Thế giới ngày càng bị tàn phá nghiêm trọng bởi ô nhiễm rác thải nhựa

Ô nhiễm rác thải nhựa, đặc biệt là rác thải nhựa đại dương đã và đang trở thành vấn đề cấp bách trên toàn cầu. Ngay cả khi có hành động tích cực để cắt giảm nhu cầu và nâng cao hiệu quả, sản lượng nhựa sẽ gần như tăng gấp đôi trong vòng chưa đầy 40 năm.

Năm 2060, rác thải nhựa sẽ tăng gấp 3 lần

Thông tin từ tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) cho biết, thế giới bị tàn phá nghiêm trọng bởi ô nhiễm nhựa đang trên đà chứng kiến ​​việc sử dụng nhựa tăng gần gấp ba lần trong vòng chưa đầy bốn thập kỷ.

Theo báo cáo của OECD, sản lượng hàng năm của nhựa làm từ nhiên liệu hóa thạch sẽ đạt mức cao nhất 1,2 tỷ tấn vào năm 2060 và chất thải vượt quá một tỷ tấn. Ngay cả khi có hành động tích cực để cắt giảm nhu cầu và nâng cao hiệu quả, sản lượng nhựa sẽ gần như tăng gấp đôi trong vòng chưa đầy 40 năm.

Tuy nhiên, các chính sách phối hợp toàn cầu có thể thúc đẩy đáng kể tỷ lệ chất thải nhựa được tái chế trong tương lai, từ 12% lên 40%. Ngày càng có nhiều báo động quốc tế về khối lượng và mức độ phổ biến của ô nhiễm nhựa cũng như tác động của nó. Thâm nhập vào những vùng xa xôi và nguyên sơ nhất của hành tinh, các vi hạt nhựa đã được phát hiện bên trong cá ở những vùng sâu nhất của đại dương và tồn tại bên trong băng ở Bắc Cực.

Rác thải ước tính gây ra cái chết của hơn một triệu con chim biển và hơn 100.000 động vật có vú biển mỗi năm. “Ô nhiễm nhựa là một trong những thách thức lớn về môi trường của thế kỷ 21, gây ra thiệt hại trên diện rộng đối với hệ sinh thái và sức khỏe con người”, người đứng đầu OECD Mathias Cormann cho biết.

Kể từ những năm 1950, khoảng 8,3 tỷ tấn nhựa đã được sản xuất với hơn 60% trong số đó thải vào các bãi rác, đốt hoặc đổ trực tiếp ra sông và đại dương. Khoảng 460 triệu tấn nhựa đã được sử dụng vào năm 2019, nhiều gấp đôi so với 20 năm trước đó. Lượng rác thải nhựa cũng tăng gần gấp đôi, vượt 350 triệu tấn, với chưa đến 10% trong số đó được tái chế.

Theo xu hướng hiện nay, việc sử dụng nhựa được dự đoán sẽ tăng gần gấp đôi ở Bắc Mỹ, Châu Âu và Đông Á. Ở các nước mới nổi và đang phát triển khác, con số này dự kiến ​​sẽ tăng gấp 3 đến 5 lần và gấp hơn 6 lần ở châu Phi cận Sahara.

Báo cáo mới của OECD so sánh quỹ đạo kinh doanh thông thường với lợi ích của các chính sách toàn cầu đầy tham vọng hơn về giảm thiểu ô nhiễm và sử dụng nhựa. OECD cảnh báo, được thúc đẩy bởi tăng trưởng kinh tế và dân số ngày càng mở rộng, sản lượng nhựa có thể sẽ tăng theo cả hai kịch bản.

Thế giới bị tàn phá nghiêm trọng bởi ô nhiễm nhựa đang trên đà chứng kiến ​​việc sử dụng nhựa tăng gần gấp ba lần trong vòng chưa đầy bốn thập kỷ. (Ảnh minh họa)

Hiện tại, gần 100 triệu tấn rác thải nhựa được quản lý không đúng cách hoặc rò rỉ ra môi trường, con số này sẽ tăng gấp đôi vào năm 2060.

Báo cáo kết luận, những nỗ lực toàn cầu được phối hợp gần như có thể loại bỏ ô nhiễm nhựa vào năm 2060. Đồng thời, sự nỗ lực này có thể hạn chế lượng khí nhà kính làm ấm hành tinh.

Hiện tại, toàn bộ vòng đời của nhựa nguyên sinh – từ sản xuất đến phân hủy – đóng góp khoảng 2 tỷ tấn CO2 hoặc con số tương đương trong các loại khí khác, chiếm khoảng 3% ô nhiễm carbon do con người gây ra. OECD cảnh báo, nếu không có hành động chính sách, con số đó có thể sẽ tăng gấp đôi vào năm 2060.

Đầu năm nay, Liên Hợp Quốc đã khởi động một tiến trình phát triển một hiệp ước mang tính ràng buộc quốc tế nhằm hạn chế ô nhiễm nhựa.

Lộ trình cấm sản xuất sản phẩm nhựa sử dụng 1 lần tại Việt Nam

Ô nhiễm rác thải nhựa, đặc biệt là ô nhiễm rác thải nhựa đại dương đã và đang trở thành vấn đề cấp bách ở phạm vi quốc gia, khu vực và toàn cầu. Tại Việt Nam, Báo cáo hiện trạng môi trường biển và hải đảo quốc gia giai đoạn 2016-2020 do Bộ TN&MT công bố năm 2021 đã chỉ ra chỉ số tiêu thụ nhựa trên đầu người tại Việt Nam tăng nhanh từ 3.8kg/năm/người năm 1990 tăng lên 54kg/năm/người vào năm 2018. Trong đó, 37.43% sản phẩm là bao bì và 29.26% là đồ gia dụng.

Đặc biệt, việc xả rác thải nhựa bừa bãi cùng với một lượng lớn rác thải nhựa từ đại dương dạt vào các đảo, bãi tắm trong mùa du lịch đang là vấn đề đáng báo động ở vùng ven biển và hải đảo.

Vấn đề ô nhiễm chất thải nhựa và rác thải nhựa đại dương đã được Chính phủ đặc biệt quan tâm và nỗ lực giải quyết thông qua việc đổi mới căn bản trong chính sách, pháp luật về bảo vệ môi trường và bằng những hành động thiết thực. Cụ thể, thông qua Luật Bảo vệ môi trường sửa đổi, trong đó, luật hóa các nội dung liên quan đến chất thải nhựa như quản lý, tái sử dụng, tái chế, xử lý và phát triển mô hình kinh tế tuần hoàn về nhựa. Ban hành Kế hoạch hành động quốc gia về quản lý rác thải nhựa đại dương đến năm 2030. Đồng thời, triển khai thực hiện Đề án Việt Nam chủ động chuẩn bị và tham gia xây dựng Thỏa thuận toàn cầu về ô nhiễm nhựa đại dương.

Đáng chú ý, Quy định dừng sản xuất sản phẩm nhựa sử dụng một lần được quy định cụ thể tại Nghị định 08/2022/NĐ-CP hướng dẫn Luật Bảo vệ môi trường 2020.

Cụ thể, lộ trình hạn chế sản xuất, nhập khẩu sản phẩm nhựa sử dụng một lần, bao bì nhựa khó phân hủy sinh học và sản phẩm, hàng hóa chứa vi nhựa được quy định như sau: Từ ngày 01/01/2026, không sản xuất và nhập khẩu túi nilon khó phân hủy sinh học có kích thước nhỏ hơn 50 cm x 50 cm và độ dày một lớp màng nhỏ hơn 50 μm, trừ trường hợp sản xuất để xuất khẩu hoặc sản xuất, nhập khẩu để đóng gói sản phẩm, hàng hóa bán ra thị trường.

Tổ chức, cá nhân sản xuất, nhập khẩu sản phẩm nhựa sử dụng một lần, bao bì nhựa khó phân hủy sinh học phải thực hiện trách nhiệm tái chế, xử lý theo quy định tại Nghị định 08/2022/NĐ-CP.

Chính phủ cũng yêu cầu giảm dần việc sản xuất và nhập khẩu sản phẩm nhựa sử dụng một lần, bao bì nhựa khó phân hủy sinh học và sản phẩm, hàng hóa chứa vi nhựa.

Hơn nữa, sau ngày 31/12/2030, dừng sản xuất, nhập khẩu sản phẩm nhựa sử dụng một lần (trừ sản phẩm được chứng nhận nhãn sinh thái Việt Nam), bao bì nhựa khó phân hủy sinh học (gồm túi nilon khó phân hủy sinh học, hộp nhựa xốp đóng gói, chứa đựng thực phẩm) và sản phẩm, hàng hóa chứa vi nhựa, trừ trường hợp sản xuất để xuất khẩu và trường hợp sản xuất, nhập khẩu bao bì nhựa khó phân hủy sinh học để đóng gói sản phẩm, hàng hóa bán ra thị trường.

Thực hiện lộ trình này, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh ban hành quy định và tổ chức triển khai hoạt động quản lý chất thải nhựa, bảo đảm sau năm 2025, không lưu hành và sử dụng sản phẩm nhựa sử dụng một lần, bao bì nhựa khó phân hủy sinh học (gồm túi nilon khó phân hủy sinh học, hộp nhựa xốp đóng gói, chứa đựng thực phẩm) tại các trung tâm thương mại, siêu thị, khách sạn, khu du lịch, trừ sản phẩm, hàng hóa có bao bì nhựa khó phân hủy sinh học. Đồng thời, tổ chức thanh tra, kiểm tra các đơn vị sản xuất sản phẩm nhựa sử dụng một lần và bao bì nhựa khó phân hủy sinh học trên địa bàn.

Như vậy, sau ngày 31/12/2030, Chính phủ yêu cầu dừng sản xuất, nhập khẩu sản phẩm nhựa sử dụng một lần, bao bì nhựa khó phân hủy sinh học và sản phẩm, hàng hóa chứa vi nhựa.