoảng từ năm 2010 đến 2025, con người sẽ xả thêm 155 triệu tấn rác ra biển, biến đại dương thành bãi rác khổng lồ của thế giới. Rác biển lan tới tất các các vùng biển, đại dương, trở thành vấn nạn nghiêm trọng ảnh hưởng đến môi trường và các sinh vật biển toàn cầu.

Mỗi năm, hàng triệu sinh vật biển gặp nạn bởi các loại rác. Lưới, dây câu, các loại ngư cụ, bao bì, dây cao su, mảnh nhựa… đều có thể trở thành vật sát thương đối với các sinh vật biển, đặc biệt là các loài rùa, chim và động vật biển có vú – chúng thường ăn nhầm rác nhựa/túi nhựa khiến các loại chất thải này mắc kẹt trong cơ thể và làm chúng không thể thực hiện chức năng hô hấp hoặc bơi. Đặc biệt, do các mảnh vi nhựa hấp thụ các hóa chất độc hại bao gồm các chất DDT và PCB nên dễ khiến các loài mắc bệnh nhiễm trùng hoặc bị suy yếu hệ miễn dịch.

Theo nghiên cứu, có hơn 260 loài đã ăn hoặc bị vướng vào rác thải biển. Ngoài ra, trong 120 loài động vật có vú ở biển được Hiệp hội Bảo tồn Thiên nhiên quốc tế (IUCN) liệt kê vào sách Đỏ thì có đến 54% loài đã ăn hoặc bị vướng vào các mảnh rác nhựa. Đáng chú ý là thời gian tự phân hủy của các loại chai nhựa, túi nilon trong môi trường biển có thể kéo dài tới 500 – 600 năm.

Không chỉ bị bủa vây bởi các loại chai nhựa, túi nilon…, môi trường biển còn bị đe dọa bởi các hạt vi nhựa. Vi nhựa là những mảnh nhựa có chiều dài nhỏ hơn 5 milimet (kích cỡ khoảng một hạt vừng), là kết quả của rác nhựa phân rã sau quá trình vật lý. Những mảnh vi nhựa xâm nhập vào môi trường và đi vào chuỗi thức ăn của các loài động vật khiến nhiều loài sinh vật biển vô tình tiêu hóa chúng, gây ảnh hưởng tới hệ bài tiết cũng như làm ngưng trệ hoạt động sống của sinh vật, có nhiều trường hợp dẫn tới tử vong do tắc nghẽn. Điều đáng ngại là các loài động vật biển nuốt phải rác nhựa và hấp thụ các chất độc trên bề mặt nhựa, vì vậy rất dễ chuyển hóa chúng thành các chất độc hại thông qua chuỗi thức ăn, gây ảnh hưởng đến sức khỏe con người nếu ăn phải. Thậm chí, chúng có thể làm tăng nguy cơ gây dị tật bẩm sinh và rủi ro bệnh tật.

Đối với các mảnh/khối rác nhựa lớn, ngoài việc có thể phá hủy nhiều sinh cảnh biển quan trọng như các bãi cát biển, rừng ngập mặn, thảm cỏ biển hay các rạn san hô – hầu hết đều là các hệ sinh thái biển và có vai trò thiết yếu đối với sự sống của rất nhiều loài, chúng còn làm giảm giá trị kinh tế của các vùng ven biển, đặc biệt là trong ngành du lịch, giải trí và thủy sản.

Rác nhựa, nilon tấn công các khu du lịch biển, đảo

Trong số các đại dương thì “đảo rác” Thái Bình Dương là khu vực có diện tích lên tới 1,6 triệu km2 nằm giữa Hawaii và California (Mỹ), rộng hơn gần ba lần so với diện tích nước Pháp (643.801 km2). Những đảo rác tương tự cũng hình thành trên các đại dương khác. Các nhà nghiên cứu thu thập dữ liệu thông qua khảo sát trên không và lưới kéo bằng tàu, sau đó nhập dữ liệu vào mô hình trên máy tính. Kết quả tính toán chỉ ra mật độ rác thải nhựa ở rìa ngoài đảo là 1 kg/km2 và tăng lên hơn 100 kg/km2 ở gần trung tâm đảo.

Theo báo cáo của Chương trình Môi trường Liên hợp quốc (UNEP), hàng năm, có khoảng 8 -13 triệu tấn rác nhựa bị đổ ra biển, ước tính thiệt hại tới hệ sinh thái lên đến 13 tỷ USD. Hiệp hội Bảo tồn Thiên nhiên Quốc tế (IUCN) cho biết “hơn 1/4 lượng rác thải nhựa ở đại dương xuất phát từ 10 con sông mà 8 trong số đó nằm tại châu Á”. Đặc biệt, sông Mê Công chảy qua Việt Nam ra biển đã được xếp vào top 10 con sông ô nhiễm do rác nhựa. Theo đánh giá của Quỹ Quốc tế Bảo vệ Thiên nhiên (WWF), năm 2014, tỷ trọng rác nhựa và cá biển là 1:5 nhưng dự báo đến năm 2050, tỷ lệ này sẽ là 1:1 tức nhựa và cá ngang bằng nhau.

Đánh giá năm 2018 của WWF tại khu vực biển, đảo Địa Trung Hải cho thấy hàng năm có đến 200 triệu lượt khách du lịch và xả ra biển 95% rác nhựa-nilon. Phần lớn chúng có nguồn gốc từ Thổ Nhĩ Kỳ, Tây Ban Nha, Italy, Ai Cập và Pháp. Địa Trung Hải hiện là một trong những vùng biển bị ảnh hưởng nặng nề nhất do ô nhiễm rác thải nhựa trên thế giới. Báo cáo của WWF ghi nhận mật độ vi nhựa cao kỷ lục ở Địa Trung Hải khoảng 1,25 triệu hạt/km2, cao gấp 4 lần so với “đảo nhựa” ở phía bắc Thái Bình Dương.

Chưa hết, hiện có khoảng 60 tấn rác thải nhựa đang đe dọa hệ sinh thái và gây tổn hại cho hoạt động du lịch ở một số bãi biển Guibio và Montecino thuộc Cộng hòa Dominica.

Ngoài ra, bãi biển hơn 2.000 km tại Hawaii, Mỹ cũng ngập ngụa nilon và các phế phẩm nhựa từ biển Thái Bình Dương đổ về. Mỗi năm, các tình nguyện viên nỗ lực loại bỏ từ 15-20 tấn rác thải tại đây nhằm lấy lại hình ảnh thiên đường du lịch cho Hawaii.

Tại Ấn Độ, bãi biển Juhu – một trong những bãi biển đông khách nhất ở ở Mumbai – cũng bị phủ kín bởi rác, chủ yếu là túi nilon. Ngoài ra, nước thải từ các tòa nhà gần đó cũng đổ thẳng ra biển, gây ô nhiễm nặng nề.

Tháng 2/2017, cảnh tượng rác trôi lềnh bềnh kéo dài trên dưới 10 km bên ngoài bờ biển Vịnh Thái Lan ở tỉnh Chumpon khiến các nhà chức trách nước này phải lên tiếng cảnh báo nạn xả rác bừa bãi. Báo cáo hồi năm 2017 của Cơ quan Tài nguyên biển và duyên hải Thái Lan (MCRD) cũng nhấn mạnh ít nhất 300 loài sinh vật dưới biển đã chết do ăn phải các loại rác nhựa mỗi năm, đặc biệt có đến 60% trong số đó là cá voi và cá heo.

Thiên đường du lịch Bali, Indonesia cũng không ngoại lệ. Dù sở hữu những bãi lướt sóng tuyệt đẹp nhưng cách đây không lâu, bờ biển và các bãi tắm tại Bali cũng thường xuyên ngập trong chai nhựa, rác thải. Thống kê cho thấy quần đảo với hơn 17.000 hòn đảo là nơi “đóng góp” rác thải biển lớn thứ hai thế giới, chỉ sau Trung Quốc. Theo tính toán, toàn Indonesia thải ra 1,29 triệu tấn rác mỗi năm. Vấn đề trở nên tồi tệ đến mức các quan chức ở Bali năm 2018 phải tuyên bố “tình trạng khẩn cấp về rác thải” tại một dải bờ biển dài 6 km bao gồm những bãi biển nổi tiếng như Jimbaran, Kuta và Seminyak. Cuối cùng, khu du lịch tại đây phải đóng cửa trong 6 tháng và huy động 700 công nhân cùng 35 xe tải để dọn 100 tấn rác mỗi ngày.

Nguy cơ rác thải nhựa tại các khu du lịch Việt Nam

Theo kết quả đánh giá của Cơ quan Bảo vệ đại dương Mỹ, có hơn một nửa số rác thải nhựa đến từ 5 quốc gia châu Á, trong đó dẫn đầu là Trung Quốc với 2,4 triệu tấn, chiếm khoảng 30%, tiếp đến là Indonesia, Philippines, Việt Nam và Sri Lanka.

Như vậy, Việt Nam là nước có lượng rác thải nhựa xả ra biển nhiều thứ 4 trên thế giới với khối lượng rác thải nhựa thải ra biển dao động trong khoảng 0,28 – 0,73 triệu tấn/năm, tương đương 6% tổng lượng rác thải nhựa ra biển của thế giới.

Là nước có tiềm năng biển đảo lớn nhất khu vực Đông Nam Á với 3.260 km bờ biển và hơn một triệu km2 mặt biển cùng hơn 2.700 đảo và cụm đảo lớn nhỏ, Việt Nam hiện sở hữu 125 bãi tắm du lịch trải khắp ba miền, trong đó nhiều bãi biển được quốc tế đánh giá cao và thu hút hàng triệu du khách mỗi năm.

Theo thống kê, lượng khách quốc tế đến Việt Nam liên tục tăng và đạt 13 triệu người trong năm 2017 và dự kiến đạt gần 20 triệu khách/năm, chưa kể lượng khách nội địa gần 100 triệu khách mỗi năm, trong đó 70% du khách di chuyển tới các vùng ven biển và hải đảo. Tuy nhiên, đi kèm với sự gia tăng đột biến này là nguy cơ rác nhựa-nilon bao phủ.

Năm 2018 ghi nhận sự tập trung nhiều rác nhựa, nilon tại các bãi biển, đảo Nam Du, Phú Quốc, Mũi Né (Bình Thuận) và các thành phố Đà Nẵng, Thanh Hóa. Đặc biệt, tại đảo Nam Du, từ năm 2015, khi xã đảo hoàn thành tuyến đường vòng quanh thì lượng khách du lịch tăng đột biến, riêng năm 2015 có 25.000 – 26.000 lượt khách tham quan nhưng đến năm 2017 tăng lên 119.000 lượt. Tuy nhiên, nhiều tấn rác cũng “bỗng dưng” kéo về, đặc biệt là rác thải nhựa nổi lềnh bềnh từ đảo này qua đảo khác, gây mất thẩm mỹ và ảnh hưởng đến hoạt động du lịch cũng như lặn ngắm san hô.

Hình ảnh bãi biển ở Thanh Hóa đầy rác trong bài báo trên tờ Reuters tháng tư vừa qua. Ảnh: Reuters
Tình trạng ô nhiễm đang diễn ra ở bãi biển thị trấn Phan Rí Cửa, huyện Tuy Phong, Bình Thuận (Ảnh: Zing.vn)

Tháng 8/2018, tình trạng rác thải từ ngoài khơi trôi dạt vào bờ biển diễn ra thường xuyên trên địa bàn thành phố Phan Thiết, Bình Thuận, nhất là khu vực bãi biển du lịch ven vịnh Mũi Né thuộc các phường Mũi Né, Hàm Tiến và Phú Hài.

Đối với huyện đảo Phú Quốc, tỉnh Kiên Giang, báo cáo tháng 7/2018 của Tổ chức WWF-Việt Nam cũng cảnh bảo các khu du lịch tại hai địa phương này đang đối mặt về tình trạng quá tải rác thải nhựa. Mỗi ngày, Phú Quốc tiếp nhận khoảng 155 tấn rác nhưng chỉ thu gom được khoảng 91 tấn. Rác thải tại Phú Quốc sau khi thu gom được tập trung vào các bãi rác Ông Lang và An Thới, do chưa qua xử lý nên gây ô nhiễm môi trường rất cao. Tổng lượng rác thải nhựa được thu hồi lại bởi hệ thống thu gom không chính thức lên đến 10,8 tấn/ngày đêm, chiếm 33,6% lượng rác thải nhựa phát sinh. Lượng rác thải nhựa thải ra ngoài môi trường chiếm 35,5% so với lượng phát sinh ban đầu. Lượng rác nhựa còn lại ở bãi chôn lấp có khối lượng 10,2 tấn/ngày đêm, chiếm 30,9% lượng rác ban đầu. Phần rác thải nhựa còn lại ở bãi chôn lấp không được thu gom lại với lý do quá bẩn, đã bị vỡ, rách…

Nhằm hạn chế nguồn chất thải nhựa-nilon và bảo vệ môi trường tại các khu du lịch biển, đảo, các s vụ bảo vệ m cầáctăng cường hoạt động thu gom rác nhựa-nilon, giảm thiểu lượng rác ra môi trường, nhất là môi trường nước, đồng thời nâng cao hiệu quả quản lý rác nhựa-nilon kết hợp đẩy mạnh tái chế, phân loại tại nguồn, hạn chế lượng chất thải phải chôn lấp nhằm tiết kiệm tài nguyên đất và hạn chế gây ô nhiễm môi trường.

Bên cạnh đó, cần huy động xã hội hóa công tác thu gom, tái chế rác thải nói chung và rác nhựa-nilon nói riêng; phổ biến, tuyền truyền nâng cao nhận thức của cộng đồng về sử dụng bền vững tài nguyên biển, đảo, thân thiện với môi trường, đặc biệt với khách du lịch, không sử dụng đồ nhựa.

Song song với đó, cần xác định ngưỡng chịu tải của khu du lịch biển, đảo, đặc biệt cần lượng giá thiệt hại của ngành du lịch với các kịch bản ô nhiễm rác nhựa-nilon và các giải pháp phát triển, phục hồi tài nguyên biển.

Dư Văn Toán, Đặng Nguyệt Anh, Viện Nghiên cứu Biển và Hải đảo

Nguồn: