Ngậm ngùi “rừng Đại tướng”

ThienNhien.Net – “Rừng đại tướng Võ Nguyên Giáp” nằm trên địa bàn hai xã Gia Phù và Suối Bau, huyện Phù Yên, tỉnh Sơn La.

Đo đạc một cây sấu hơn 200 năm tuổi bị đổ, thân, gốc đã bị mục ruỗng
Đo đạc một cây sấu hơn 200 năm tuổi bị đổ, thân, gốc đã bị mục ruỗng

Dù đã được công nhận là di tích lịch sử, cắm biển chỉ dẫn du lịch nhưng nó chưa được quan tâm đầu tư, chăm sóc đúng nghĩa…

Ngậm ngùi

Rừng Đại tướng Võ Nguyên Giáp nằm ven QL 37, đoạn qua hai xã Gia Phù và Suối Bau. Đây là cung đường huyết mạch phía đông của tỉnh Sơn La, kết nối các huyện Phù Yên, Bắc Yên với TP Sơn La. Người dân các xã ở Phù Yên quen gọi đây là “Rừng ông Giáp”. Trước năm 1954, rừng có tên gọi là rừng đèo Nhọt hay rừng Khuân Pùa (tiếng Mường).

Trong lần hành quân từ TX Nghĩa Lộ (Yên Bái) lên Điện Biên tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ 1954, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã chọn đây làm nơi đóng quân, nghỉ ngơi. Để tỏ lòng kính trọng, biết ơn và cảm phục công lao của Đại tướng, người dân địa phương đã gọi khu rừng này là “Rừng Đại tướng Võ Nguyên Giáp”.

Ông Đinh Công Són, bản Nhọt 2 cho biết, từ năm 1994, tổ tuần tra bảo vệ rừng ra đời. 21 năm qua, ông và 8 hộ dân khác ngày đêm canh giữ rừng. Một buổi sáng, chúng tôi cùng ông Són và hai người nữa thực hiện một chuyến tuần rừng. Ngày mưa, dòng suối Bùa đục ngầu, nước chảy khá xiết.

Tuy được cắm biển chỉ dẫn du lịch nhưng hoàn toàn không có đường vào khu rừng. Chúng tôi cùng đội bảo vệ rừng phải xé bụi rậm, dây gai chằng chịt, men theo con suối để vào sâu vùng lõi. Ông Són cho biết, trước đây cánh rừng này rộng đến hơn 500ha, nhưng nay chỉ còn khoảng 196ha.

Về động vật rừng, những loài thú lớn gần như không còn. Tồn tại được chỉ là những loài bò sát, thú nhỏ như sóc, chồn, cầy.

Về thực vật, nếu như trước đây, các loài gỗ quý đủ chủng loại, kích thước nhiều vô kể, nay chỉ còn đếm trên đầu ngón tay. Gỗ lớn còn mấy loại như chò, mít, sấu rừng… Một số cây chò, sấu lớn có đường kính vài mét, 4 người ôm không xuể.

Gốc một cây chò chỉ 4 người ôm không xuể trong rừng đại tướng
Gốc một cây chò chỉ 4 người ôm không xuể trong rừng đại tướng

Ông Đinh Đức Tuyển, Trưởng bản Nhọt 2, đồng thời là thành viên tổ bảo vệ rừng ngậm ngùi: “Việc bảo vệ cánh rừng này còn lắm gian nan, vất vả. 9 hộ với 18 người tham gia, dù đi tuần liên tục vẫn không tránh khỏi việc rừng bị xâm phạm. Thông thường, khoảng 3 ngày, tổ sẽ thực hiện một chuyến đi tuần. Nhưng nếu vào mùa nắng hạn, nguy cơ cháy rừng cao đôi khi phải ăn ngủ tại chỗ để túc trực. Hoặc nghe người dân báo rừng “động” cũng phải lên đường ngay lập tức”.

Chuyện đi tuần rừng bị trượt chân ngã, rắn cắn trở thành chuyện thường ngày ở huyện. Vất vả, nguy hiểm là vậy nhưng họ không hề được trang bị bất kỳ dụng cụ bảo hộ hay đồ nghề chuyên dụng. Trợ thủ tuần rừng duy nhất cùng ông Són, ông Tuyển là một chiếc gậy đẽo từ cành cây. Hàng tháng, các hộ trong tổ bảo vệ rừng không được trả lương mà nhận luôn một cục từ tiền dịch vụ môi trường rừng. Sau khi trích về ngân sách xã 30%, số tiền được chia đều cho 9 hộ tham gia. Trung bình, được khoảng 300 nghìn đồng/hộ/tháng.

Ông Són cho biết, vì yêu cánh rừng, muốn bảo vệ cánh rừng mà tham gia thôi, chứ 300 nghìn không đủ tiền điện thoại, xăng xe đi lại, chuẩn bị đồ ăn, nước uống trong mỗi chuyến đi rừng. Việc làm biển tên cho cây cũng phải bỏ tiền túi ra, chờ một ngày nào đó được trả lại.

Thiếu quan tâm

Ông Phạm Đức Thành, kiểm lâm viên địa bàn cho biết, vì khu rừng nằm ở ranh giới nhiều xã, đặc biệt là xã Suối Bau, nơi đồng bào Mông có tập tục phát rừng làm nương rẫy nên việc bảo vệ gặp nhiều khó khăn. Trước đây, khi người Mông ở trên cao, rừng rộng đến hơn 500ha, các loại gỗ quý rất nhiều. Nhưng nay, nhiều nương rẫy của người dân đã ăn sâu xuống bìa rừng, giáp quốc lộ.

Theo ông Thành, để bảo vệ cánh rừng mang tên Đại tướng, tỉnh Sơn La cũng như các bộ, ngành liên quan phải vào cuộc thu hồi diện tích nương rẫy lấn chiếm, tiến hành trồng thêm cây mới. Đồng thời, khoanh nuôi và giao lại cho các hộ dân chăm sóc, bảo vệ.

Tấm biển chỉ dẫn khu rừng đại tướng trên đèo Nhọt
Tấm biển chỉ dẫn khu rừng đại tướng trên đèo Nhọt

Phó chủ tịch UBND xã Gia Phù, ông Đinh Ngọc San cho biết: Trước đây, “Rừng ông Giáp” được giao cho lực lượng kiểm lâm quản lý, bảo vệ. Vài năm sau thì tỉnh giao lại cho xã, thành lập các đội tuần tra bảo vệ rừng. Ngân sách eo hẹp, xã phải dùng tiền dịch vụ môi trường rừng trả “lương” cho những hộ này. Mấy năm nay, nghe phong phanh dự án đầu tư khu rừng thành khu du lịch nhưng chưa thấy động tĩnh.

“Hôm khu rừng được tỉnh trao bằng di tích lịch sử, chúng tôi cũng được mời lên huyện dự. Nhưng chỉ được nhìn từ xa chứ xã cũng không được lưu giữ tấm bằng đó”, ông Đinh Ngọc San, Phó chủ tịch UBND xã Gia Phù nuối tiếc.

Cả khu rừng, thứ duy nhất để nhận ra là tấm biển chỉ dẫn du lịch cắm trên đèo Nhọt. Mũi tên tấm biển chỉ thẳng vào khu rừng nhưng không hề có lối đi. Ông San cũng thừa nhận, cái khó hiện nay là sự phối kết hợp giữa các xã giáp ranh lỏng lẻo khiến tình trạng xâm phạm rừng vẫn lác đác diễn ra. Xã Gia Phù cũng lên ý tưởng xây dựng một biểu tượng hoặc một ngôi nhà nhỏ giới thiệu di tích nhưng đến nay chưa thực hiện được. Một phần do kinh phí thiếu, phần khác do không xác định được vị trí xây dựng.