Những tiếng than dưới mỏ “vàng đen” (Kỳ 2)

Kỳ 2: Chính quyền địa phương đổ lỗi cho nhau

Công ty Cổ phần Đầu tư Khoáng sản KTB có trụ sở tại Hà Nội, được UBND tỉnh Sơn La cấp Giấy phép khai thác than tại xã Suối Bàng, huyện Mộc Châu từ ngày 8/12/2010 trên tổng diện tích 262 ha, trữ lượng 1,5 triệu tấn, thời hạn khai thác 18 năm 6 tháng (bao gồm thời gian xây dựng cơ bản mỏ 01 năm). Tuy nhiên, từ khi cấp phép tới nay, đơn vị nhiều lần vi phạm các quy định về thủ tục và quy trình khai thác.

Những tiếng than dưới mỏ “vàng đen” (Kỳ 1)

Ngày 01/02/2018, UBND tỉnh Sơn La ban hành Công văn số 409/UBND-KT yêu cầu Công ty KTB tạm dừng khai thác tại mỏ than Suối Bàng II. Tuy nhiên, biên bản kiểm tra của Sở TN&MT Sơn La ngày 12/4/2018 cho thấy KTB vẫn duy trì khai thác khoảng 30% công suất trang thiết bị, máy móc hiện có tại mỏ và vẫn vận chuyển than như thường dù sản lượng than vận chuyển chủ yếu là lượng than tồn từ năm 2017.

Ngày 9/5/2018, Sở TN&MT Sơn La tiếp tục kiểm tra và phát hiện KTB vẫn không thực hiện theo các yêu cầu và quy định đã nêu, cụ thể: Tiếp tục khai thác lộ thiên dù chỉ được cấp phép khai thác hầm lò; bản Cam kết bảo vệ môi trường không xác định vị trí đổ thải và khối lượng đổ thải; chưa lập Báo cáo đánh giá tác động môi trường và phương án cải tạo, phục hồi môi trường bổ sung trình UBND tỉnh Sơn La phê duyệt theo yêu cầu tại Công văn số 1947/STNMT-MT ngày 11/10/2017; vị trí bãi thải ở bản Suối Khẩu tuy đã ngừng đổ thải từ năm 2016 nhưng qua kiểm tra vẫn thấy có nguy cơ sạt lở, ảnh hưởng đến đời sống sản xuất của nhân dân bản Nà Lồi, nhất là vào mùa mưa. Sở TN&MT tỉnh yêu cầu KTB dừng ngay việc khai thác, khắc phục những tồn tại, đồng thời phải cam kết xử lý 02 bãi thải đất đá có nguy cơ, báo cáo kết quả gửi về Sở trước ngày 20/5/2018.

Đường vận chuyển than từ mỏ xuống cảng của mỏ than Suối Bàng và Suối Bàng II

Mới đây nhất, ngày 19/9/2018, UBND tỉnh Sơn La tiếp tục ban hành Văn bản số 3248/UBND-KT yêu cầu Công ty KTB dừng hoạt động khai thác than tại mỏ than Suối Bàng II để khắc phục những tồn tại, khuyết điểm như: Lập bản đồ hiện trạng mỏ, mặt cắt khu vực được phép khai thác, thống kê, kiểm kê số lượng khoáng sản còn lại năm 2017; nộp tiền cấp quyền khai thác khoáng sản và tiền chậm nộp hơn 9,7 tỷ đồng; làm thủ tục cấp giấy phép xả thải vào nguồn nước; điều chỉnh dự án đầu tư cho phù hợp với với phương pháp thực tế khai thác; lập báo cáo đánh giá tác động môi trường, phương án cải tạo phục hồi môi trường bổ sung; điều chỉnh giấy chứng nhận đầu tư cho phù hợp với dự án đầu tư điều chỉnh; điều chỉnh nội dung giấy phép khai thác…

Bên cạnh đó, Văn bản cũng yêu cầu KTB tiếp tục hạ độ cao bãi thải, kè rọ đá dưới chân bãi thải, trồng cây keo lên tất cả các bãi thải, khắc phục hậu quả đã sạt lở và chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại, tính mạng do hai bãi thải gây ra; nộp tiền sử dụng số liệu thông tin thống kê kết quả thăm dò mỏ than khi có quyết định phê duyệt của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.

Thời gian hoàn thành trong 90 ngày kể từ ngày 19/9/2018, nếu không thực hiện sẽ bị thu hồi giấy phép khai thác. Các sở, ban ngành liên quan có trách nhiệm giám sát, kiểm tra, đôn đốc thực hiện và yêu cầu Công ty KTB báo cáo về Sở TN&MT vào ngày 25 hàng tháng.

Quy định là vậy, song khi làm việc với nhóm Phóng viên, đại diện Sở TNM&T Sơn La cho biết Sở chưa nhận được bất kỳ thông tin, văn bản báo cáo nào từ phía Công ty KTB và việc họ tiếp tục khai thác, Sở cũng không nắm được.

Mỏ than Suối Bàng II vẫn khai thác dù đã bị yêu cầu dừng để khắc ohucj những tồn tại, khuyết điểm

Về phần Công ty Cổ phần Khoáng sản Sơn La, ngày 16/8/2018, UBND tỉnh Sơn La cũng ban hành Văn bản số 2823/UBND-KT đề nghị công ty khắc phục những tồn tại, khuyết điểm trong việc khai thác than tại mỏ than Suối Bàng. Cụ thể: Công ty phải lập hồ sơ thuê đất theo quy định hiện hành; lập lại báo cáo đánh giá tác động môi trường, lập phương án cải tạo, phục hồi môi trường bổ sung trình UBND tỉnh Sơn La phê duyệt theo quy định; xử lý hai bãi thải đất đá có nguy cơ ảnh hưởng đến đời sống sản xuất nhân dân hai bản Pưa Ta và bản Bó. Thời gian hoàn thành là 90 ngày kể từ ngày ký văn bản.

Theo quy định, hình thức khai thác hầm lò thì chỉ cần thực hiện Cam kết Bảo vệ môi trường do cơ quan chức năng có thẩm quyền phê duyệt, tuy nhiên, với khai thác lộ thiên, chủ đầu tư cần lập Báo cáo Đánh giá tác động môi trường (ĐTM). Vậy nhưng các doanh nghiệp mỏ trên địa bàn Suối Bàng lại không tuân thủ theo đúng quy định.

Trao đổi với nhóm Phóng viên về sai phạm của các doanh nghiệp khai thác, ông Đoàn Văn Học,Trưởng Phòng Tài nguyên Khoáng sản, Sở TN&MT Sơn La cho hay: “Hiện mỏ than ở Suối Bàng II đang dừng hoạt động (thực tế thì công ty vẫn hoạt động như thường – PV) để khắc phục; riêng hai bãi thải, họ đã thuê kè rọ thép. Hiện tỉnh vẫn có văn bản dừng hoạt động và yêu cầu khắc phục. Trước đây, tỉnh xử phạt một lần rồi. Tỉnh chỉ cấp phép khai thác hầm lò nhưng họ lại khai thác lộ thiên và hiện vẫn làm như vậy. Chúng tôi là cơ quan quản lý cấp tỉnh, không thể trong một sớm một chiều có mặt kiểm tra được. Theo Điều 18 và 81 của Luật Khoáng sản thì trách nhiệm thuộc về cơ sở”.

Cũng theo ông Ngọc, do “phòng tôi đây có hai anh em thì không thể đi hết được. Dưới đấy các anh (huyện và xã – PV) phải có trách nhiệm, huyện phải chỉ đạo xã chứ Sở làm sao giám sát được, địa bàn của anh thì anh phải quản lý. Chưa kể đường xa, chúng tôi từ đây đi xuống thì đến nơi họ cũng thu hết máy móc rồi…”.

Trái ngược với phát biểu của ông Ngọc, ông Lò Cầm Hoàng, Chủ tịch UBND xã Suối Bàng phân bua: “Bây giờ cần gì thì đổ trách nhiệm về xã, sao Sở TN&MT không đề nghị thu hồi giấy phép cho họ nghỉ làm hẳn đi. Tỉnh có yêu cầu xã báo cáo, giám sát thì xã đã báo cáo, đề nghị rồi, quyền xử lý bây giờ là ở huyện, tỉnh… Quan trọng là cách xử lý chưa thấy gì chứ tháng nào Sở chả xuống phối hợp với xã kiểm tra, có khi Sở còn vào thẳng mỏ mà không qua xã”.

Riêng ông Nguyễn Huy Anh, Chủ tịch UBND huyện Vân Hồ, khi trao đổi với phóng viên qua điện thoại thì tỏ ra khá bất ngờ trước thông tin mỏ than Suối Bàng II vẫn đang hoạt động: “Bây giờ làm gì còn than nữa mà chuyển đi, chắc họ chuyển cái cũ thôi chứ mình vừa vào đó tháng trước”. Khi đề cập đến trách nhiệm của chính quyền sở tại, ông Anh thoái thác: “Họ nghỉ vì chưa có đánh giá tác động môi trường, việc này nên hỏi Phòng TN&MT huyện vì tôi bận đi họp trên tỉnh…”.

Khu vực tập kết than sau đó chuyển xuống cảng ven hồ thủy điện Hòa Bình chở đi tiêu thụ

Về phía mình, đại diện Công ty KTB phân trần: “Hiện công ty đang nhờ đơn vị tư vấn thực hiện báo cáo đánh giá tác động môi trường. Còn vấn đề nợ tiền cấp quyền khai thác khoáng sản, vì cách tính của tỉnh Sơn La quá cao, hơn 2 triệu đồng/tấn than nên công ty chưa thu xếp được. Riêng chỗ sạt lở, chúng tôi đã cho xếp rọ đá, trồng cây nhưng không hiệu quả, trước có trồng keo nhưng cây sống cây chết, sắp tới chúng tôi sẽ trồng chuối. Hiện tại trong mỏ chỉ khắc phục sửa đường thôi chứ không khai thác”.

Được biết, đầu tháng 11/2018, UBND tỉnh Sơn La cũng đã thu hồi 3 giấy phép khai thác quặng đồng của Công ty Đầu tư khoáng sản Tây Bắc do đơn vị này không bảo đảm tiến độ xây dựng nhà máy luyện đồng kim loại Tây Bắc và xây dựng cơ bản mỏ; không thực hiện nộp tiền cấp quyền khai thác khoáng sản trên 45 tỷ đồng; không thực hiện các cam kết theo báo cáo đánh giá tác động môi trường và đề án cải tạo phục hồi môi trường; không lập hồ sơ thuê đất…

Hiện tỉnh Sơn La có 37 giấy phép còn hiệu lực trong lĩnh vực khai thác khoáng sản. Tuy nhiên, trước thực trạng khai thác có nhiều vi phạm kéo dài nhiều năm như hiện nay, thiết nghĩ địa phương cần kiên quyết và mạnh tay hơn trong vấn đề thanh, kiểm tra và xử lý vi phạm thay vì đổ lỗi và thoái thác trách nhiệm.

Văn Hoàng