Mất rừng: Rối từ cơ chế rối đi

Sau gần 5 năm, từ khi Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo đóng cửa rừng tự nhiên, tình trạng xâm lấn rừng, khai thác lâm sản trái phép làm suy giảm diện tích rừng tự nhiên tại nhiều địa phương trên cả nước vẫn diễn biến hết sức phức tạp, trong đó nhiều vụ việc diễn ra trong suốt thời gian dài, gây ra hậu quả nghiêm trọng.

Theo đánh giá của giới chuyên gia nghiên cứu về rừng, nguyên nhân dẫn đến “làn sóng” phá rừng là do lâm tặc được tổ chức tinh vi, coi thường kỷ cương phép nước. Nhưng “lỗ hổng” lớn nhất là do bất cập về cơ chế, chính sách; yếu kém trong công tác quản lý, trong khi lực lượng kiểm lâm còn thiếu tính sâu sát, lơ là trách nhiệm.

Tội ác dưới những tán rừng xanh…

Giao rừng tự nhiên cho cộng đồng để…phá

Vì sao lâm tặc dễ dàng xâm hại rừng tự nhiên, “xẻ thịt” cây cổ thụ

Thủy điện phá sơn lâm: Biến rừng cổ thụ thành nghĩa địa

Giao khoán rừng và những hiệu quả ngược

Nhìn lại những vụ “thảm sát đại ngàn” sau lệnh “đóng cửa rừng”

Mất rừng: Rối từ cơ chế rối đi

“Ăn của rừng rưng rưng nước mắt…”

“Vương quốc Pơ mu cổ thụ” Tây Giang: Báu vật được gìn giữ

Trám ‘”lỗ hổng” Luật, giúp dân sống cùng rừng

Rừng trồng: Xin chớ bóc ngắn cắn dài

Đưa rừng hòa nhập dòng thác cách mạng công nghiệp lần 4

Rối từ cơ chế quản lý, giao khoán rừng

Đề cập đến thực trạng mất rừng tự nhiên, chuyên gia lâm nghiệp Đoàn Diễm, Hội Khoa học Lâm nghiệp Việt Nam phân tích: Giả sử bây giờ Nhà nước giao hết 14 triệu hécta rừng cho 5 triệu hộ dân đang sinh sống trong rừng thì trung bình mỗi hộ cũng chỉ được hơn 2 hécta rừng, rõ ràng không thể đủ nguồn đất để giải quyết việc giao đất rừng và ổn định sinh kế.”

Nói rõ thêm, ông Diễm đưa ví dụ cụ thể: Đơn cử như ở tỉnh Lâm Đồng, mỗi hộ được khoán tới 20 hécta rừng tự nhiên và được chi trả dịch vụ môi trường với định mức cao nhất cả nước (khoảng 400.000/hécta), nhưng tổng thu nhập của họ cũng chỉ 8 triệu/hộ/năm, so với tiêu chí hộ nghèo 700.000/người/ha/năm thì họ cần trên 40 triệu. Rõ ràng là không sống được!

Chặt phá gỗ nghiến tại rừng đặc dụng Phong Quang, tỉnh Hà Giang. (Ảnh: Vietnam+)

“Bất cập lớn nhất hiện nay là diện tích đất rừng có hạn nhưng dân số vùng núi lại gia tăng. Đây là bài toán rất nan giải, bởi một khi không giải quyết được vấn đề sinh kế thì không thể giữ rừng được” – ông Đoàn Diễm, Hội Khoa học Lâm nghiệp Việt Nam.

Theo đánh giá của ông Diễm, mặc dù Luật Bảo vệ và Phát triển rừng đã ưu tiên giao đất cho đồng bào dân tộc nhưng hiện nay mới giao đất lâm nghiệp và rừng cho khoảng 1,5 triệu hộ gia đình ở miền núi. Trong khi, đối với rừng tự nhiên, người dân hầu hết chỉ có nguồn thu từ khoán bảo vệ rừng và chi trả dịch vụ môi trường rừng.

Vị chuyên gia của Hội Khoa học Lâm nghiệp Việt Nam cũng cho biết, theo số liệu hiện trạng rừng toàn quốc năm 2016, số rừng giao cho hộ gia đình là 2,93 triệu ha và giao cho cộng đồng dân cư là 1,13 triệu hécta. Tuy nhiên, nhiều khu rừng giao cho cộng đồng lại nảy sinh bất cập do chủ yếu được giao rừng tự nhiên nghèo, cơ chế hưởng lợi không hấp dẫn, giao xa khu dân cư…Chính vì thế, tình trạng mất rừng, lấn chiếm rừng, khai thác rừng trái pháp luật còn xảy ra ở nhiều nơi.

Ở một góc độ khác, bà Cao Thị Lý, Đại học Tây Nguyên cho biết, tình trạng phá rừng, xâm canh, lấn chiếm đất lâm nghiệp dẫn đến tranh chấp đã và đang diễn ra ở rừng và đất lâm nghiệp của tất cả các chủ thể quản lý, tất cả các loại rừng, đặc biệt phức tạp đối với rừng sản xuất ở khu vực Tây Nguyên.

Tình trạng khai thác gỗ trái phép vẫn diễn biến hết sức phức tạp tại nhiều địa phương trên cả nước. (Ảnh: Vietnam+)

“Thời gian qua, hầu hết rừng đặc dụng ở Tây Nguyên đều có tình trạng này, tuy mức độ và phạm vi lấn chiếm có khác nhau. Trong đó, các tỉnh ‘nóng’ về tình trạng mâu thuẫn trong sử dụng đất lâm nghiệp là Gia Lai, Đắk Lăk và Đắk Nông,” bà Lý nói.

Bà Lý cũng cho biết, hiện đa số các khu rừng đặc dụng đã giải quyết, tiến hành cắm mốc ranh giới, song một số khu đến nay vẫn chưa giải quyết được, vì chưa có sự thống nhất giữa các bên liên quan. Nhiều địa phương sau khi kiểm tra, cưỡng chế, thu hồi, tình trạng phá rừng và lấn chiếm đất lâm nghiệp có giảm, tuy nhiên nguy cơ tái diễn còn tiềm ẩn ở nhiều nơi.

Đồng quan điểm, giáo sư tiến sĩ Bảo Huy, Đại học Tây Nguyên nhấn mạnh: Tình trạng tranh chấp đất đai xảy ra là do giao rừng không đúng với nhu cầu, vị trí truyền thống của cộng đồng. Sau 15 năm thực hiện chính sách giao đất giao rừng cho hộ-cộng đồng ở Tây Nguyên, rừng và đất rừng vẫn chưa thực sự đóng góp vào sinh kế của người dân.

Bất cập ngay ở cơ chế nên rừng được giao vẫn mất, vẫn suy thoái. Báo cáo của Ban Chỉ đạo Tây Nguyên cho thấy, so với năm 2015, diện tích rừng ở khu vực Tây Nguyên đã giảm 3.323 hécta, bình quân mỗi năm giảm hơn 1.000 hécta. Đặc biệt đất lâm nghiệp được giao cho các chủ rừng quản lý đều xảy ra tranh chấp…

Đúc rút những bài học kinh nghiệm về sự thất bại và thành công của chương trình giao đất giao rừng, giáo sư tiến sĩ Bảo Huy nhận định: Rừng vẫn mất là do giao rừng tự nhiên cho hộ gia đình, trong khi ở một số nơi rừng được quản lý và bảo vệ khá tốt là do rừng được giao cho nhóm hộ, cộng đồng.

Bên cạnh đó, lâm nghiệp chưa tạo ra sinh kế bền vững cho người dân là do rừng được giao là rừng nghèo, trong khi nhà nước không có chính sách đầu tư cho bảo vệ, phục hồi.

Ngược lại, ở một số khu vực, rừng vẫn tạo ra thu nhập từ gỗ thương mại vì khu vực được giao phù hợp với rừng truyền thống như Buôn Tul, Đắc Lắk hay Bu Nor, Đắk Nông…

“Lỗ hổng luật” đủ rộng cho cả đại ngàn cổ thụ đi qua

Nhìn nhận từ góc độ ngành, ông Lê Đình Thơm-Phó Cục trưởng Cục Kiểm lâm cho biết, có hai nhóm nguyên nhân gây mất rừng, suy giảm diện tích rừng. Trước hết đó nhu cầu về gỗ tự nhiên luôn hiện hữu, tiếp đó là nhu cầu mở rộng đất để sản xuất cây công nghiệp, nông nghiệp có giá trị cao… khiến thực trạng lấn chiếm rừng không ngừng gia tăng, điển hình nhất là tỉnh khu vực Tây Nguyên.

Nhóm nguyên nhân tiếp theo là do chuyển đổi rừng cho các dự án phát triển như thủy điện (chiếm 68%) và do các hành vi trái pháp luật, cháy rừng…(chiếm 32%), theo thống kê 2012-2017.

“Sau khi có chỉ thị của Thủ tướng và đặc biệt là chỉ thị số 13, các cấp các ngành đã vào cuộc rất quyết liệt, tuy nhiên một số nơi còn hiện tượng chủ rừng buông lỏng quản lý, phát hiện xử lý chưa kịp thời, có tình trạng báo cáo thiếu trung thực, nhiều nơi thiếu tuần tra giám sát, nghiệp vụ yếu tham mưu cho chính quyền chưa kịp thời,” ông Lê Đình Thơm-Phó Cục trưởng Cục Kiểm lâm???

Về khía cạnh Luật, ông Thơm thẳng thắn: Sau 13 năm triển khai, Luật Bảo vệ và Phát triển rừng đã bộc lộ nhiều “lỗ hổng” khiến chưa thể giải quyết được việc bảo vệ phát triển rừng và hài hòa kinh tế xã hội, cải thiện dân sinh.

Tình trạng mất rừng, lấn chiếm rừng, khai thác rừng trái pháp luật xảy ra ở nhiều nơi tại tỉnh Kon Tum. (Ảnh: Vietnam+)

“Đặc biệt là, việc chi trả dịch vụ môi trường đã được triển khai nhưng cho đến thời điểm này vẫn chưa được đưa vào trong Luật,” ông Thơm chia sẻ.

Cùng chung quan điểm, ông Nguyễn Phú Hùng, Vụ trưởng Vụ Khoa học Công nghệ và Hợp tác Quốc tế (Tổng cục Lâm nghiệp) cho rằng, một phần nguyên nhân dẫn tới thực trạng mất rừng, suy giảm diện tích rừng trong thời gian qua là do những “thiếu sót” đằng sau các quy định của Luật Bảo vệ và Phát triển rừng.

“Từ năm 2004 khi Luật Bảo vệ và Phát triển rừng có hiệu lực, các cơ quan nhà nước có thẩm quyền ở Trung ương đã ban hành 100 văn bản quy phạm pháp luật quy định chi tiết hướng dẫn thi hành Luật. Tuy nhiên, quá trình thi hành đã bộc lộ những tồn tại, chưa phù hợp với thực tiễn.” – ông Nguyễn Phú Hùng, Vụ trưởng Vụ Khoa học Công nghệ và Hợp tác Quốc tế (Tổng cục Lâm nghiệp).

Điển hình là các quy định của Luật chưa làm rõ cơ chế thực hiện các quyền định đoạt của Nhà nước với vai trò là đại diện chủ sở hữu đối với rừng tự nhiên; hệ thống quản lý ngành lâm nghiệp, tổ chức của lực lượng kiểm lâm và lực lượng bảo vệ rừng ở địa phương còn thiếu thống nhất, tính ổn định không cao; quy định của luật còn thiếu gắn kết, đồng bộ với các quy định pháp luật liên quan…

“Luật, chính sách trong quá trình vận hành thường không đi kịp với thực tế nên chắc chắn sẽ có những “lỗ hổng” không chỗ này thì chỗ kia kèm theo đó là những hệ lụy mà ngay cả người làm luật cũng không thể biết được. Vì vậy, Luật Lâm nghiệp (có hiệu lực từ năm 2019) sẽ có cách tiếp cận khác là xã hội hóa rừng, từ quy định công tác quản lý, bảo vệ, xử lý vi phạm, cố gắng khi có hiệu lực thì ban hành kèm một loạt quy định, chính sách, dự thảo cơ bản, bao quát được tất cả các mối quan hệ…. Tất nhiên ngay cả khi đó cũng sẽ xảy ra những lỗ hổng khác, nhưng quan trọng là chúng ta có biện pháp, chế tài xử lý, ông Đỗ Quang Tùng, Quyền Cục trưởng Cục Kiểm lâm (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) nhận định.

Đồng quản lý rừng để chia sẻ quyền lợi và nghĩa vụ

Theo ông Đoàn Diễm, Hội Khoa học Lâm nghiệp Việt Nam, Nghị định Quy định chi tiết một số điều của Luật lâm nghiệp ban hành sắp tới cần đảm bảo việc giao rừng, cho thuê rừng, chuyển loại rừng, chuyển mục đích sử dụng rừng và thu hồi rừng được thực hiện trên nguyên tắc công khai, minh bạch, có sự tham gia của người dân và trách nhiệm giải trình.

Đồng thời, Luật lâm nghiệp cũng cần có chính sách ưu tiên đối với đồng bào dân tộc tiểu số trong giao rừng với tinh thần tôn trọng phong tục, tập quán, tín ngưỡng và văn hóa truyền thống của họ.

Ngoài ra, ông Diễm khuyến cáo, đồng quản lý rừng là một phương thức quản lý có hiệu quả, trong đó chủ rừng là Nhà nước sẽ chia sẻ quyền, lợi ích và nghĩa vụ quản lý, bảo vệ, phát triển và sử dụng rừng với cộng đồng dân cư và chính quyền địa phương ở các mức độ khác nhau, mà không làm mất vai trò chủ đạo của chủ rừng Nhà nước. Chính vì vậy, Nghị định đang dự thảo cần có các quy định cụ thể để tổ chức thực hiện được mô hình này.

“Vai trò của cộng đồng cần được xem trọng hơn, cần xem họ thực sự là chủ rừng, có quyền tự quyết định phát triển rừng như tự phát triển sản xuất dưới dạng doanh nghiệp lâm nghiệp cộng đồng. Đồng thời, rừng tự nhiên sản xuất cần được quản lý tập trung, gắn với quyền hưởng dụng truyền thống của cộng đồng,”- Giáo sư,Tiến sĩ Bảo Huy, Đại học Tây Nguyên.

Bên cạnh đó, để quản lý rừng bền vững và phát triển sinh kế thì đất lâm nghiệp để trồng rừng và sản xuất nông lâm kết hợp nên giao cho hộ gia đình, còn rừng tự nhiên thì giao cho nhóm hộ, cộng đồng. Trong đó, ưu tiên giao cho cộng đồng các rừng đầu nguồn, rừng thiêng, rừng quản lý truyền thống của cộng đồng và rừng hiện do Ủy ban Nhân dân xã quản lý.

Ngoài ra, để phát triển sinh kế, người dân nên phát triển nông lâm kết hợp với đa sản phẩm, đa chức năng bao gồm cả chức năng bảo vệ hệ sinh thái để có thể nhận thêm nguồn thu từ các chương trình REDD+, PES.

Giáo sư,Tiến sĩ Bảo Huy, Đại học Tây Nguyên đề xuất nên có chính sách chi trả dịch vụ quản lý bảo vệ rừng với rừng nghèo kiệt. (Ảnh: Vietnam+)

Đặc biệt, ông Huy đề xuất nên có chính sách chi trả dịch vụ quản lý bảo vệ rừng với rừng nghèo kiệt để những cộng đồng không nằm trong lưu vực thủy điện và không nhận được tiền từ chương trình chi trả dịch vụ môi trường rừng vẫn có thể có thu nhập ổn định từ rừng.