Giao rừng sai, người dân phản ứng

ThienNhien.Net – UBND xã Ninh Phú (thị xã Ninh Hòa, Khánh Hòa) đang đối mặt với những phản ứng gay gắt của người dân do giao rừng đước mới trồng cho Hội Nông dân không đúng quy định.

Giao rừng đước sai quy định

Thời gian qua, rất nhiều người dân thôn Hang Dơi, xã Ninh Phú đã có những phản ứng gay gắt trước việc UBND xã giao toàn bộ diện tích rừng đước vừa được trồng cho Hội Nông dân quản lý.

Ông Trần Nhựt Kim bất bình: “Trước đây, chúng tôi có gửi đơn lên xã đề nghị kiểm soát việc giao đất trồng rừng ngập mặn bởi một số cán bộ xã đã có dấu hiệu lạm dụng quyền hạn để “ôm” đất dự án, không công khai chia đất cho người dân địa phương. Đây là một dự án mang tính xã hội hóa nông thôn, giúp cho người dân địa phương có điều kiện cải thiện đời sống, ổn định an ninh xã hội, thúc đẩy phát triển kinh tế. Không biết UBND xã nghĩ thế nào mà lại đi giao toàn bộ rừng đước vừa trồng cho một số cá nhân; trong khi đó, hiện nay, người dân ở đây vẫn đang gặp khó khăn về việc làm. Các cá nhân này tự ý triển khai việc đóng cọc, phân lô diện tích đất mặt nước tại khu vực thôn Hang Dơi khiến người dân hoang mang, bất bình”.

Còn bà Hồ Thị Kính cũng có những phản ứng tương tự: “Hiện nay, nhiều nông dân thôn Hang Dơi phải đi làm thuê, làm mướn để sinh sống. Nhà nước có dự án trồng rừng ngập mặn lẽ ra phải giao cho mỗi gia đình 1 lô để tham gia trồng. Chính quyền không giao đất trồng rừng cho dân mà tự ý phân chia cho một số cá nhân mà không hề phổ biến hay công khai rộng rãi. Khi chúng tôi có ý kiến, UBND xã mới tổ chức họp dân. Bản thân ông Tô Mỹ Hoàng – Chủ tịch Hội Nông dân xã đã đứng ra xin lỗi người dân, nhận thiếu sót trong việc giao đất trồng rừng đước. Tuy nhiên cuối cùng, UBND xã vẫn giữ nguyên quan điểm không chia đất trồng rừng cho người dân, để một số cá nhân tiếp tục đóng cọc phân lô rừng đước”.

Một phần rừng đước mới được trồng ở thôn Hang Dơi
Một phần rừng đước mới được trồng ở thôn Hang Dơi

Qua tìm hiểu, chúng tôi được biết, thực ra, việc trồng rừng đước không nằm trong dự án nào. Bản thân chính quyền các cấp cũng chưa có chủ trương giao đất trồng rừng. Ngày 5/6/2012, hưởng ứng ngày Môi trường thế giới, UBND thị xã Ninh Hòa phối hợp với xã Ninh Phú chọn khu vực bãi bồi thôn Hang Dơi làm nơi thí điểm trồng và phục hồi diện tích rừng ngập mặn. Diện tích ban đầu được trồng khoảng gần 4ha với 30 ngàn cây. Dự kiến, vào ngày Môi trường thế giới các năm tiếp theo, bãi bồi này sẽ còn thường xuyên được trồng mới cây đước.

Sau khi rừng đước được trồng, UBND thị xã giao cho UBND xã Ninh Phú quản lý toàn bộ diện tích. Thế nhưng, do chỉ quản lý chung chung nên rừng đước vừa trồng đã bị người dân làm hư hại khá nhiều. Chỉ trong một thời gian ngắn, diện tích rừng mới trồng đã bị thu hẹp, nguy cơ xóa sổ toàn bộ 4ha đước là rất cao.

Trước thực trạng đó, Hội Nông dân xã đã xin UBND xã giao lại toàn bộ diện tích rừng ngập mặn này cho Hội quản lý mà không lấy tiền công. Sau này, rừng đước lớn, người quản lý sẽ khai thác các loại hải sản trong khu vực rừng được giao. Thấy kiến nghị hợp lý, UBND xã đồng ý giao rừng đước cho Hội Nông dân; sau đó, Hội đã giao lại cho 16 cá nhân đóng cọc phân lô để bảo quản. Việc giao đất rừng này không hề thông qua rộng rãi người dân. Đây chính là nguyên nhân khiến cho người dân cảm thấy bất bình và hiểu sai lệch sự việc.

Cần có giải pháp quản lý hiệu quả

Ông Tô Mỹ Khánh – Chủ tịch UBND xã: “Trồng rừng ngập mặn là vấn đề rất cấp thiết. Rừng đã trồng cần phải được giao cho các tổ chức, cá nhân quản lý cụ thể. Nếu cứ để tình trạng quản lý chung, khu vực rừng đước mới trồng ở thôn Hang Dơi khó có khả năng phát triển bền vững. Đề nghị các cấp sớm có phương án khả thi để rừng đước phát triển”.

Ngay sau khi nhận được những ý kiến không đồng tình của người dân thôn Hang Dơi, UBND xã Ninh Phú đã tổ chức họp dân để giải thích. Tuy nhiên, qua 4 cuộc họp, giữa người dân và chính quyền địa phương vẫn không tìm được tiếng nói chung.

Ông Tô Mỹ Khánh – Chủ tịch UBND xã Ninh Phú thừa nhận: “Đây là thiếu sót của chúng tôi. Đúng ra, trước khi giao rừng, UBND xã phải làm tờ trình lên UBND thị xã để xin chỉ đạo, vì xã không có chủ trương và không có thẩm quyền giao đất, giao rừng cho người dân. Việc giao rừng cho Hội Nông dân chỉ đơn thuần là để họ quản lý số cây vừa được trồng, tránh sự hư hại. Những người được giao rừng cũng không được hưởng tiền công trông coi và chăm sóc. Nhưng do Hội Nông dân tự ý phân chia cho 16 cá nhân mà không tổ chức họp dân để thông báo nên làm cho người dân hiểu nhầm”.

Trước những phản ứng của các hộ dân thôn Hang Dơi, mới đây, ông Trần Công Hoán – Chủ tịch UBND thị xã Ninh Hòa đã chỉ đạo UBND xã Ninh Phú giải quyết vụ việc. Theo đó, UBND thị xã yêu cầu UBND xã hủy toàn bộ các quyết định liên quan đến việc giao rừng đước cho Hội Nông dân; đồng thời khắc phục hậu quả bằng cách tháo gỡ toàn bộ các cọc đã cắm phân lô, trả lại hiện trạng mặt nước như trước đây và tổ chức họp dân thôn Hang Dơi để công khai việc khắc phục theo chỉ đạo của UBND thị xã. Sau khi thực hiện thu hồi phần rừng đước đã giao, UBND xã tiếp tục quản lý theo đúng quy định của pháp luật.

Như vậy, vấn đề người dân bức xúc hiện đã được các cấp giải quyết. Tuy nhiên, về lâu dài, để cho UBND xã quản lý rừng chung như vậy sẽ không phải là phương án khả thi. Nếu toàn bộ diện tích rừng đước này không được tổ chức đấu thầu giao cho tổ chức, cá nhân quản lý thì nguy cơ bị hư hại sẽ khó tránh khỏi.