Bảo tồn và phát triển lâm sản ngoài gỗ

ThienNhien.Net – Ngày 11/06/2007, tại Hà Nội đã diễn ra Hội nghị quốc tế về “Vai trò của Lâm sản ngoài gỗ trong Xoá đói giảm nghèo và Bảo tồn đa dạng sinh học”.

Lâm sản ngoài gỗ (LSNG) đóng vai trò quan trọng trong sinh kế cho người dân nghèo ở vùng nông thôn. Đó là nguồn lương thực, thuốc, vật liệu xây dựng và mang lại thu nhập bổ sung cho người dân. Thu nhập từ các sản phẩm rừng được dùng để mua hạt giống, thuê lao động canh tác hoặc tạo nguồn vốn cho các hoạt động kinh doanh. Đối với những hộ nghèo hơn, LSNG có thể đóng vai trò quan trọng trong cả việc cung cấp lương thực và là sinh kế chủ yếu.

Phát biểu tại Hội nghị, Thứ trưởng Bộ Nông Nghiệp và Phát triển Nông thôn Hứa Đức Nhị khẳng định: “Chính phủ Việt Nam chủ trương thúc đẩy phát triển kinh tế nhanh nhưng bền vững. Việt Nam đã có Luật bảo vệ và phát triển rừng sửa đổi năm 2004, Chiến lược phát triển ngành lâm nghiệp Việt Nam đến năm 2020 phù hợp với khung cảnh phát triển mới trong đó có sự hội nhập mạnh mẽ của Việt Nam vào tất cả các mặt phát triển kinh tế, xã hội và môi trường vào khu vực và quốc tế trong tiến trình toàn cầu hoá chung”. Thứ trưởng cũng cho biết, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã phê duyệt Đề án Bảo tồn và phát triển LSNG Quốc gia đến năm 2020 và đang xem xét để sớm thông qua Kế hoạch hành động LSNG quốc gia đến năm 2010.

Việt Nam hiện có khoảng 30/64 tỉnh có hoạt động gây trồng và thu hái LSNG từ rừng, trong đó diện tích thu hái LSNG từ rừng tự nhiên là gần 1,2 triệu ha và diện tích LSNG được gây trồng là gần 500.000 ha. Các loài cây chủ yếu được gây trồng hoặc thu hái là Tre trúc, song mây, Thông lấy nhựa, Quế, Hồi, Thảo quả, Bời lời đỏ… Thực trạng khai thác còn mang tính tự phát, phân tán, chưa có quy hoạch, kỹ thuật giống và lâm sinh còn lạc hậu.

Hiện nay, LSNG của Việt Nam được xuất khẩu sang gần 90 nước và vùng lãnh thổ, song do phần lớn các cơ sở chế biến LSNG đều có quy mô nhỏ, không gắn với vùng nguyên liệu ổn định, công nghệ và thiết bị lạc hậu, chất lượng sản phẩm thấp, mẫu mã bao bì còn hạn chế nên tính cạnh tranh trên thị trường quốc tế chưa cao.

Tại Hội nghị, các đại biểu đã chia sẻ những phương pháp, cách tiếp cận, thông tin sản phẩm – thị trường và các bài học kinh nghiệm khác từ các sáng kiến bảo tồn và phát triển LSNG. Bên cạnh đó, Hội nghị cũng tạo cơ hội cho các nhà sản xuất LSNG trưng bày các sản phẩm của họ và gặp gỡ những khách hàng tiềm năng thông qua Hội chợ thương mại được tổ chức vào ngày thứ 4 của Hội nghị.

Theo TS. Phạm Đức Tuấn, Phó Cục trưởng Cục Lâm nghiệp, để thực hiện được các định hướng chiến lược trong bảo tồn và phát triển LSNG đòi hỏi phải có những giải pháp đồng bộ, từ việc tuyên truyền nâng cao nhận thức, xây dựng chính sách, nâng cao năng lực của bộ máy, huy động mọi nguồn lực toàn của xã hội đầu tư vào phát triển LSNG. Mặt khác sự hỗ trợ của quốc tế có ý nghĩa quan trọng trong việc bảo tồn và phát triển LSNG ở Việt Nam trong giai đoạn trước mắt cũng như lâu dài.