Cần có giải pháp giúp dân khi đóng cửa rừng tự nhiên tại Lai Châu

Cách đây hơn hai năm, Thủ tướng Chính phủ đã tuyên bố đóng cửa rừng tự nhiên trên toàn quốc. Tuy nhiên do đặc thù vùng miền, sự khó khăn về địa hình, văn hóa nhà ở, vấn đề kinh tế, nhiều địa phương tại tỉnh Lai Châu vẫn để người dân vào rừng khai thác gỗ.

Nhu cầu của người dân và điều kiện thực tế khiến việc đóng cửa rừng tự nhiên của tỉnh Lai Châu gặp rất nhiều khó khăn. Trong ảnh: Người dân khai thác gỗ trái phép ở xã Pìn Hồ, huyện Sìn Hồ.

Xã Tà Tổng, huyện Mường Tè (Lai Châu) có hơn 1.000 hộ dân, khoảng 7.000 người, trong đó hơn 95% là đồng bào dân tộc Mông. Là xã vùng cao khó khăn nhất tỉnh Lai Châu, tỷ lệ hộ nghèo chiếm tới 62%, hiện toàn xã còn ba bản và một số cụm dân cư chưa có đường vì vậy việc đưa vật liệu xây dựng như gạch, đá, cát, sỏi, xi-măng, tấm lợp… để dựng nhà mới khi tách hộ, sửa chữa nhà cửa do hư hỏng, hoặc thiệt hại do thiên tai… rất khó khăn, nhất là những bản không có đường như U Na 1, U Na 2, U Pa Tết, hay các cụm dân cư xa trung tâm của xã. Giá cả vật liệu đến được trung tâm xã cũng đã rất đắt… Nếu vận động bà con dựng nhà bằng tranh che thì lại không bảo đảm theo tiêu chí xóa nhà tạm.

Gỗ được coi là vật liệu chính để dựng nhà, cho nên hằng năm, chính quyền địa phương vẫn phải giải quyết cho hàng chục hộ dân vào rừng khai thác gỗ. Số lượng gỗ đủ dựng, sửa nhà lên đến hàng trăm mét khối. Mặc dù biết làm như vậy là chưa đúng quy định, nhưng chính quyền địa phương vẫn… phải làm.

Chủ tịch UBND xã Tà Tổng Lý Chùy Hừ cho biết: Ðịa phương chỉ tạo điều kiện cho các hộ có nhu cầu thật sự. Sau khi xác minh người dân cần gỗ dựng nhà, chính quyền cho khoanh vùng khai thác và cử cán bộ chuyên môn giám sát, hạn chế tình trạng khai thác tràn lan, với mục đích thương mại…

Liên quan vấn đề này, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Lai Châu Hà Văn Um cho biết: Hiện tại, đơn vị cũng không có giải pháp thay thế hợp lý để tham mưu cho tỉnh đóng cửa rừng tự nhiên hoàn toàn. Cuộc sống của người dân từ xưa đến nay đều phụ thuộc vào rừng, làm nhà cũng từ rừng, chất đốt cũng từ rừng; nếu cấm thì phải có giải pháp thay thế.

Trong khi đời sống người dân còn nhiều khó khăn, nơi sinh sống tản mát; giao thông đi lại không thuận tiện… câu chuyện vật liệu thay thế hoàn toàn không khả quan. Ngay trong đợt mưa lũ vừa qua, toàn tỉnh Lai Châu có 133 nhà bị lũ cuốn trôi hoàn toàn, 562 nhà dân bị hư hỏng, 658 nhà nằm trong khu vực nguy cơ sạt lở, lũ ống, lũ quét cao cần phải di chuyển. Theo đó, nhu cầu về gỗ để dựng nhà, sửa chữa lại nhà ở là rất lớn. Trong khi đó, nếu đóng cửa rừng tự nhiên không cho dân lấy gỗ, thì họ chẳng có gì để dựng, sửa lại nhà, nếu cho lấy thì vi phạm, không có cơ quan, đơn vị nào của tỉnh dám ký văn bản đồng ý cho những hộ này khai thác gỗ.

Việc ổn định nơi ở sau lũ là cấp thiết do đó địa phương phải lựa, phải vận dụng linh hoạt; biết làm là sai so với quy định song, nhu cầu của người dân, yếu tố đặc thù vùng miền… đang buộc địa phương phải làm sai.

Theo Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Lai Châu, cần tập trung quản lý chặt tránh tình trạng lợi dụng để khai thác vào mục đích thương mại. Trên thực tế, nếu các hộ dân có nhu cầu làm nhà do tách hộ, hoặc các hộ bắt buộc phải sửa chữa làm lại nhà do thiên tai; chính quyền các địa phương cần hướng dẫn người dân đăng ký với bản, với chủ rừng để quản lý. Căn cứ vào đăng ký đó, chủ rừng và trưởng bản có trách nhiệm báo cáo chính quyền địa phương để tổng hợp và xác minh nhu cầu.

Qua xác minh, nếu thấy là cấp thiết thì khoanh vùng, hướng dẫn cho người dân khai thác tỉa, và có sự giám sát của lực lượng kiểm lâm và cơ quan chức năng. Trong điều kiện có thể, các bộ, ngành Trung ương cũng nên tham mưu với Chính phủ để có văn bản hướng dẫn cụ thể, thống nhất mang tính đặc thù; từ đó để địa phương có căn cứ thực hiện và quản lý tốt hơn.