Sống chung với ô nhiễm

ThienNhien.Net – Với gần 600 cơ sở sản xuất, nghề chế tác đá mỹ nghệ ở xã Ninh Vân, huyện Hoa Lư (Ninh Bình) phát triển mạnh mẽ, góp phần nâng cao đời sống cho người dân địa phương. Song bên cạnh những lợi ích trước mắt về mặt kinh tế, môi trường nơi đây cũng bị ô nhiễm nghiêm trọng.

Ô nhiễm chồng ô nhiễm

Chị Lê Thị Hạnh vẫn miệt mài chế tác đá mặc cho  ô nhiễm, bụi bặm (Ảnh: Đại Đoàn Kết)
Chị Lê Thị Hạnh vẫn miệt mài chế tác đá mặc cho
ô nhiễm, bụi bặm (Ảnh: Đại Đoàn Kết)
UBND tỉnh Ninh Bình đã ban hành quyết định 245 phê duyệt Quy hoạch quản lý chất thải rắn tỉnh Ninh Bình đến năm 2030. Theo đó, phấn đấu đến năm 2030, tất cả các loại chất thải rắn phát sinh đều được thu gom, tái sử dụng, tái chế và xử lý triệt để bằng những công nghệ tiên tiến, thân thiện với môi trường và phù hợp với điều kiện thực tế của tỉnh, hạn chế khối lượng chất thải rắn phải chôn lấp đến mức thấp nhất. Trong quy hoạch xây dựng chung từ nay đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030, tỉnh xác định quản lý tổng hợp chất thải rắn là một trong những ưu tiên trong công tác bảo vệ môi trường và được thực hiện theo nguyên tắc “người gây ô nhiễm phải trả tiền” để khắc phục hậu quả.

Hiện xã Ninh Vân có gần 600 cơ sở sản xuất làm nghề điêu khắc đá. Để làm ra được một sản phẩm hoàn chỉnh, người thợ ở Ninh Vân phải sử dụng tất cả các loại máy để bào mòn, làm nhẵn đá. Phế thải của quá trình này chính là bụi đá. Vì thế, không chỉ ô nhiễm về khói bụi mà người dân Ninh Vân còn đang phải sống trong một bầu không khí đặc quánh tiếng ồn của những tiếng cưa, mài đá, tiếng đục đá chát chúa.

Sống trong môi trường ô nhiễm từ nhiều năm nay, bà Nguyễn Thị Gái, thôn Thượng cho hay: Do thường xuyên tiếp xúc với khói bụi, cách đây 5 năm bà đã mắc bệnh viêm phổi và bệnh này ngày càng nặng hơn. Những hôm thời tiết thay đổi hoặc trời nồm ẩm thì không khác gì cực hình, chưa kể tiếng ồn từ hàng trăm máy khoan, máy xẻ đá, tiếng xe chạy ầm ầm suốt ngày này sang tháng khác. “Trong các cuộc họp thôn, xóm, họp HĐND hay tiếp xúc cử tri, tôi cùng nhiều hộ dân khác cũng gửi đơn kiến nghị lên các cấp có thẩm quyền nhưng đến nay vẫn không có hồi âm”, bà Gái lắc đầu ngao ngán.

Vì miếng cơm manh áo, vì tiền đóng học cho con mỗi tháng mà hàng ngày vẫn có hàng trăm lao động phải chấp nhận làm việc trong môi trường độc hại để lo cho cuộc sống hàng ngày. Trong âm thanh chát chúa của máy khoan, máy xẻ đá và đám bụi khổng lồ bao phủ, chị Lê Thị Hạnh vẫn miệt mài làm việc. Nghỉ giải lao chốc lát, chị Hạnh chia sẻ: Đất canh tác quá ít, nếu chỉ trông chờ vào cấy lúa, trồng hoa màu thì không đủ nuôi 4 miệng ăn. Suy đi tính lại mãi, cuối cùng tôi cũng phải chuyển sang làm thợ mài đá.

Biết rằng, nghề này nguy cơ nhiễm bệnh cao nhưng chị Hạnh cũng như nhiều người dân ở đây không có quần áo bảo hộ lao động. Để chống lại bệnh tật, chị chỉ có chiếc khẩu trang, kính râm và… chiếc nón trễ quai. Chị Hạnh cho biết thêm: Hiện tại, trong xưởng cứ 10 người thì có đến 6 người mắc những loại bệnh liên quan đến hô hấp và phổi.

Ảnh hưởng đến sức khỏe

Theo kết quả quan trắc của Chi cục bảo vệ môi trường (Sở TN&MT) tỉnh Ninh Bình, môi trường tại làng đá mỹ nghệ Ninh Vân bị ô nhiễm nặng do tiếng ồn, bụi đá và nguồn nước thải trong sản xuất. Hàng ngày có hàng nghìn kg chất thải rắn và khoảng 95m3 nước thải được xả ra ao, hồ và môi trường xung quanh. Kết quả phân tích mẫu không khí tại đây cho thấy, nồng độ bụi lơ lửng vượt quy chuẩn cho phép từ 2,1 đến 4,3 lần.

Do sống trong môi trường ô nhiễm lâu ngày nên địa phương xuất hiện ngày càng nhiều những ca mắc bệnh viêm phổi, viêm phế quản, ông Nguyễn Yên Bình, trạm trưởng trạm y tế xã Ninh Vân cho biết: Trong những năm gần đây, số người mắc bệnh viêm phổi và viêm phế quản do tiếp xúc với bụi bẩn tăng đột biến. Riêng trong năm 2013, toàn xã đã có gần 200 ca trẻ em dưới 5 tuổi bị nhiễm khuẩn đường hô hấp, viêm phổi, viêm họng… cao hơn các xã lân cận từ 3 – 5 lần.

Trao đổi với chúng tôi về vấn đề này, ông Lã Huy Vượng, Phó chủ tịch UBND xã Ninh Vân cho hay: Nghề chế tác đá mỹ nghệ thực sự trở thành nghề mũi nhọn, mang lại thu nhập cao cho bà con. Tuy nhiên, bên cạnh những lợi ích về mặt kinh tế thì địa phương cũng đang đứng trước tình trạng môi trường bị phá hủy nặng nề. Ông Vượng lý giải, nguyên nhân của tình trạng này là do hoạt động sản xuất của gần 600 cơ sở chế biến đá mỹ nghệ và 2 nhà máy sản xuất xi măng Duyên Hà và Hệ Dưỡng gây ra. Tuy nhiên, UBND xã không có thẩm quyền để kiểm tra nên khi phát hiện thấy có biểu hiện gây ô nhiễm môi trường thì chỉ biết báo cáo lên cấp trên.

“Để hạn chế tình trạng ô nhiễm, UBND huyện Hoa Lư cũng đã xây dựng khu sản xuất làng nghề tập trung với diện tích 11ha nhưng cơ sở hạ tầng đi kèm như điện, đường… lại chưa hoàn thiện nên chưa thể di dời hết các cơ sở sản xuất vào đó được”, ông Vượng cho biết.