Đột nhập “lãnh địa vàng thổ phỉ” Lâm Bình

ThienNhien.Net – Từ khi Tuyên Quang mạnh tay trấn áp vàng tặc, nạn khai thác vàng trái phép gữa thanh thiên bạch nhật trên một số dòng sông đã hạn chế. Tuy nhiên, những nơi rừng núi hiểm trở, thì vấn nạn khai thác vàng trái phép vẫn diễn ra như không hề có chính quyền?

Dùng vòi nước khoét sâu vào lòng núi tìm vàng (Ảnh: A.V)

Bí mật hành trình

Đến huyện Lâm Bình, lân la hỏi chuyện về vùng khai thác vàng trái phép bên hồ thủy điện Na Hang rất ít người biết, người thì chỉ về hướng Tây, người thì nói trên ngọn núi thuộc đất xã Khuôn Hà… Với kinh nghiệm tìm kiếm đối tác dẫn đường, chúng tôi phải ngụy trang là đi tìm người nhà đang làm cửu vạn đào vàng sa khoáng tại huyện Lâm Bình đã gần chục năm qua chưa về nhà.

Với cách nói thuyết phục và đáng thương, một lão nông tên H. nghe thấy mủi lòng đã nhận lời dẫn đến tận nơi có ổ khai thác vàng lớn nhất và lâu năm nhất tại huyện Lâm Bình. Người dẫn đường này còn cho biết, nơi khai thác vàng đó gần với khu rừng rậm rạp, nằm liền kề với hồ thủy điện Na Hang, thuộc địa phận xã Khuôn Hà. Khi mọi việc chuẩn bị xong, đồ nghề cất kín và tuyệt đối không cho người dẫn đường biết nội dung chuyến đi.

Theo hợp đồng đã thỏa thuận, sáng 22/6, chúng tôi đã có mặt tại điểm hẹn ven khu rừng phòng hộ gần vùng nước hồ thủy điện Na Hang – Tuyên Quang, để H. dẫn lên núi tìm đường đến bãi vàng, với mục đích tận mắt chứng kiến đại công trường khai thác vàng trái phép và gắng tìm người nhà theo đề nghị của chúng tôi. Để vượt qua sự cảnh vệ ngặt nghèo của các bưởng vàng, chúng tôi phải chuẩn bị đồ ăn, nước uống, đèn pin và chỉnh trang đồ nghề thật sự gọn nhẹ cho chuyến bách bộ nhiều giờ. Cứ thế, chúng tôi bám theo H. người dẫn đường, rồi cuốc bộ gần 2 tiếng đường rừng, cắt qua các tầng vách đá hiểm trở để bí mật tiếp cận nơi họ đang khai thác vàng trái phép.

Vì nơi đây rừng núi hiểm trở, không có sóng điện thoại di động, trời nắng việc đi bộ rất mệt mỏi, nhưng thuận tiện hơn ngày mưa, nên H. chỉ yêu cần bồi dưỡng 500 nghìn đồng tiền công, còn vào ngày mưa thì bao nhiêu H. cũng chẳng ai dám dẫn đường, vì rừng rậm rạp, đường trơn và nhiều muỗi vắt. H. vừa đi vừa kể cho chúng tôi rằng: Nếu đi tắt bằng đường thủy chỉ mất 50 phút ngồi xuồng máy sẽ tiếp cận nơi làm vàng, tuy nhiên thấy người nào lạ hỏi thuê thuyền đến nơi đào vàng, câu trả lời bao giờ cũng là không biết đường. Vì tại bến thuyền này chỉ có hai chiếc xuồng, có lẽ họ được dặn dò kỹ, nên những chủ thuyền nơi đây sẽ chẳng ai dám chở khách đến nơi đó.

Chính vì vậy, cuộc leo núi xuyên rừng của chúng tôi phải đảm bảo vừa bí mật cả với người dẫn đường, lại phải khéo léo ứng xử tình huống lúc cần thiết, tuyệt đối không cho lộ mục đích vào đó để chụp ảnh, quay phim, lấy tư liệu viết bài. Nếu bị phát hiện chắc chắn sẽ gặp phiền toái. Khi cách xa điểm khai thác khoảng 1 km, những dòng nước đục quánh, lẫn vệt dầu máy đã loan ra khắp một vùng hồ rộng lớn.

H. quay lại cặn dặn kỹ lưỡng mọi người khi vào bãi vàng phải tuân thủ, từ cách ăn nói, và tuyệt đối chấp hành các qui định bí mật tại vùng vàng này như: Tuyệt đối không được hỏi lung tung, không dùng điện thoại để quay phim chụp ảnh, lỡ làm phật ý các cai bưởng là nguy khốn cho mọi người, vì đây là việc đi tìm người nhà phải tuân thủ thật nghiêm túc, đúng qui định nếu họ hiểu lầm sẽ rất nguy hiểm.

Vàng thổ phỉ lẽ nào có chủ?

Sau mấy tiếng vượt núi băng rừng, thật ngỡ ngàng phía trước là đại công trường khai thác vàng trái phép thật hoành tráng, tiếng máy nổ đinh tai nhức óc. Một bãi thải bùn đất, sỏi đá rộng hàng chục ha, dòng nước đục ngầu quyện bùn đất đặc cứ thỏa mái chảy thẳng ra hồ thủy điện Na Hang. Phía trên sườn núi là các đội khai thác vàng dùng công nghệ thủ công, với sự hỗ trợ của máy bơm nước công suất lớn phụt vào sườn núi cao hơn chục mét, đất đá lở xuống, rồi các phu vàng gạt những hòn đá to sang một bên, còn tất cả đất vụng được trộn với nước rồi một máy bơm lớn hút tất cả đất và đá nhỏ bơm lên sàng tuyển.

Ảnh: AV

Mỗi sàng tuyển được lắp đặt bằng khung gỗ, kê ván gỗ, trải thảm bắt vàng bằng tấm nhựa, khuôn chớp dài khoảng chục mét. Khi đất đá lăn qua thảm này, vàng sẽ nặng và lắng lại dưới đáy, cuối ngày các phu vàng thu lại, giũ lấy cát đem đãi lọc gạn vàng cám. Theo quan sát của chúng tôi, chỉ trong khu vực này đang có 3 đội khai thác thủ công, phun nước vào vách núi, ta-luy đất đá núi cao khoảng chục mét cứ lở ì ùm. Phía dưới mặt nước hồ thì đang có hai chiếc tàu cuốc cỡ lớn, gồng mình làm việc miệt mài, các gầu múc sâu xuống mặt nước hồ gần chục mét, vớt lên những loại đá sỏi lẫn bùn đất lổn nhổn đổ lên sàng tuyển để lọc lấy vàng, đất và nước thải ra được đổ trực tiếp xuống hồ.

Do việc khai thác diễn ra từ nhiều năm, những tầng đất đá thải cao đến vài mét cứ thế chất ngồn ngộn như một công trường khai thác qui mô công nghiệp lớn, bỏ lại chất thải ngổn ngang dọc theo thung lũng núi. Dẫn chúng tôi đến mấy lán để liên hệ hỏi thăm về tung tích người nhà, có những chủ lán chỉ nói cụt lủn “không biết gì đừng hỏi nhiều”. Tuy nhiên, cũng có chủ lán nghe tìm người nhà thất lạc, thì rất quan tâm và mời nước, rồi họ tự vén màn bí mật với khách như: Nơi này là khai thác vàng trái phép nhiều năm rồi, nhưng vẫn là điểm rất bí mật. Đối với các phu vàng ở đây cũng được sàng lọc lý lịch khá kỹ lưỡng, chủ yếu là người tại huyện Na Hang, Lâm Bình của tỉnh Tuyên Quang mới được tuyển vào khai thác, mục đích cũng là đảm bảo sự bí mật !?.

Vì không phải ai muốn dựng một đội khai thác cũng được chấp thuận ngay, cái chính các chủ bưởng muốn được làm ở đây đều phải được sự chấp thuận “ngầm” của những người có thế lực tại huyện Lâm Bình. Chúng tôi nghỉ chân tại một lán đào vàng khá lâu, thấy chúng tôi mồ hôi nhễ nhại, mặt mũi bơ phờ vì đói và mệt mỏi, chủ lán Hoàng Văn Trọng, sinh năm 1971, cư trú tại Bản Tủn, xã Năng Khả huyện Na Hang đã vui vẻ chia sẻ thông tin: “…mỗi tháng, các lán ở đây đều phải gom tiền đem ra huyện “làm luật” thì mới được làm…”.

Cũng theo anh Trọng, mỗi tháng lán của Trọng phải nộp cho phía Kiểm lâm huyện Lâm Bình khoảng 700 nghìn đồng và phía Công an huyện Lâm Bình là 1,5 triệu đồng/ tháng. Lán của Trọng đi chung tiền với một lán quen, còn những lán khác và các tàu cuốc khai thác dưới lòng hồ thì Trọng không biết họ phải nộp phí bao nhiêu?.

Với những lời nói mà chúng tôi đã thu thập được tại hiện trường, phải chăng đã có sự “bảo kê” cho nạn khai thác vàng trái phép đang diễn ra tại xã Khuôn Hà huyện Lâm Bình? Chúng tôi xin chuyển những thông tin quí hiếm này đến Chính quyền và cơ quan chức năng tỉnh Tuyên Quang sớm vào cuộc kiểm tra, xem xét để trả lời dư luận và bạn đọc.

Theo báo cáo của tỉnh Tuyên Quang gửi Văn phòng Chính phủ, Bộ TN&MT: Tháng 4/2012, Tuyên Quang đã tiến hành Kỷ luật 21 lãnh đạo UBND cấp xã, tổ viên tổ công tác bằng các hình thức: Khiển trách, cảnh cáo, điều động chuyển công tác vì để xảy ra tình trạng khai thác khoáng sản trái phép…