Giao khoán rừng và những hiệu quả ngược

Năm 2010, Việt Nam đã trở thành quốc gia đầu tiên tại Châu Á triển khai chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng ở cấp quốc gia. Tuy nhiên, trong quá trình áp dụng thực tế, chính sách này đã nảy sinh nhiều lỗ hổng, bất cập khiến việc giao khoán rừng cho cộng đồng quản lý bảo vệ ở nhiều nơi lại rơi vào tình trạng “hiệu quả ngược.”

Trong khi đó, các nhà máy thủy điện nhỏ thì cố tình chây ì nộp tiền dịch vụ môi trường rừng với mục đích…“chiếm dụng vốn?”.

Tội ác dưới những tán rừng xanh…

Giao rừng tự nhiên cho cộng đồng để…phá

Vì sao lâm tặc dễ dàng xâm hại rừng tự nhiên, “xẻ thịt” cây cổ thụ

Thủy điện phá sơn lâm: Biến rừng cổ thụ thành nghĩa địa

Giao khoán rừng và những hiệu quả ngược

Nhìn lại những vụ “thảm sát đại ngàn” sau lệnh “đóng cửa rừng”

Mất rừng: Rối từ cơ chế rối đi

“Ăn của rừng rưng rưng nước mắt…”

“Vương quốc Pơ mu cổ thụ” Tây Giang: Báu vật được gìn giữ

Trám ‘”lỗ hổng” Luật, giúp dân sống cùng rừng

Rừng trồng: Xin chớ bóc ngắn cắn dài

Đưa rừng hòa nhập dòng thác cách mạng công nghiệp lần 4

So bì quyền lợi bở chênh lệch đơn giá quá lớn

Theo đánh giá của Quỹ bảo vệ phát triển rừng Việt Nam, sau gần 10 năm triển khai chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng, kết quả thực hiện được đã cho thấy đây là chính sách đúng đắn, phù hợp với thực tiễn công tác quản lý và bảo vệ rừng bền vững. Tuy nhiên, chính sách này vẫn còn gặp nhiều khó khăn, vướng mắc do các hoạt động giám sát chưa được quan tâm và đầu tư đúng mức.

Đơn cử như sự việc phá rừng tự nhiên trong tháng 7/2018 tại xã Hiếu, huyện Kon Plông, tỉnh Kon Tum. Trong vụ việc này, một phần diện tích lớn rừng tự nhiên đã được giao cho cồng đồng thôn Vi Glơng quản lý và bảo vệ để hưởng chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng, thế nhưng trớ trêu thay, chính cộng đồng nơi đây lại là những kẻ phá rừng.

Khu rừng chi trả dịch vụ môi trường rừng. (Ảnh: Vietnam+)

Những bất cập chủ yếu là do nguyên nhân chưa có sự thống nhất về đơn giá chi trả tiền, chưa được đưa vào quy định của Luật hiện hành. 

Đáng ngại hơn, hoạt động phá rừng trên diễn ra cách Ủy ban Nhân dân xã Hiếu chưa tới vài cây số. Từ quốc lộ 24 rẽ vào đường Trường Sơn Đông, hai ven đường, rừng tự nhiên cơ bản đã bị phá sạch, cả khu rừng rộng lớn đâu đâu cũng vang vẳng tiếng cưa máy, ấy vậy mà cơ quan chức năng không hề xuất hiện ngăn chặn, xử lý.

Trong khi chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng để bảo vệ rừng tại Kon Tum đang góp phần giúp cho người dân “tàn phá rừng dễ dàng hơn,” thì tại tỉnh Quảng Nam, việc chi trả dịch vụ môi trường rừng cũng chưa rõ ràng, thậm chí số tiền mà các hộ dân nhận khoán bảo vệ rừng còn không đúng với thực tế quy định.

Theo Quỹ Bảo vệ và phát triển rừng tỉnh Quảng Nam, đến nay tỉnh đã giao khoán bảo vệ rừng đến từng nhóm hộ gia đình với tổng diện tích gần 300.000 hécta (tương đương 72% diện tích rừng tự nhiên toàn tỉnh). Tỉnh này cũng đã giải ngân hơn 100 tỷ đồng cho các chủ rừng, người dân trong công tác chăm sóc, bảo vệ rừng.

Mặc dù đã nhận tiền chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng, nhưng thay vì bảo vệ, chính cộng đồng lại đi phá rừng, khai thác gỗ trái phép. (Ảnh: Vietnam+)

Ngoài kinh phí của tỉnh chi trả thì các cơ sở như: nhà máy sản xuất thủy điện, nước sạch và hoạt động dịch vụ du lịch sinh thái trên địa bàn Quảng Nam đã đóng góp mỗi năm từ 40-50 tỷ đồng (tính từ 2013 đến nay). Số tiền này phục vụ lại cho trồng rừng thay thế, trả tiền công cho người nhận khoán bảo vệ rừng, nhất là các rừng phòng hộ đầu nguồn thông qua các chủ rừng.

Từ khi triển khai thực hiện thu phí dịch vụ môi trường rừng, Việt Nam đã có một nguồn kinh phí “khổng lồ” để thực hiện các công tác quản lý và bảo vệ rừng. Theo con số được công bố, số tiền chi trả cho việc chăm sóc, bảo vệ rừng là rất lớn vào khoảng hơn 400 tỷ đồng nhưng nó thực sự đến tay những nhóm hộ được giao chăm sóc, bảo vệ rừng tại tỉnh Quảng Nam thì lại vô cùng thấp so với thực tế quy định.

Ông Trần Ngọc Sơn, trưởng thôn 8 (xã Tiên Lãnh, huyện Tiên Phước) kiêm trưởng nhóm hộ nhận khoán bảo vệ rừng phòng hộ Tiên Lãnh cho biết: Từ năm 2017 đến nay, nhóm hộ của ông và các nhóm hộ khác trong xã vẫn chưa nhận được số tiền chi trả cho công sức bảo vệ rừng.

“Theo quy định thì mỗi người dân tham gia bảo vệ rừng sẽ nhận được 300 ngàn đồng/hécta/năm. Thế nhưng, trong năm 2016 mới nhận được đúng số tiền đó, còn trước đó (từ 2010) chúng tôi chỉ nhận được 14 ngàn đồng/ha/năm. Riêng gia đình tôi nhận bảo vệ 20ha nhưng một năm chỉ được nhận hơn 3 triệu đồng. Và từ năm 2017 đến nay chưa nhận được thêm đồng nào,” ông Sơn buồn rầu nói.

Chia sẻ với phóng viên VietnamPlus về chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng, ông Lê Minh Hưng-Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thừa nhận, thời gian qua, trách nhiệm của chủ rừng, địa phương trong việc phối hợp, quản lý bảo vệ rừng còn thiếu sót, chưa chặt chẽ đã khiến rừng bị xâm hại.

“Mặc dù tỉnh đã triển khai chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng, nhưng kinh phí giao khoán còn thấp. Từ năm 2017 về trước, đơn giá giao khoán khoảng 200.000 đồng/hécta, mỗi hộ được khoảng 10 hécta thì tiền công mỗi năm chẳng được bao nhiêu, nên tần suất tuần tra của các hộ cũng giảm, hiệu quả bảo vệ rừng không cao. Đây chính là ‘lỗ hổng’ trong công tác quản lý và thực hiện chính sách giao cho nhóm hộ nhận giao khoán rừng ở miền núi,” ông Hưng nói.

Trong khi đó, tại các tỉnh miền núi phía Bắc, chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng cũng đang gặp vướng mắc “mang tính chủ trương” do quy định về đơn giá chi trả bình quân trên 1 hécta rừng giữa các lưu vực nhà máy thủy điện còn có sự chênh lệch quá lớn, khiến người dân so bì quyền lợi, gây bức xúc.

“Việc áp dụng đơn giá chi trả tiền dịch vụ môi trường rừng cho các chủ rừng theo từng lưu vực nhà máy thủy điện trên địa bàn đang dẫn đến sự chênh lệch lớn về đơn giá chi trả đối với các chủ rừng cung ứng dịch vụ, nơi thấp nhất giá chi trả 71.000 đồng/hécta, nơi cao nhất giá chi trả lại gấp 10 lần (gần 700.000 đồng/hécta) dẫn tới sự so bì đố kỵ giữa các chủ rừng trong cùng một địa bàn, gây ảnh hưởng chung đến bảo vệ và phát triển rừng tại địa phương”- Ông Nguyễn Thanh Lĩnh-Phó Giám đốc Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng tỉnh Lào Cai.

Nhất phá sơn lâm… có nên đổi rừng lấy điện? (Ảnh: Vietnam+)

Việc áp dụng đơn giá chi trả tiền dịch vụ môi trường rừng cho các chủ rừng theo từng lưu vực nhà máy thủy điện trên địa bàn đang dẫn đến sự chênh lệch lớn về đơn giá chi trả đối với các chủ rừng cung ứng dịch vụ…  

Tại tỉnh Điện Biên, sự chênh lệch lớn về đơn giá chi trả bình quân trên 1ha rừng giữa các lưu vực nhà máy thủy điện cũng khiến người dân so bì quyền lợi. Thậm chí một số nơi người dân không nhận tiền dịch vụ môi trường, tiềm ẩn nguy cơ ảnh hưởng tiêu cực đến công tác quản lý và bảo vệ rừng.

Cụ thể, theo thống kê, toàn tỉnh này có hơn 367.469 hécta rừng, trong đó có hơn 242.000 hécta rừng thuộc lưu vực sông Ðà đủ điều kiện cung ứng dịch vụ môi trường rừng. Nhờ có chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng, những năm qua, mỗi hộ nhận khoán bảo vệ rừng ở xã Pú Xi (huyện Tuần Giáo) thu nhập bình quân từ 2-3 triệu đồng/hộ/năm, thậm chí có cộng đồng thu nhập hơn 30 triệu đồng/hộ/năm.

Hay như lưu vực Nhà máy Thủy điện Lai Châu, đơn giá cho 1 hécta rừng đủ điều kiện cung ứng dịch vụ môi trường rừng ở mức 822.703 đồng/hécta/năm. Trong năm 2017, 19 hộ dân ở bản Tả Ló San (xã Sen Thượng, huyện Mường Nhé) tham gia quản lý và bảo vệ trên 2.700 hécta rừng đã nhận được nhận hơn 2,2 tỷ đồng tiền dịch vụ môi trường rừng.

Trái ngược với lưu vực sông Ðà và Thủy điện Lai Châu, thì mức chi trả dịch vụ môi trường rừng thuộc lưu vực Nhà máy Thủy điện Sông Mã lại vô cùng thấp, thậm chí không bằng số lẻ của Thủy điện Lai Châu. Như năm 2015, đơn giá chi trả dịch vụ môi trường rừng thuộc lưu vực sông Mã là 6.594 đồng/hécta/năm, năm 2016 tăng lên 7.680 đồng/hécta/năm và năm 2017 lại giảm xuống còn 5.473 đồng/hécta/năm.

Phóng viên tác nghiệp tại một khu rừng đã bị người dân chặt hạ để làm nương rẫy. (Ảnh: Vietnam+)

Các thủy điện chây ỳ trách nhiệm… “trả nợ rừng”

Khi các hoạt động giám sát chưa được quan tâm và đầu tư đúng mức, việc chi trả tiền dịch vụ môi trường rừng đang có sự chênh lệch quá lớn về đơn giá, khâu quản lý lỏng lẻo tất yếu sẽ dẫn đến việc các nhà máy thủy điện cố tình chây ỳ, chậm chi trả tiền dịch vụ môi trường rừng để “trả nợ rừng” ngày càng trở nên phổ biến, gây tiềm ẩn nguy cơ ảnh hưởng tiêu cực đến công tác quản lý và bảo vệ rừng.

Trớ trêu thực cảnh người nhận tiền chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng lại đi phá rừng, khai thác gỗ trái phép. (Ảnh: Vietnam+)

Chỉ tính riêng tại tỉnh Kon Tum, tính đến giữa tháng 7/2018 vẫn còn 8 nhà máy thủy điện nợ tiền dịch vụ môi trường rừng từ năm 2011 đến nay, với số tiền hơn 11 tỷ đồng. 

Trong đó, có 7 nhà máy thủy điện chưa chi trả đầy đủ tiền dịch vụ môi trường rừng năm 2011 và lãi chậm nộp giai đoạn 2011-2014 trên 3,8 tỷ đồng.

Riêng nhà máy Thủy điện Đắk Ne thuộc Công ty cổ phần Tấn Phát có số nợ tiền dịch vụ môi trường rừng lớn nhất, lên đến hơn 7,2 tỷ đồng. Ttrong đó, tiền nợ gốc từ năm 2011-2014 gần 5 tỷ đồng và tiền lãi chậm nộp hơn 2,3 tỷ đồng.

Theo lý giải của các doanh nghiệp, thì việc chậm nộp tiền dịch vụ môi trường rừng là do Tổng Công ty Điện lực Miền Trung (Tập đoàn Điện lực Việt Nam) chỉ thanh toán tiền dịch vụ môi trường rừng từ tháng 6/2011 trở đi, không thực hiện chi trả từ tháng 1-5/2011. Do vậy, doanh nghiệp không có tiền để chi trả trong khoảng thời gian này và khoản lãi phát sinh từ khoản nợ hàng năm tăng lên.

Trong khi đó, lãnh đạo Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng tỉnh Kon Tum cho biết, Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng tỉnh Kon Tum khẳng định đã nhiều lần gửi văn bản và cử người trực tiếp đến các doanh nghiệp yêu cầu thực hiện chi trả tiền dịch vụ môi trường rừng, nhưng các doanh nghiệp nợ tiền dịch vụ môi trường rừng vẫn chưa trả.

Một khu rừng tự nhiên bạt ngày cây cổ thụ ven quốc lộ 24 và đường Trường Sơn Đông bị người dân lấn chiếm, đốt cháy làm nương rẫy. (Ảnh: Vietnam+)

Việc các nhà máy thủy điện cố tình chây ỳ, chậm chi trả tiền dịch vụ môi trường rừng để “trả nợ rừng” ngày càng trở nên phổ biến, gây tiềm ẩn nguy cơ ảnh hưởng tiêu cực đến công tác quản lý và bảo vệ rừng.  

“Việc chậm trễ này rõ ràng nhằm chiếm dụng vốn,” vị lãnh đạo Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng tỉnh Kon Tum nhấn mạnh.

Việc các nhà máy thủy điện cố tình chây ỳ, chậm chi trả tiền dịch vụ môi trường rừng để “trả nợ rừng” ngày càng trở nên phổ biến, gây tiềm ẩn nguy cơ ảnh hưởng tiêu cực đến công tác quản lý và bảo vệ rừng do nguồn kinh phí này trực tiếp ảnh hưởng đến thu nhập và đời sống của người dân nhận khoán quản lý, bảo vệ rừng đa số đều ở vùng sâu, xa rất nhiều khó khăn…

Trước tình hình trên, Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng tỉnh Kon Tum đã đề nghị Ủy ban Nhân dân tỉnh kiến nghị Bộ Công Thương yêu cầu Tập đoàn Điện lực Việt Nam chỉ đạo Tổng công ty Điện lực miền Trung thanh toán bổ sung tiền dịch vụ môi trường rừng và lãi chậm nộp để doanh nghiệp thủy điện có kinh phí chi trả.

Phớt lờ lệnh cấm, tình trạng phá rừng, khai thác gỗ trái phép vẫn diễn ra. (Ảnh: Vietnam+)

Việc chây ỳ “trả nợ rừng” đã là phổ biến không chỉ riêng một vài địa bàn mà hầu như khắp các tỉnh thành trên cả nước như Hà Giang, Lào Cai, Cao Bằng, Điện Biên, Quảng Nam, Đắk Lắk, Lâm Đồng…khiến chính quyền địa phương đã phải “kêu cứu” tới tận Trung ương, xin phối hợp để…“đòi nợ.” 

Đơn cử như tỉnh Hà Giang, tuy coi thủy điện là một trong 4 mũi nhọn phát triển kinh tế để tạo sự đột phá cho tỉnh nghèo, nhưng thời gian qua, các cơ quan ban ngành của tỉnh này cũng đã ngán ngẩm với tình trạng thủy điện “trốn” nộp tiền chi trả dịch vụ môi trường rừng. Cực chẳng đã, mới đây, Ủy ban Nhân dân tỉnh Hà Giang đã phải soạn thảo công văn gửi liên Bộ Công Thương, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn xin phối hợp, để “ép” doanh nghiệp chấp hành nghĩa vụ “trả nợ rừng.”

Theo tinh thần công văn, nhà máy thủy điện Thái An (công suất 82 MW) nằm trong tốp dự án thủy điện lớn của tỉnh. Để có rừng, có nước cho thủy điện này hoạt động, hơn 9.000 hộ dân của huyện Quản Bạ và một phần dân huyện Yên Minh đã phải bỏ sức bảo vệ 25,3 nghìn héca rừng. Tuy nhiên, khi đã có thu, nhà máy này lại “quên” dân và không hoàn thành đầy đủ nghĩa vụ dịch vụ môi trường rừng.

Theo báo cáo của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Giang, tính đến đầu năm 2018, số nợ về tiền dịch vụ môi trường rừng của thủy điện Thái An vẫn còn hơn 4,2 tỷ đồng. Sau một thời gian dài đốc thúc và kêu gọi các ban ngành phối hợp “đòi nợ,” đến quý I/2018, thủy điện này mới chịu “mở két” chi trả 500 triệu đồng.

Một cánh rừng rộng lớn bị xâm hại, đào xới nham nhở tại tỉnh Quảng Nam. (Ảnh: Vietnam+)

Tương tự như Thủy điện Thái An, trước khi xây dựng, Công ty Trách nhiệm hữu hạn Thủy điện Nho Quế 3 cũng hứa hẹn với tỉnh, với dân sẽ mở ra nhiều viễn cảnh tươi đẹp cho miền đất này, trong đó có tiền dịch vụ môi trường rừng, nhưng đến nay cũng rơi vào tình trạng nợ đọng, với số tiền lên đến gần 4,8 tỷ đồng.

Cùng chung “kịch bản” nợ, tại tỉnh Đắk Lắk, trong số 20 công trình (chủ yếu là thủy điện) làm mất rừng, phải đóng tiền trồng rừng thay thế hơn 26 tỉ đồng thì đến năm 2017 cũng mới chỉ có 8 đơn vị nộp tiền dịch vụ môi trường rừng với tổng số tiền 9,9 tỉ đồng. Vậy số tiền hơn 16 tỷ đồng còn lại mà các thủy điện khác còn nợ với dân đang “mắc kẹt” ở đâu? Sự chậm trễ này có phải nhằm chiếm dụng vốn?

Chia sẻ với phóng viên VietnamPlus về thực trạng nêu trên, nhiều chuyên gia về rừng, cho rằng việc các nhà máy thủy điện chây ì không trả dịch vụ môi trường rừng chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến thu nhập, đời sống của người dân nhận khoán quản lý, bảo vệ rừng. Từ đó, có thể ảnh hưởng trực tiếp đến công tác bảo vệ và phát triển rừng của địa phương.

Vì thế, các chuyên gia đồng kiến nghị đã đến lúc cần xem lại trách nhiệm của các thủy điện, cũng như các “nhóm lợi ích” liên quan. Khi các nhà máy thủy điện cố tình không trả nợ, thì cơ quan quản lý có thể khấu trừ vào số tiền bán điện của nhà máy ấy, hoặc yêu cầu cơ quan chức năng tạm ngừng hoạt động, chấm dứt hợp đồng mua bán điện cho đến khi trả hết nợ. Thậm chí có thể khởi kiện.

Trên phương diện cơ quan quản lý, ông Đỗ Quang Tùng, Quyền Cục trưởng Cục Kiểm lâm (Tổng cục Lâm nghiêm) nhấn mạnh, trồng rừng thay thế và chi trả dịch vụ môi trường rừng là chủ trương đúng đắn. Theo đó, các dự án xây dựng, nhất là thủy điện làm mất rừng sẽ phải đóng tiền trồng rừng thay thế và chi trả dịch vụ môi trường rừng, nếu không chấp hành, nhà nước sẽ chấm dứt hoạt động, thu hồi dự án.

Trên cơ sở đó, “tới đây Luật Lâm nghiệp sẽ có dự thảo quy định về mức xử phạt đối với các trường hợp chây ỳ nộp tiền chi trả dịch vụ môi trường rừng,” ông Tùng nói thêm.

Thêm một cánh rừng bị người dân cạo trọc làm nương rẫy tại tỉnh Quảng Nam. (Ảnh: Vietnam+)

Theo số liệu thống kê của Tổng cục Lâm nghiệp, tính đến 30/12/2016, tổng số tiền thu từ dịch vụ môi trường rừng trên toàn quốc là 6.510,7 tỷ đồng, trong đó quỹ Trung ương thu được 4.768,5 tỷ đồng, quỹ tỉnh thu 1.742,2 tỷ đồng. 
Số tiền dịch vụ môi trường chi trả cho các chủ rừng là 5.024 tỷ đồng để các hộ gia đình, cá nhân, tổ chức quản lý bảo vệ 5,87 triệu ha rừng. Các địa phương đã được phép sử dụng gần 385 tỷ để hỗ trợ các chủ rừng xây dựng các công trình lâm sinh phục vụ phát triển rừng, bảo vệ rừng và phòng cháy chữa cháy rừng.
Hiện tại, trên cả nước đã có hơn 500.000 hộ gia đình, nhóm hộ gia đình được nhận tiền chi trả dịch vụ môi trường rừng với mức bình quân khoảng 2 triệu đồng/hộ/năm.