Cùng đường, dân “xử” ô nhiễm

ThienNhien.Net – Canh bắt quả tang, vây nhà máy phản đối, chặn xe chở chất thải… là cách mà nhiều người dùng để đối phó với tình trạng ô nhiễm môi trường khi không được cơ quan chức năng xử lý rốt ráo

Đầu năm 2014, gần 200 người dân ở quận Ô Môn, TP Cần Thơ kéo đến chặn xe rác, không cho vào bãi Ô Môn vì nước rỉ rác chảy ra sông Ngọn Bà Quý gây chết cá, ô nhiễm nguồn nước họ sử dụng. Quá trình xử lý rác còn phát tán mùi hôi ra xung quanh. Ban quản lý bãi rác đã thừa nhận tình trạng nước rỉ rác chảy ra sông.

Tức nước vỡ bờ

Tại xã Thanh Nghị, huyện Thanh Liêm, tỉnh Hà Nam, bức xúc trước việc Nhà máy Xi măng Xuân Thành liên tục xả bụi gây ô nhiễm môi trường, hàng trăm người đã lập hàng rào và đem 2 chiếc quan tài, loa đài, kèn trống đặt trước cổng nhà máy để phản đối. Trước đó, người dân đã nhiều lần gửi đơn kiến nghị về vấn đề này nhưng chưa được cơ quan chức năng giải quyết.

Khu xử lý rác thải Bình Nguyên (một trong những cơ sở gây ô nhiễm nghiêm trọng buộc phải di dời theo Quyết định 64 của Thủ tướng Chính phủ) nằm trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi nhưng gây bức xúc cho cả người dân tỉnh Quảng Nam lân cận. Bà Nguyễn Thị Lân – ngụ xã Tam Nghĩa, huyện Núi Thành, tỉnh Quảng Nam – cho biết mỗi khi khu xử lý rác đốt chất thải, mùi hôi nồng nặc lan khắp thôn xóm khiến nhiều người đau đầu, nôn ói. Nước rỉ rác còn xả thẳng ra suối làm cá chết, ai lội xuống đều ngứa ngáy… Nhiều lần phản ánh lên chính quyền địa phương nhưng tình trạng ô nhiễm vẫn kéo dài, đến tháng 3-2013, hàng trăm người đã cùng nhau chốt chặn, không cho xe chở rác vào bãi.

Trong khi đó, hàng chục hộ dân ở xã Vĩnh Phương, TP Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa chọn phương án kéo tới trụ sở UBND xã xin bố trí chỗ ở vì nhà máy tách cọng thuốc lá của Công ty Thuốc lá Nguyên liệu Khatoco gây mùi hôi, khói bụi. Khi phản đối việc nhà máy này gây ô nhiễm, 3 người đã bị cơ quan chức năng đưa về trụ sở, nhiều người phản ánh bị công an gây thương tích…

Tại tỉnh Thanh Hóa, vụ chôn hàng trăm tấn thuốc trừ sâu xuống đất của Công ty CP Nicotex Thanh Thái cũng được phanh phui nhờ hành động tự xử của người dân huyện Cẩm Thủy. Theo luật sư Nguyễn Văn Hậu – Phó Chủ tịch Hội Luật gia TP HCM, người đã nhiều lần tiếp xúc với người dân Cẩm Mỹ để hỗ trợ khiếu kiện – bà con phải chịu cảnh ô nhiễm môi trường kéo dài suốt 10 năm, dù đã khiếu nại, tố cáo nhưng không được cơ quan chức năng xem xét giải quyết triệt để.

“Người dân ý thức được việc mình làm là vi phạm pháp luật nhưng vẫn phải lựa chọn vì với họ, đó là cách duy nhất để thoát khỏi nạn ô nhiễm môi trường. Pháp luật quy định mọi hành vi vi phạm pháp luật đều bị xử lý. Tuy nhiên, phải tùy từng trường hợp cụ thể cũng như xét động cơ, mục đích của hành vi vi phạm để có những quyết định đúng pháp luật, hợp tình, hợp lý” – luật sư Hậu nhìn nhận.

Các vụ tự xử đều giống nhau ở chỗ tình trạng ô nhiễm được chính quyền địa phương và chủ nguồn thải xác nhận nhưng người dân nhiều lần kiến nghị vẫn không được giải quyết hoặc có giải quyết nhưng mức độ ô nhiễm không giảm.

Người dân xã Vĩnh Phương, TP Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa tụ tập phản đối nhà máy tách cọng thuốc lá gây ô nhiễm Ảnh: KỲ NAM
Người dân xã Vĩnh Phương, TP Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa tụ tập phản đối nhà máy tách cọng thuốc lá gây ô nhiễm Ảnh: KỲ NAM

Chính quyền còn thờ ơ

Theo TS Nguyễn Thị Kim Loan, Trường ĐH KHXH-NV TP HCM, tự xử là phản ứng tất yếu của người dân khi môi trường sống của họ bị xâm hại. Điều này chứng tỏ nhận thức về vấn đề môi trường cũng như ý thức về quyền của người dân đã tăng lên. “Thói quen ăn hối lộ hay cách xử lý không triệt để, thi hành pháp luật không nghiêm… của một số cán bộ, cơ quan chức năng khiến người dân mất niềm tin, họ cảm thấy tiếng nói của mình không được lắng nghe. Khi kiến nghị không thành, họ nghĩ chỉ có việc tự xử mới khiến chính quyền phải quan tâm giải quyết” – TS Loan phân tích.

Tuy nhiên, tự xử là cách phản ứng tiêu cực và có thể biến người dân từ nạn nhân thành kẻ vi phạm pháp luật. Đối với xã hội, hiện tượng tự xử gây mất an ninh trật tự cũng như thiệt hại về kinh tế. Nếu tình trạng này kéo dài, chính quyền rất khó giải quyết và có thể dẫn đến nhiều hậu quả đáng tiếc. Do đó, không thể để người dân tự xử mà chính quyền phải có biện pháp giải quyết triệt để các hành vi xả thải gây ô nhiễm.

PGS-TS Nguyễn Đinh Tuấn – nguyên Hiệu trưởng Trường ĐH Tài nguyên và Môi trường

TP HCM, nguyên Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ môi trường TP – cũng cho rằng nguyên nhân đầu tiên là do chính quyền không làm tròn trách nhiệm, bao gồm cả việc để xảy ra tình trạng ô nhiễm kéo dài của doanh nghiệp (DN) cũng như không giải quyết rốt ráo bức xúc của người dân. Nhiều năm làm công tác quản lý nhà nước, ông Tuấn nhận thấy không vụ việc nào mà người dân chưa báo chính quyền đã tự xử. Họ chỉ tự xử khi vụ việc không được giải quyết thấu đáo.

“Sức chịu đựng của người dân có hạn. Lẽ ra, những vụ việc nổi cộm, kéo dài nên được ưu tiên tập trung giải quyết trước để tránh tình trạng “tức nước vỡ bờ”. Ở đây cũng phải nói đến DN – khởi nguồn của mọi tranh cãi. Bên cạnh các DN cố tình không chấp hành pháp luật về môi trường cũng có nhiều DN vận hành đầy đủ hệ thống xử lý rồi nghĩ rằng không gây ô nhiễm, không ảnh hưởng đến người dân xung quanh. Đó là suy nghĩ sai lầm vì thực tế, vận hành hệ thống xử lý chỉ giảm phần nào mức độ ô nhiễm. Vì thế, khi người dân phản ánh nhà máy gây ô nhiễm, nhiều DN lại cho rằng họ gây khó dễ nên bỏ ngoài tai. Sự việc tích tụ lâu ngày, người dân buộc phải phản ứng” – ông Tuấn phân tích.

Theo một đại biểu Quốc hội tỉnh Bình Phước, người dân bức xúc còn do hệ thống quy chuẩn về môi trường. Tại Bình Phước từng xảy ra vụ việc nhà máy khai thác đá trong quá trình hoạt động nổ mìn gây nứt sập nhà dân nhưng cơ quan chức năng đo đạc thì kết luận độ rung nằm trong quy chuẩn cho phép. Đây không phải là hiện tượng cá biệt. Nhiều cơ sở sản xuất tại TP HCM cũng bị người dân phản ánh về việc xả khói bụi, mùi hôi nhưng kết quả lấy mẫu, đo đạc của cơ quan chức năng lại cho thấy một số chỉ tiêu vẫn nằm trong ngưỡng cho phép!

Cần công khai, minh bạch
Theo PGS-TS Nguyễn Đinh Tuấn, các quy chuẩn về môi trường hiện ở mức vừa phải. Với điều kiện hạ tầng kỹ thuật – xã hội – kinh tế của nước ta hiện nay, quy chuẩn quá cao như một số nước trên thế giới sẽ không thu hút được đầu tư, còn so với mặt bằng chung một số nước trong khu vực thì không đến nỗi quá thấp. Cách thức đo đạc, lẫy mẫu cũng tác động đến kết quả: Muốn nhẹ “tội” đo cuối gió, muốn nặng thì đo đầu gió…

“Kết quả đo đạc cần được các cơ quan chức năng công khai, minh bạch và giải thích cặn kẽ cho người dân hiểu thay vì im lặng hay trả lời qua quýt. Phía DN cũng phải khéo léo tạo mối quan hệ tốt với cộng đồng bằng cách công khai kế hoạch bảo vệ môi trường để người dân cùng giám sát. Tôi cho rằng hệ thống pháp luật về môi trường đã cơ bản đáp ứng được yêu cầu quản lý, vấn đề là việc hành pháp của cơ quan chức năng và chấp pháp của DN ra sao” – ông Tuấn nhấn mạnh.