Xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ Việt Nam đứng đầu khu vực Đông Nam Á

Hiện gỗ và sản phẩm gỗ Việt được tiêu thụ tại 120 quốc gia và vùng lãnh thổ, với 5 thị trường chính là Hoa Kỳ, Trung Quốc, Nhật Bản, EU và Hàn Quốc.

Theo Tổng cục Thống kê, 9 tháng đầu năm 2018, xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ của Việt Nam đạt 6,3 tỷ USD, tăng 13,9% so với cùng kỳ năm 2017.

Trước đó, theo báo cáo của Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam (VIFORES), năm 2017, ngành gỗ đạt 7,66 tỷ USD về kim ngạch xuất khẩu, đứng thứ 6 về kim ngạch xuất khẩu trong tất cả các ngành.

Kim ngạch xuất khẩu của ngành gỗ tăng bình quân khoảng 13%/năm kể từ 2010. Hiện gỗ và sản phẩm gỗ của Việt Nam được tiêu thụ tại 120 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới, với 5 thị trường chính là Hoa Kỳ, Trung Quốc, Nhật Bản, EU và Hàn Quốc.

Kim ngạch xuất khẩu của ngành đã vươn lên đứng đầu khu vực Đông Nam Á, thứ 2 châu Á, thứ 5 trên thế giới. Với kim ngạch này, đồ gỗ của Việt Nam chiếm khoảng 6% thị phần đồ gỗ thế giới.

Gỗ cao su là nguồn nguyên liệu quan trọng cho ngành gỗ Việt Nam. (Ảnh minh họa: KT)

VIFORES đánh giá, gỗ cao su và các mặt hàng đồ gỗ được làm từ gỗ cao su đã và đang có vị thế quan trọng cho cả ngành cao su và ngành gỗ.

Trong những năm gần đây, mỗi năm ngành cao su cung ra thị trường khoảng 4,5-5 triệu m3 gỗ cao su tròn. Đây là nguồn gỗ nguyên liệu đầu vào, nguồn gốc pháp lý rõ ràng rất quan trọng cho ngành gỗ, không chỉ đối với các sản phẩm phục vụ thị trường xuất khẩu mà cả các sản phẩm tiêu dùng nội địa.

Bình quân mỗi năm, gỗ và các mặt hàng làm từ gỗ cao su đem lại kim ngạch 1,7-1,8 tỉ USD, chiếm trên 20% trong tổng kim ngạch xuất khẩu của ngành gỗ, và là 1 trong 3 nhóm mặt hàng xuất khẩu quan trọng nhất của ngành cao su.

Nguồn: VIFORES, VRA, FPA Bình Định, Forest Trends ước tính dựa trên số liệu 2017 của TCHQ, TCTK, VRA.

Theo nguồn số liệu hải quan, kim ngạch nhập khẩu gỗ cao su vào Việt Nam nhỏ: trên 4,5 triệu USD năm 2015, 4,7 triệu USD năm 2016, 6,5 triệu USD năm 2017.