Giao rừng tự nhiên cho cộng đồng để… phá

Trong hành trình đột kích sào huyệt các “điểm nóng” phá rừng tự nhiên từ Quảng Nam lên tỉnh Kon Tum, nhóm phóng viên VietnamPlus đã liên tiếp chứng kiến cảnh nhiều cánh rừng tự nhiên bạt ngàn cây cổ thụ ven quốc lộ 24 và đường Trường Sơn Đông đang bị lấn chiếm, chặt phá lấy gỗ quý và làm nương rẫy.

Điều đáng nói là, những khu rừng này phần lớn đã được giao cho cộng đồng quản lý và bảo vệ để hưởng tiền chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng. Vậy mà, thay vì bảo vệ, chính cộng đồng nơi đây lại đi phá rừng, khai thác gỗ trái phép.

Tội ác dưới những tán rừng xanh…

Giao rừng tự nhiên cho cộng đồng để…phá

Vì sao lâm tặc dễ dàng xâm hại rừng tự nhiên, “xẻ thịt” cây cổ thụ

Thủy điện phá sơn lâm: Biến rừng cổ thụ thành nghĩa địa

Giao khoán rừng và những hiệu quả ngược

Nhìn lại những vụ “thảm sát đại ngàn” sau lệnh “đóng cửa rừng”

Mất rừng: Rối từ cơ chế rối đi

“Ăn của rừng rưng rưng nước mắt…”

“Vương quốc Pơ mu cổ thụ” Tây Giang: Báu vật được gìn giữ

Trám ‘”lỗ hổng” Luật, giúp dân sống cùng rừng

Rừng trồng: Xin chớ bóc ngắn cắn dài

Đưa rừng hòa nhập dòng thác cách mạng công nghiệp lần 4

Trớ trêu thực cảnh người nhận tiền bảo vệ rừng lại… phá rừng

Theo chia sẻ của người dân xã Hiếu, huyện Kon Plông, tỉnh Kon Tum, tình trạng phá rừng, lấn chiếm rừng làm nương rẫy tại đây diễn ra rầm rộ từ năm 2014. Thông thường, những cây gỗ lớn, nhỏ trong một khu rừng đều bị chặt hạ, một thời gian sau gốc khô, người dân sẽ đốt thành “bãi đất cháy” để làm rẫy trồng mỳ (sẵn).

Tuy nhiên, những năm gần đây, bà con thường đốt rừng trước khi mùa mưa đến nên những gốc cây gỗ lớn không bị cháy hết vẫn còn ngổn ngang. Hiện những “đồi sắn lấn chiếm rừng” đã cao chừng nửa mét nhưng vẫn chưa thể phủ hết được “xác” của hàng vạn gốc cây cổ thụ đã bị đốn hạ.

Ghi nhận của nhóm phóng viên vào ngày 4/7/2018 cho thấy, nhiều khu rừng bạt ngàn cây xanh vẫn đang tiếp tục bị đốn hạ, tiếng cưa máy xẻ gỗ gầm vang. Xung quanh quốc lộ 24 và đường Trường Sơn Đông, lửa nhanh chóng bùng lên thiêu rụi những khoảnh rừng cổ thụ, thay vào đó là những đồi sắn thưa thớt mọc lên.

Mặc dù đã nhận tiền chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng, nhưng thay vì bảo vệ, chính cộng đồng lại đi phá rừng, khai thác gỗ trái phép. (Ảnh: Vietnam+)

Ngay sau khi ghi nhận tình hình thực tế, nhóm phóng viên đã thông tin với chính quyền địa phương. Chia sẻ với chúng tôi, ông Bùi Văn Vinh, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân xã Hiếu cho biết, diện tích rừng tự nhiên của xã hiện có 15 nghìn hécta, giáp với hai tỉnh Gia Lai và Quảng Ngãi. Trong đó, xã Hiếu được giao quản lý 3.000 hécta. Cũng vì diện tích lớn nên công tác quản lý gặp rất nhiều khó khăn.

Lý do công tác quản lý gặp khó, được ông Vinh lý giải là do tập tục canh tác của người dân. Mặt khác, lực lượng tham gia bảo vệ rừng tại xã Hiếu cũng còn “mỏng,” chỉ có khoảng 10 người, trong đó lâm trường có 7 người, kiểm lâm địa bàn 1, còn lại là dân quân và công an xã, nên công tác giám sát, ngăn chặn tình trạng lấn chiếm rừng, phát rừng làm nương rẫy vẫn còn đó những “lỗ hổng.”

Về việc phá rừng lấy gỗ, ông Vinh cho biết, người dân ở đây có cưa xẻ gỗ trong mùa làm nhà, làm kho lúa, sửa chuồng trâu, còn bình thường chỉ làm rẫy. Khi phát hiện vi phạm, chính quyền cũng đã đưa ra công đồng xử lý, có trường hợp đã răn đe chuyển hồ sơ về cơ quan chức năng để làm việc.

Hiện trường một vụ phá rừng tại xã Hiếu, huyện Kon Plông, tỉnh Kon Tum trong tháng 7/2018. (Ảnh: Vietnam+)Nếu diện tích dân đang canh tác mà nhà nước thu hồi sẽ dẫn đến tiêu cực ngay, đã có trường hợp tự tử rồi. Ở đây dân họ nghĩ tiêu cực lắm, nên nhiều khi chính quyền cũng không dám làm căng,” Bùi Văn Vinh, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân xã Hiếu nói.

“Trên địa bàn có quy chế phối hợp, không riêng gì diện tích của ai cả, đó là nhiệm vụ chính trị chung. Tuy nhiên, nếu diện tích dân đang canh tác mà nhà nước thu hồi sẽ dẫn đến tiêu cực ngay, đã có trường hợp tự tử rồi. Ở đây dân họ nghĩ tiêu cực lắm, nên nhiều khi chính quyền cũng không dám làm căng,” Bùi Văn Vinh, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân xã Hiếu nói.

Chủ tịch Ủy ban Nhân dân xã Hiếu cũng thừa nhận, cuộc sống của bà con trên địa bàn chủ yếu sống dựa vào nương rẫy, nhưng lấy gỗ làm nhà cũng là việc nan giải tác động đến rừng. “Vừa rồi rà soát có 12/799 hộ (hộ nghèo chiếm 58%) không có khả năng làm nhà nên xin gỗ, còn một số thì khai thác gỗ là để làm kho đựng lúa.”

Tiếp lời Chủ tịch Ủy ban Nhân dân xã, bà Nguyễn Thị Thanh Tuyền, Bí thư Đảng ủy xã Hiếu, cho biết quan niệm của người dân địa phương là phát rẫy cũ, và họ phát rẫy sẽ không hạ hết cây, đến khi canh tác đất bạc màu họ quay lại hạ nốt cây to rồi đốt lấy mùn canh tác tiếp. Thời gian canh tác nương rẫy được hai năm lại bỏ.

Nhiều cây cổ thụ bị chặt hạ, cưa xẻ ngổn ngang trong cánh rừng đã được giao cho cộng đồng bảo vệ. (Ảnh: Vietnam+)

“Họ chặt phá như thế là họ sai, trước đây phát ít, nhưng mấy năm gần đây tự nhiên giá mỳ nâng lên cao nên họ làm khá nhiều. Tuy nhiên, ở góc độ chính quyền, nếu phát hiện vi phạm, chúng tôi sẽ xử lý, không chi trả tiền dịch vụ môi trường rừng (tiền giao khoán, nhận chăm sóc, bảo vệ rừng),” bà Tuyền nói thêm.

Thiếu gỗ thì vào rừng mà chặt lấy thôi!

Sau cuộc trao đổi, nhóm phóng viên VietnamPlus đề nghị lãnh đạo xã Hiếu cùng đi kiểm tra đột xuất một số khu rừng trên địa bàn đã được tỉnh Kon Tum giao cho chính quyền xã Hiếu quản lý. Lần này, dù đích thân Chủ tịch Ủy ban Nhân dân xã dẫn đường, chọn điểm, nhưng hoạt động phá rừng trên địa bàn vẫn tiếp tục diễn ra.

Cách Uỷ ban Nhân dân xã Hiếu vài cây số, từ quốc lộ 24 rẽ vào đường Trường Sơn Đông, hai bên đường, rừng tự nhiên cơ bản đã bị phá sạch. Theo người đứng đầu xã Hiếu, khu vực rừng này đã giao cho người dân thôn Vi Glơng quản lý, bảo vệ.

Khu rừng này giao cho cộng đồng bảo vệ, nhưng hàng ngày vẫn bị chặt phá. (Ảnh: Vietnam+)

Lẽ nào vì rừng đã được chính quyền giao cho cộng đồng thôn quản lý, bảo vệ nên người dân nơi đây “có quyền” cầm cưa và kéo nhau vào rừng của mình để phá rừng, khai thác gỗ, xẻ gỗ đưa về làm nhà, làm kho đựng lúa, làm chuồng trâu…?

Khi câu hỏi trên chưa có câu trả lời, thì ngay sát ven đường, một kho đựng lúa kiên cố như căn nhà, xung quanh được che chắn bằng những tấm gỗ lớn tiếp tục được dựng lên. Cách đó không xa, nhiều người khác vẫn đang tiếp tục chuyển hàng chục tấm gỗ lớn vừa mới cưa xẻ từ trong rừng ra để hoàn thiện “căn nhà đựng lúa” này.

Trao đổi với chủ nhân của “căn nhà đựng lúa,” anh A Sót, thôn Vi Glơng cho biết gia đình đã bắt đầu dựng được gần một tuần, toàn bộ gỗ được xẻ trong khu rừng thuộc rừng 30a và không xin phép ai cả, “thiếu gỗ cứ vào rừng mà chặt lấy thôi,” anh A Sót thản nhiên cho biết.

Nhiều cánh rừng tự nhiên bạt ngày cây cổ thụ ven quốc lộ 24 và đường Trường Sơn Đông thuộc tỉnh Kon Tum đang bị người dân lấn chiếm, chặt phá, đốt cháy làm nương rẫy, canh thác tự do. (Ảnh: Vietnam+)

Chưa hết ngạc nhiên trước phát biểu của chủ nhà kho đựng lúa, chúng tội lại nghe tiếng cưa máy xẻ gỗ gầm vang lên khắp khu rừng rộng lớn. Ngay lập tức, ông Bùi Văn Vinh-Chủ tịch Ủy ban Nhân dân xã Hiếu gọi điện cho cán bộ lâm trường yêu cầu người dân tắt máy cưa gỗ, nhưng không hiểu vì lý do gì tiếng cưa máy vang lên quanh thôn Vi Glơng lại nhiều thêm.

Khoảng 10 phút sau, cán bộ lâm trường đến, vừa đi vừa gọi điện cho ai đó nhưng tiếng cưa máy vẫn không dứt. Theo chân cán bộ này, phóng viên đã ghi lại cảnh cộng đồng đang dùng cưa máy xẻ gỗ, có ít nhất là 3 nhóm. Khi lãnh đạo xã yêu cầu cán bộ lâm trường tịch thu cưa máy, nhóm người xẻ gỗ quyết không đưa cưa và xin được bỏ qua. “Có gì thông cảm cho bọn em, đây là gỗ tạp, bọn em mới cưa 4-5 cây, nhà cửa bị xuống cấp quá, mùa mưa cũng gần tới, không phải chặt bán nọ kia đâu. Mình chặt có viết đơn gửi lên thôn trưởng ký rồi gửi lên xã, chính quyền cho phép mình mới làm, chính quyền không cho phép mình sao làm,” người xẻ gỗ phân trần.

Những “đồi sắn lấn chiếm rừng” đã cao chừng nửa mét nhưng vẫn chưa thể phủ hết được “xác” của hàng vạn gốc cây cổ thụ đã bị đốn hạ. (Ảnh: Vietnam+)

Đúng lúc đó, Chủ tịch Uỷ ban Nhân dân xã Hiếu đi cùng chúng tôi không rõ vừa đứng khuất ở chỗ nào liền lộ diện và quát lớn: “Bay nói gì mà chính qyền cho phép, không có chính quyền nào cho phép cả, nói thẳng một câu như thế.”

Trước phản ứng dữ dội của vị lãnh đạo xã, người phá rừng giải thích: “Hôm trước em có gửi cho anh A Tăng và A Thảo (Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân xã Hiếu-PV) rồi…”

“Có mấy cây gỗ tạp thôi có gì anh em bỏ qua cho. Bà con dựa vào rừng để tạo dựng cái mái ấm. Để sửa cái nhà đó dự tính chặt khoảng 15-20 cây thôi…”

Người dân tự do vào rừng khai thác gỗ về làm nhà. (Ảnh: Vietnam+)

Xung quanh, nhiều cây gỗ khác cũng có kích cỡ tương tự đã bị cưa xẻ trước đó một hai ngày, đang trong quá trình cưa xẻ nằm ngổn ngang.

Trao đổi với phóng viên, Chủ tịch Uỷ ban Nhân dân xã Hiếu khẳng định: “Việc người dân khai thác gỗ về làm nhà không có chính quyền nào cho phép cả, rừng này đã giao cho cộng đồng thôn quản lý. Qua vụ việc này chúng tôi sẽ cho lực lượng chức năng đến lập biên bản, có biện pháp răn đe, và cắt khoản tiền chi trả dịch vụ môi trường rừng đối với những trường hợp vi phạm.”

Nói xong, vị lãnh đạo xã Hiếu cùng cán bộ lâm trường và phóng viên rời hiện trường còn nguyên vẹn gỗ và chiếc cưa máy đã được giấu trong bụi cây lấp ló cán thò ra như những dấu hỏi lơ lửng không dứt trong tâm trí chúng tôi: Liệu việc cưa gỗ, phá rừng ở đây có sẽ như thế nào khi nhóm phóng viên và lãnh đạo xã rời khỏi hiện trường?

Đáp lại nỗi lo đó của chúng tôi chỉ là âm thanh của tiếng cưa máy xẻ gỗ vẫn vang vang đều đều như muốn “xé toạc” không gian đằng đặc của buổi chiều ập tối xuống những cánh rừng rộng lớn…

Một khu rừng bị chặt hạ, chỉ còn lại “xác cây” nằm ngổn ngang tại xã Hiếu. (Ảnh: Vietnam+)
Theo báo cáo của Ủy ban Nhân dân xã Hiếu (huyện Kon Plong, tỉnh Kon Tum), từ đầu năm 2018 đến nay, qua công tác tuần tra, kiểm tra, chính quyền đã phát hiện 6 vụ phá rừng, khai thác lâm sản trái phép với diện tích gần 7.000m2 và 5 vụ cất giữ lâm sản trái quy định nhà nước.

Nguyên nhân dẫn tới tình trạng phá rừng, khai thác và cất giấu lâm sản trái phép trên là do công tác truy quét các “điểm nóng” chưa hiệu quả; việc xử lý các hành vi phá rừng trái pháp luật làm nương rẫy với người đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn hầu như không thu được tiền phạt, nên không đủ sức răn đe.

Trong khi đó, chủ rừng, triển khai các giải pháp quản lý bảo vệ rừng trên lâm phần được giao hiệu quả chưa cao. Tình trạng khai thác, mua bán, vận chuyển lâm sản trái phép còn xảy ra trên lâm phần quản lý; các thành viên Ban Chỉ đạo thực hiện nhiệm vụ kiêm nhiệm nên còn chưa sát sao trong thực hiện nhiệm vụ được giao.