Cây mai dương: "Sát thủ thầm lặng" ở hồ Trị An

Đi một vòng quanh hồ Trị An (tỉnh Đồng Nai), đâu đâu cũng thấy những lùm cây mai dương <i>Mimosa pigra </i> rộng lớn mọc đua từ đất liền ra lòng hồ. Ông Trần Văn Mùi, Giám đốc Khu bảo tồn thiên nhiên và di tích Vĩnh Cửu cho biết, cây mai dương ở đây phát triển quá nhanh và hiện đã chiếm khoảng 1.300 hécta đất lòng hồ…

Sát thủ thầm lặng !

Quan sát kỹ ở những lùm mai dương ven hồ Trị An, thấy có những con cá chết phơi bụng trong tình trạng toàn thân bị trầy xước do mắc vào gai của mai dương. Có những con chim lao xuống bắt cá, sâu bọ chẳng may cánh bị vướng vào bụi gai mai dương nằm… chờ chết. Cây mai dương ở hồ Trị An rõ ràng không chỉ là cái bẫy nguy hiểm của nhiều loài động vật, mà cả với những thực vật khác ở xung quanh, chúng cũng không từ.

Mai dương là loài cây bụi phát triển rất nhanh, có tán lan rộng. Trên khắp thân và lá đều có gai, nên ở đâu có mai dương, các loại cây khác hầu như không mọc được, hoặc cây nào “vượt” qua được những tầng gai góc của mai dương mà ngoi lên, cũng phát triển èo uột, vì mai dương “ngốn” rất nhanh các chất dinh dưỡng trong đất, làm cho đất bạc màu nhanh chóng.

Trao đổi với chúng tôi, ông Mùi lo lắng: “Cây mai dương như một sát thủ trầm lặng của hồ Trị An. Nếu không có biện pháp tiêu diệt tận gốc, sinh cảnh hồ Trị An sẽ dần bị mai dương “nuốt chửng”. Một khi sinh cảnh hồ đã mất, cũng đồng nghĩa với việc nhiều loài sinh vật có ích sống trong hồ và sống nhờ hồ bị hủy diệt và đó cũng là cơ hội phát triển của nhiều sinh vật có hại. Chất lượng “giếng nước” sinh hoạt khổng lồ của hơn 14 triệu dân vùng hạ lưu lúc đó chắc chắn cũng bị đe dọa”.

Thực tế, khoảng mười năm trở lại đây, cây mai dương phát tán và mọc nhanh ở nhiều nơi trong tỉnh, trong đó có khu vực bàu Sấu, bàu Chim, bàu Cá của VQG Cát Tiên, Khu bảo tồn thiên nhiên Vĩnh Cửu và chúng tấn công cả đất trồng cây công nghiệp lâu năm, đặc biệt là ở các bờ kè, bờ kênh, khu vực hồ, bàu những nơi thủy triều lên xuống, nước ra vào… Mai dương mọc hoang dại lấn chiếm đất canh tác, cản trở việc đi lại trên đồng ruộng, ngăn cản dòng chảy trên kênh mương, ảnh hưởng đến sản xuất, gây sát thương cho người và gia súc.

Hiện nay, sự xâm lấn của cây mai dương đang trở thành hiểm họa đối với những vùng đất bằng và ngập nước, các hồ chứa nước, đập dâng ở hồ Trị An. Khi cây bị ngập nước lâu ngày, chúng rụng hết lá nhưng chỉ chết ở phần ngọn. Khi nước rút, phần gốc của cây có khả năng đâm chồi mới, tái sinh rất nhanh.

Theo các nhà khoa học, Mai dương không chỉ gây tác động xấu đến hồ Trị An, mà chúng mọc ở đâu thì hệ thực vật ở đó sẽ bị tiêu diệt. Sâu bọ không ăn được, chim chóc không dám đậu, động vật không dám tới gần. Trong thân cây mai dương lại chứa chất Mimosin – một loại a-xit amin có thể gây độc với nhiều loại động, thực vật.

Mai dương mọc nhiều, xâm lấn cả cây bản địa, làm thay đổi thảm thực vật, hệ động vật, ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống, sản xuất của cộng đồng dân cư. Điều này được kiểm chứng, vì khi khảo sát về tình hình ô nhiễm nước hồ Trị An, người ta cứ ngỡ nguyên nhân chính của tình trạng ô nhiễm này là do hoạt động nuôi cá bè của ngư dân. Nhưng rồi ngành chức năng cũng nhận ra “kẻ thù giấu mặt” chính là những bụi Mai dương già cỗi chết đi, xác của chúng phân hủy thành những chất độc đã hủy hoại môi trường nước hồ.

Làm sao có thể diệt trừ cây mai dương?

Trước nguy cơ mai dương đe dọa hệ sinh thái ở nhiều địa phương trong cả nước, ngày 01/06/2006, Chính phủ đã yêu cầu Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn kiểm tra, lập đề án nghiên cứu và xử lý cây mai dương. Nhiều tỉnh, thành, trong đó có Đồng Nai đã vào cuộc với dự án diệt Mai dương ở VQG Cát Tiên, chi phí mỗi năm khoảng 50 – 100 triệu đồng.

Nhưng kết quả thu được không cao, vì hàng năm trong mùa mưa lũ, sông Đồng Nai lại mang hàng triệu hạt từ các vùng đất Mai dương phát triển ở thượng lưu Cát Tiên tràn vào các bàu nước như: bàu Chim, bàu Cá của VQG Cát Tiên. Riêng ở khu vực hồ Trị An, trước đây cũng được trồng cây tràm nước để diệt Mai dương, nhưng tràm nước lại là cây ngoại lai, tác dụng diệt Mai dương thì ít, nhưng gây tác hại xấu đến những thực vật khác thì nhiều, nên dự án ngừng triển khai.

Chính vì thiếu kiên quyết, thiếu sự đầu tư cho công tác diệt Mai dương mà đến nay, Mai dương đã trở thành “sát thủ” thầm lặng rất đáng sợ không chỉ ở hồ Trị An mà còn đe dọa hệ sinh cảnh của nhiều khu vực khác trên địa bàn tỉnh.

Theo ông Mùi, Mai dương là một loại cây rất khó tiêu diệt, vì diệt xong nó có khả năng tái sinh rất cao do hạt Mai dương tồn tại trong đất rất lâu. Hiện nay, thuốc diệt cỏ có thể tiêu diệt được cây Mai dương, nhưng không thể dùng hóa chất vì sẽ gây ảnh hưởng đến môi trường.

Đồng Nai cũng đã nghĩ đến việc áp dụng kết quả từ hai dự án nghiên cứu của Đại học Cần Thơ là nuôi thả dê vào khu vực này, vì đọt non của mai dương là món ăn rất khoái khẩu của dê, hoặc thu gom, xay nhuyễn cây mai dương thành bột để trồng nấm mèo… Nhưng cả hai phương án trên đều không khả quan đối với địa bàn Đồng Nai.

Hiện nay, biện pháp tốt nhất để hạn chế sự phát triển của Mai dương đang được nhiều tỉnh, thành áp dụng là dùng phương pháp thủ công. Sắp tới, ngoài việc tuyên truyền cho nông dân, cho những người trồng và quản lý rừng nhổ bỏ ngay Mai dương con mới mọc chặt sát gốc, đào lấy rễ, phơi khô rồi đốt để diệt hạt ở những vùng cây mai dương mọc kín, sau đó dùng máy cày đảo cho bật rễ, thu gom và đốt tất cả các bộ phận của cây. Việc diệt trừ cây mai dương cần tiến hành ở vụ hè thu, đốt sạch trước mùa mưa để tránh hạt phát tán, lây lan phát triển.