Cà Mau: Cho phá rừng vì "thương" cán bộ nghèo

ThienNhien.Net – 64 ha rừng phòng hộ và phòng hộ xung yếu tại huyện Đầm Dơi, Cà Mau bị 14 hộ dân (chủ yểu là cán bộ) “băm nát” lấy đất nuôi tôm hơn môt tháng nay. Đáng nói là tất cả họ đều được sự cho phép của UBND huyện với lý do cải thiện đời sống của cán bộ, công chức còn hoàn cảnh khó khăn.

Hô biến rừng phòng hộ thành đất nuôi tôm

Hàng chục ha rừng ở tiểu khu 221 và 224, xã Nguyễn Quân, huyện Đầm Dơi, thuộc Ban quản lý (BQL) rừng phòng hộ huyên Đầm Dơi, tỉnh Cà Mau phút chốc đã trở nên hoang tàn. Hàng chục ha rừng bị đào lên để phục vụ cho việc nuôi tôm. Khi đoàn liên ngành của tỉnh xuống kiểm tra, 14 hộ được cấp đất rừng đã “kịp” chặt phá 23 ha, xây dựng 13 căn nhà, làm 2 miệng cống lớn để phục vụ cho việc lấy nước nuôi tôm. Theo BQL rừng phòng hộ Đầm Dơi, đây là rừng phòng hộ và phòng hộ xung yếu có tuổi từ 4-5 năm, có nơi trên 8 năm. Tổng số gỗ bị đốn hạ gần 100 m3, số củi đã bán trên 760 site. Số tiền thu về từ việc bán gỗ và củi trên 220 triệu đồng. Tuy nhiên thực tế con số này lớn hơn nhiều bởi rừng dày đặc.

Sở dĩ 14 hộ tại đây mạnh tay phá rừng phòng hộ, phòng hộ xung yếu là vì trước đó vào năm 2008, BQL rừng phòng hộ Đầm Dơi lập phương án khai thác và chuyển đổi. Phương án này được UBND huyện Đầm Dơi phê duyệt và cấp quyền sử dụng hẳn họ cho 14 hộ. Cơ sở để BQL rừng lập phương án khai thác và chuyển đổi dựa vào Nghị định 01/NĐ-CP ngày 04/01/1995, NĐ này đã hết hiệu lực từ lâu. Ông Mai Quốc Trúc, Trưởng BQL rừng phòng hộ Đầm Dơi thừa nhận: “Cái sai của BQL là nhận thức về mặt văn bản còn hạn chế; chủ quan trong việc lập phương án, xét duyệt. Sau khi lập lại không biết cấp nào có thẩm quyền để thông qua. Nếu như chúng tôi trình cho Sở NNPTNT thì chắc chắn nơi đây sẽ phát giác ra và không dẫn đến chuyện như ngày hôm nay”.

Cái sai của BQL rừng phòng hộ Đầm Dơi đã rõ, nhưng không hiểu vì sao khi nơi này trình UBND huyện lại được nhanh chóng chấp thuận. Ông Đoàn Quốc Khởi, Chủ tịch UBND huyện Đầm Dơi cho biết: ” Sau khi đoàn giám sát của HĐND tỉnh phát hiện, chúng tôi cho rà soát lại các văn bản và thấy huyện đã sai thẩm quyền. Chúng tôi đã chỉ đạo dừng ngay việc khai thác, tác động đến cây rừng khu vực này”.

Sẽ xử lý nghiêm

Mặc dù Phòng Tài nguyên Môi trường lý giải việc làm này không vì mục đích vụ lợi, tất cả vì “thương cán bộ, công chức nghèo” nên cấp đất để cải thiện đời sống nhưng theo tìm hiểu của chúng tôi, trong số 14 hộ chỉ có 7 hộ là cán bộ, nhân viên của lâm trường còn lại là những người không thuộc diện nghèo khó, một số là bà con với cán bộ huyện, xã.

Ngay sau khi nhận được thông tin, Sở NNPTNT Cà Mau thành lập đoàn kiểm tra do Phó giám đốc Sở NNPTNT Trần Văn Thức làm trưởng đoàn đi kiểm tra thực tế. Làm việc với đoàn kiểm tra, các đơn vị liên quan đều nhìn nhận thiếu sót, chưa nhận thức hết những tác động của việc mình làm. Ông Trần Văn Thức đề nghị huyện giữ nguyên hiện trạng để Sở thành lập đoàn phúc tra kiểm kê thiệt hại cụ thể từng hộ dân trình UBND tỉnh xử lý. Ông Thức cũng thẳng thắng nêu lên cái sai của các đơn vị tham mưu cho UBND huyện Đầm Dơi ra những quyết định vượt thẩm quyền.

Trao đổi với chúng tôi (qua điện thoại), ông Nguyễn Xuân Hồng, Phó chủ tịch UBND tỉnh, kiêm Giám đốc Sở NNPTNT Cà Mau cho biết, UBND tỉnh Cà Mau sẽ xử lý nghiêm vụ này, sai phạm đến đâu xử lý đến đó đồng thời xem đây là bài học chung của các đơn vị quản lý rừng của tỉnh.

Rừng Cà Mau mấy năm nay liên tiếp bị xâm hại, mặt bằng trồng rừng bị thu hẹp dẫn đến chỉ tiêu trồng rừng đạt thấp nay lại có thêm những khoản rừng bị trống do chính những bàn tay của những người được giao nhiệm vụ giữ rừng vung lên. Lý do đơn giản là để nuôi tôm, cải thiện đời sống.

Ai cũng biết rừng phòng hộ xung yếu bị cấm tác động dưới mọi hình thức, đáng buồn là tại Đầm Dơi, những người giao trách nhiệm bảo vệ và phát triển rừng lại cố tình quên việc này mà đổ tại nhận thức pháp luật còn kém. Cứ thế này, công sức của biết bao nhiêu người giữ rừng hàng mấy chục năm nay tại Cà Mau sẽ trôi ra biển.