Ô nhiễm không khí tàn phá trí não con người

Một nghiên cứu mới được công bố ở Trung Quốc mới đây cho thấy tình trạng ô nhiễm không khí gây ra những ảnh hưởng tiêu cực đối với khả năng ngôn ngữ và toán học của con người.

Nhiều người dân trên khắp thế giới tiếp xúc với các chất gây ô nhiễm ở mức độ cao. (Nguồn: Reuters)

Không khí độc hại gây suy giảm nhận thức

Mối liên hệ giữa ô nhiễm không khí và các loại bệnh về đường hô hấp vốn không còn gì lạ lẫm, và giờ đây giới khoa học tin rằng ô nhiễm còn gây rủi ro đau tim và đột quỵ đối với con người. Dù tuyên bố cho rằng ô nhiễm không khí có ảnh hưởng tới khả năng nhận thức của não bộ vẫn chưa được làm rõ, nhưng một số nghiên cứu mới đây đã chỉ ra mối liên hệ giữa chúng.

Nghiên cứu mới nhất, được thực hiện bởi các nhà nghiên cứu của Trung Quốc và Mỹ, đã phân tích xem việc tiếp xúc với không khí ô nhiễm ảnh hưởng như thế nào tới kết quả các bài kiểm tra toán và nhận thức chữ viết của khoảng 25.000 người ở 162 khu vực của Trung Quốc. Kết quả nghiên cứu được công bố hôm 28/8.

Các nhà nghiên cứu đã thu thập dữ liệu thời tiết và mức độ ô nhiễm ở một số địa điểm xác định ở Trung Quốc, sau đó cho người dân ở đây tham gia các bài thử nghiệm trong khoảng thời gian 2010-2014, và chấm điểm họ. Mục tiêu của nghiên cứu này là xác định xem liệu việc tiếp xúc với không khí ô nhiễm ảnh hưởng thế nào tới kết quả kiểm tra, và não bộ của người tham gia thử nghiệm.

Kết quả là, các nhà nghiên cứu phát hiện ra rằng ô nhiễm không khí đặc biệt có tác động tiêu cực tới những người lớn tuổi, gây ra suy giảm khả năng nhận thức và còn khiến họ có rủi ro mắc các chứng bệnh như Alzheimer, và một số dạng của bệnh mất trí.

“Nghiên cứu nói trên càng nhấn mạnh về sự cần thiết phải nhanh chóng giải quyết vấn đề ô nhiễm không khí, để bảo vệ sức khỏe của cả người trẻ tuổi và lớn tuổi”- Heather Adair-Rohani, quan chức Phòng Môi trường và Sức khỏe công thuộc Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), cho hay.

Ô nhiễm không khí từ lâu đã được công nhận là một mối đe dọa lớn đối với sức khỏe người dân trên toàn thế giới.

Năm 2016, WHO công bố một báo cáo nói rằng 92% người dân trên thế giới đang phải hít thở bầu không khí độc hại. Báo cáo còn nói rằng không khí trên toàn cầu đang có mức độ tập trung các hạt – còn gọi là PM2.5 – ở mức hơn 10 microgram/mét khối khí.

Cơ quan này hồi tháng Năm vừa qua cũng nói rằng ô nhiễm không khí ngoài trời gây ra khoảng 4,2 triệu trường hợp tử vong ở trẻ em trên toàn thế giới vào năm 2016, trong đó hơn 1 triệu trường hợp là ở Trung Quốc. Họ cũng nói rằng tiếp xúc với không khí độc hai gây rủi ro bệnh tim, đột quỵ, ung thư phổi cùng các chứng bệnh mãn tính về đường hô hấp.

Trong tháng này, một nghiên cứu mà tạp chí Công nghệ Khoa học và Môi trường ước tính rằng ô nhiễm không khí làm giảm tuổi thọ trung bình của con người, phụ thuộc vào từng khu vực trên thế giới – ví dụ ở Nga là giảm 9 tháng, trong khi ở Ai Cập là 1,9 năm.

Ở quốc gia đông dân nhất thế giới

Tuy nhiên, tính đến nay mới chỉ có rất ít nghiên cứu phân tích mối liên hệ giữa ô nhiễm không khí và khả năng nhận thức ở người lớn tuổi. Mới đây nhất, trong năm 2014, một đội ngũ nghiên cứu đến từ Anh và Pháp đã công bố một nghiên cứu trên tạp chí Epidemiology (Dịch tễ học), trong đó nói rằng ô nhiễm do khói bụi đường phố ở London, Anh có liên quan tới giảm khả năng nhận thức của những người tham gia nghiên cứu – ở độ tuổi trung bình 66.

Ở Trung Quốc, nơi có số người dân mắc chứng mất trí cao nhất thế giới, con số này còn dự kiến sẽ tăng lên tới 75,6 triệu người vào năm 2030, từ mức 44,4 triệu người trong năm 2013 – theo báo cáo mà Tổ chức Alzheimer Quốc tế, có trụ sở ở Chicago (Mỹ), công bố hồi đầu năm nay.

Trong nghiên cứu mới nhất mà các nhà khoa học Trung Quốc và Mỹ thực hiện, họ sử dụng kết quả các bài kiểm tra thu được trong khoảng 2010-2014, cùng dữ liệu về chất lượng không khí để đưa ra kết quả cuối cùng.

Kết quả cho thấy ô nhiễm không khí gây ra ảnh hưởng phức tạp đối với điểm số các bài kiểm tra – đặc biệt là với những người lớn tuổi – và rằng nếu giảm mức độ PM10 ở Trung Quốc xuống mức tiêu chuẩn không khí mà Cơ quan Bảo vệ Môi trường Mỹ quy định, kết quả các bài kiểm tra sẽ được nâng từ mức 50 điểm lên 58 điểm đối với toán học, và lên 63 điểm đối với ngôn ngữ học – tất cả được tính trên thang điểm 100.

Trong bối cảnh dư luận ngày càng bức xúc về tình trạng khói bụi cùng các chứng bệnh liên quan tới nó, giới chức Trung Quốc trong những năm gần đây đã chỉ thị đóng cửa hàng trăm nhà máy nhiệt điện chạy bằng than, áp đặt nhiều hạn chế đối với lái xe và hoạt động đốt than đá dân sự.

Tuy nhiên, trong năm ngoái, lượng khí carbon dioxide mà Trung Quốc thải ra vẫn tăng. Trong lúc đất nước này đã nỗ lực đạt được các mục tiêu đầy tham vọng về ngăn chặn biến đổi khí hậu, nhiều thành phố của họ vẫn có mức ô nhiễm không khí đáng báo động.

Trong một nghiên cứu được công bố hồi tháng Tư vừa qua, có khoảng 142 triệu người – tức một nửa dân số tham gia nghiên cứu ở 155 thành phố của Trung Quốc – trong năm 2014 đã tiếp xúc với không khí độc hại trên mức mà WHO quy định là an toàn. Báo cáo còn cho hay khu vực phía Đông và các thành phố lớn của Trung Quốc chịu ảnh hưởng nhiều nhất.