Đồng quản lý rừng đặc dụng: Thực tiễn và chính sách

ThienNhien.Net – “Đồng quản lý rừng đặc dụng Việt Nam: Những bài học thực tiễn và gợi ý chính sách” là nội dung hội thảo do Trung tâm Con người và Thiên nhiên (PanNature), phối hợp với Tổ chức Bảo tồn Động Thực vật Hoang dã Quốc tế (FFI) và Hiệp hội Vườn Quốc gia và Khu Bảo tồn Thiên nhiên Việt Nam (VNPPA) tổ chức vào ngày 24/5/2013, tại Hòa Bình.

Hội thảo sẽ tập trung thảo luận những hình thức tiếp cận khác nhau trong thực hiện chính sách liên quan đến đồng quản lý đối với rừng đặc dụng; trao đổi những kết quả và bài học kinh nghiệm thực tiễn trong thực hiện các mô hình đồng quản lý rừng đặc dụng ở Việt Nam, hướng tới gợi ý các khuyến nghị chính sách liên quan đến thực thi đồng quản lý đối với hệ thống rừng đặc dụng.

Đồng quản lý rừng đặc dụng đang được xem như một cách tiếp cận mới có triển vọng đối với vấn đề quản lý bảo vệ các khu rừng đặc dụng trong cả nước do phương pháp này tính đến lợi ích và trách nhiệm của các bên liên quan tới tài nguyên rừng.

Đã có một loạt những chính sách nhà nước mở đường cho việc thực hiện đồng quản lý đối với rừng đặc dụng mà nổi bật là Quyết định 07/2012/QĐ-TTg của Thủ tướng chính phủ giao nhiệm vụ triển khai thí điểm và xây dựng chính sách đồng quản lý rừng cho Bộ NN&PTNT.

Tiếp đó là những quyết định 126/QĐ-TTg về việc thí điểm chia sẻ lợi ích trong quản lý bảo vệ và phát triển bền vững rừng đặc dụng và Quyết định 24/2012/QĐ-TTg về chính sách đầu tư phát triển rừng đặc dụng giai đoạn 2011-2020. Những văn bản này bước đầu cụ thể hóa một số vấn đề trong đồng quản lý rừng đặc dụng ở nước ta.

Đến năm 2010, Việt Nam đã thành lập được 164 khu rừng đặc dụng trên toàn quốc với tổng diện tích quy hoạch gần 2,2 triệu ha. (Ảnh: ThienNhien.Net)
Rừng thuộc Khu Bảo tồn Thiên nhiên Ngọc Sơn – Ngổ Luông (Ảnh: ThienNhien.Net)

Tuy nhiên việc triển khai thực hiện đồng quản lý trên thực tế đối với rừng đặc dụng vẫn còn đang gặp rất nhiều khó khăn và vướng mắc về cách làm, về cơ chế chính sách cũng như hiệu quả thực tế của những mô hình đã tiến hành chưa rõ ràng, đòi hỏi sự hoàn thiện hơn về chính sách và sự nỗ lực hơn nữa của các bên trong cơ chế đồng quản lý.

Hội thảo được tổ chức trong bối cảnh rừng đặc dụng đang phải chịu đựng áp lực bởi hoạt động khai thác trái phép, bị đánh đổi cho các dự án phát triển cơ sở hạ tầng (như giao thông, thủy điện, khoáng sản, du lịch) và chuyển đổi mục đích sử dụng rừng và đất rừng.

Chất lượng rừng và ĐDSH thuộc hệ thống rừng đặc dụng trên cả nước được cảnh báo đang suy giảm nghiêm trọng. Thực trạng này, nếu không ngăn chặn được, sẽ càng làm tăng thêm nghi ngờ về khả năng tồn tại của hệ thống này trong tương lai, cũng như hiệu quả của các nguồn lực đầu tư to lớn dành cho cho rừng đặc dụng.

Hội thảo diễn ra với mong muốn tạo ra diễn đàn để các bên liên quan có thể thảo luận, chia sẻ các kinh nghiệm thực tế, đóng góp cho cơ quan quản lý nhằm cải thiện các chính sách liên quan đến quy hoạch, tổ chức quản lý, tăng cường gắn kết các cơ quan quản lý với các bên liên quan nhằm nâng cao hiệu quả quản lý, bảo vệ rừng đặc dụng ở Việt Nam, góp phần thực hiện các mục tiêu của Kế hoạch bảo vệ và phát triển rừng giai đoạn 2011-2020 theo Quyết định 57/QĐ-TTg ngày 09/01/2012 của Thủ tướng Chính phủ.

Dự kiến tham dự hội thảo có khoảng 80 đại biểu từ các cơ quan quản lý nhà nước, các tổ chức phi chính phủ trong và ngoài nước, đại diện các VQG và KBT, đại diện cộng đồng địa phương.