Dấu hỏi về tương lai của năng lượng hạt nhân

Kể từ khi được hòa vào lưới điện (thập niên 1950), điện hạt nhân đã đem lại một cảm giác lạc quan trong tâm trí nhiều người, rằng chúng ta đã có thể khai thác các thành tựu vật lý tiên tiến cho mục đích tạo ra điện giá rẻ.

Năm 1954, Chủ tịch Ủy ban Năng lượng nguyên tử Lewis Strauss tiết lộ, năng lượng nguyên tử sẽ sớm khiến cho điện trở nên “quá rẻ để phải đo lượng tiêu thụ bằng đồng hồ”. Một số nhà văn chuyên viết tiểu thuyết cho giới trẻ, đã gán cho công nghệ nguyên tử một loạt các danh hiệu vinh quang, như trong “ Tom Swift and his Atomic Earth Blaster” hay “Tom Swift in the Caves of Nuclear Fire”.

Điện hạt nhân thật ra an toàn hơn nhiều người vẫn nghĩ, tuy nhiên không phải là không có rủi ro, bên cạnh nhiều mặt hạn chế khác nữa. Ảnh: Futurism.

Nhưng đến nay, sự ủng hộ của công chúng đối với năng lượng hạt nhân ngày càng nhạt dần. Những thảm họa như Three Mile Island (1979) và Chernobyl (1986) cho thấy, mặc dù hoạt động gần như hoàn hảo trong suốt vòng đời, công nghệ hạt nhân vẫn tiềm ẩn những rủi ro, kể cả khi rất hiếm gặp. Mặc dù điện hạt nhân vẫn đang chiếm khoảng 20% sản lượng điện ở Hoa Kỳ, song chỉ rất ít lò phản ứng được xây dựng mới kể từ thập niên 1980. Như vậy, tuổi trung bình của các lò phản ứng ở Mỹ hiện đã là gần 40.

Trước đây, điện hạt nhân đã từng được cho là nguồn năng lượng của tương lai, nhưng xem ra chúng ta có thể dễ dàng tưởng tượng ra một kỷ nguyên mới mà không cần có nó. Lấy ví dụ, dự án xây dựng nhà máy điện hạt nhân Alvin W. Vogtle đang còn dang dở ở Georgia (Mỹ), từng được kỳ vọng sẽ giúp cung cấp điện giá rẻ cho toàn bộ khu vực, nhưng lại đội vốn hàng tỷ USD và hoàn toàn có nguy cơ bị hủy bỏ – theo Wall Street Journal.

Xin đừng nhầm lẫn ở đây, bởi năng lượng hạt nhân vẫn có rất nhiều ưu điểm, như không phụ thuộc vào nguồn nhiên liệu hóa thạch, cũng như thải ít CO2 ra môi trường hơn so với các dạng năng lượng truyền thống là than đá, dầu và khí tự nhiên … Các số liệu thống kê cũng chỉ ra, thực sự điện hạt nhân an toàn hơn mọi người vẫn nghĩ. Tuy nhiên, những nhược điểm của nó cũng khiến nhiều người lo ngại. Chẳng hạn, thảm họa Fukushima Daiichi năm 2011 tại Nhật Bản đã cho thấy, ngay cả khi được trang bị các biện pháp phòng ngừa an toàn, hiện đại nhất, các nhà máy điện hạt nhân vẫn có nguy cơ mất kiểm soát. Bên cạnh đó là những câu hỏi về việc phải làm gì với chất thải phóng xạ – vốn vẫn có khả năng gây nguy hiểm trong suốt cả trăm ngàn năm; hay hoạt động khai thác Uranium cũng có thể gây ô nhiễm nguồn nước ngầm; và việc xây dựng nhà máy điện hạt nhân mới chắc chắn sẽ rất tốn kém.

Ngày nay, chúng ta đang có nhiều lựa chọn năng lượng sạch hơn nhiều so với những năm 1950, khi quang điện và phong điện đang ngày càng rẻ, tuổi thọ cao và lượng phát thải nhà kính thấp, thậm chí hầu như không chứa các chất độc hại. Đó là còn chưa kể tới một nguồn năng lượng tiềm năng khác từ phản ứng nhiệt hạch, cực kỳ sạch và đang dần trở nên khả thi nhờ những thành tựu vật lý và kỹ thuật vật liệu mới nhất.

Sẽ không có vấn đề gì nếu như chúng ta vẫn cần các nhà máy điện hạt nhân như là một sự thay thế tạm thời cho nguồn năng lượng từ nhiên liệu hóa thạch. Nhưng nhìn chung, năng lượng nguyên tử không còn được xem là tương lai của nhân loại nữa, mà thay vào đó, nó dường như đã trở thành quá khứ.