Các tỉnh Nam Bộ: Cạn nguồn nước ngọt trầm trọng

ThienNhien.Net – Hiện nay, nhiều quận, huyện ở TP Hồ Chí Minh và các huyện ven biển của các tỉnh: Bến Tre, Bạc Liêu, Sóc Trăng… đang phải đối mặt với tình trạng thiếu nước gay gắt. Tình trạng thiếu nước sạch kéo dài dẫn đến việc người dân phải sử dụng những nguồn nước có chất lượng kém.

Tiết kiệm nước là sống còn

Đến phường 15 (quận 8) và xã Phú Xuân của huyện Nhà Bè, TP Hồ Chí Minh trong một buổi trưa nắng gay gắt. Nằm cách trung tâm quận chỉ khoảng hơn 2km, nhưng hàng trăm hộ gia đình của phường 15, quận 8 vẫn phải chịu cảnh thiếu nước sinh hoạt từ 7 tháng nay. Chủ tịch UBND phường 15 Nguyễn Ngọc Tùng cho biết: “Mấy năm gần đây ngành nước đã giải quyết được nhiều nước sạch cho nhân dân, song vẫn chưa đáp ứng đủ nhu cầu dùng nước của nhân dân. Các khu phố 4, 5, 6 của chúng tôi nhiều gia đình đã phải tiết kiệm nước nghiêm ngặt”.

Chị Nguyễn Kim Liên, Khu phố trưởng khu phố 5 đưa tới thị sát khu vực tổ 47. Dân cư ở đây đa số là người nghèo không đủ tiền để mắc ống nước vào nhà mình. Khu có 68 hộ không có đường nước đi vào nhà. Nhà bà Nguyễn Thị Kiều ở số nhà 203/1A, đường Lưu Hữu Phước phải mua nước cách nhà mình 40m với giá từ 12.000 đến 15.000 đồng/m3. Bà Kiều nói: “Nhà tôi có 4 nhân khẩu, mỗi ngày chỉ dám dùng 600 lít nước sạch thôi”. Đi sâu vào con hẻm, bắt gặp rất nhiều gia đình phải ròng dây ra những nhà mặt đường để mua nước. Ông Phạm Tiến Long chỉ những chiếc giếng khoan, nước nhiều nhưng nổi váng phèn vàng khè. Hiện nay, bà con sinh sống ở phường 15, quận 8 rất mong ngành cấp nước bao chi phí lắp đặt ống nước, thì người dân mới có hy vọng đủ nước sạch để dùng.

Đi về bến Bình Khánh, huyện Nhà Bè, cảnh bán nước sinh hoạt diễn ra nhộn nhịp. Dọc hai bên đường Huỳnh Tấn Phát, có rất nhiều điểm bán nước. Ngoài các khu vực bố trí các bồn nước lớn, còn các điểm cơ động lại bố trí hàng chục chiếc can nhựa đựng nước và bày bán la liệt trên vỉa hè. Ấp 5 của xã Phú Xuân đang thiếu nước rất trầm trọng. 100% số hộ gia đình ở đây đều phải mua nước sinh hoạt của tư nhân, nhưng họ không thể biết mình mua được nước có bảo đảm vệ sinh hay không. Theo anh Lương Duy Vĩnh, cựu chiến binh ở ấp 5, thì 679 hộ gia đình tại xã Phú Xuân thường xuyên bị thiếu nước từ sau Tết Nguyên đán đến mùa mưa. Hiện nay, họ phải thực hiện khẩu hiệu: “Tiết kiệm nước là sống còn”. Người dân ở Nhà Bè cho biết, hiện ống dẫn nước sạch đã đi đến hầu hết các nhà, nhưng nước thì vẫn khô cạn, hoặc chảy nhỏ giọt.

Tận dụng cả nguồn nước kém vệ sinh

Khó khăn hơn một số quận, huyện của TP Hồ Chí Minh là các huyện ven biển của tỉnh Bến Tre. Năm nay, nguồn nước ngọt chuyển đến vùng ven biển không nhiều như trước, làm cho người dân nơi đây mất ăn, mất ngủ vì nước. Ông Hoàng Văn Nghĩa, ở huyện Bình Đại nói: “Tết trước còn có những cơn mưa trái mùa, nên chúng tôi đã hứng được ít nhiều dự trữ trong mùa khô. Nhưng năm nay nắng hoài, đất khát và người dân cũng khát”. Để có nước dùng trong sinh hoạt, người dân ở các huyện Ba Tri, Giồng Trôm, Thạnh Phú và Bình Đại phải mua nước từ nơi xa mang đến với giá rất đắt (một xe nước 3,5 m3 có giá 100.000 đồng). Ở một số xã sát biển, có nơi người dân phải sống trong cảnh thiếu nước cả tuần liền.

Theo phân tích của một số người có trách nhiệm, việc mở rộng diện tích nuôi tôm ven biển đã làm cho vùng nước ngọt bị thu hẹp lại. Không những thế, những mạch nước ngầm cũng bị nhiễm mặn ngay cả trong mùa mưa. Người dân ở các xã ven biển của huyện Bình Đại kể, năm nay nước biển đã xâm mặn vào các sông dài hơn 20km, làm nguồn nước ngọt không còn sử dụng cho sinh hoạt được nữa. Ông Nguyễn Quốc Đại, Phó chủ tịch UBND tỉnh Bến Tre cho biết: “Nước mặn lấn quá sâu vào đất liền, nguồn nước sông cũng cạn kiệt, nên các trạm cấp nước của chúng tôi không có nước để phục vụ bà con vùng ven biển”.

Không ít gia đình ở các huyện: Bình Đại, Ba Tri, Giồng Trôm đã phải khoan giếng để kiếm nguồn nước. Ông Huỳnh Văn Thảnh, ở huyện Ba Tri nói: “Khoan giếng tìm nước không phải chỗ nào cũng có. Nhiều khi chúng tôi phải khoan ở ngay khu nghĩa địa mới có nước”. Cạnh nhà ông Thảnh là nhà ông Nguyễn Đình Thông. Chiếc giếng nước nằm sát 3 ngôi mộ của những người thân trong gia đình. Nhiều hộ không biết chất lượng nước dưới giếng khoan như thế nào, chỉ nhìn thấy nước hơi trong, không có mùi là sử dụng để ăn uống, tắm giặt. Những nhà nước bị nhiễm phèn, hay hơi nhiễm mặn đã dùng phương pháp lọc đơn giản để có nước sinh hoạt trong mùa khô. Khi chúng tôi hỏi dùng nước bẩn rất có hại cho sức khỏe, thì ông Thông trả lời ngay: “Nếu đợi nước sạch thì chúng tôi chết khô à. Nhiều nhà ở đây nói dùng nước kiểu này khéo lại sinh ra thêm một địa chỉ ung thư mới, nhưng còn hơn là chết khát”.

Giải pháp khắc phục thiếu nước

Theo Công ty cấp nước Sài Gòn, mỗi ngày TP Hồ Chí Minh thiếu khoảng 400.000 m3, tức là ngành nước chỉ đáp ứng được khoảng 70% nhu cầu về nước sạch của người dân. Trong điều kiện nhiều khu dân cư như các quận: 2, 4, 7, 8, 9 và các huyện: Nhà Bè, Cần Giờ… đang trong quá trình đô thị hóa, dân số tăng nhanh, nhiều khu chế xuất, khu công nghiệp được xây dựng mới, thì việc thiếu nước càng trầm trọng.

Ở tỉnh Bến Tre đang có chủ trương vay 4 tỉ đồng để xây dựng các công trình cấp nước sạch và vệ sinh môi trường cho nhân dân, nhưng xem ra người dân cũng phải chờ đợi một thời gian không ngắn. Nhiều gia đình ở Phú Xuân đã nói với chúng tôi, là họ sẵn sàng mua nước sinh hoạt với giá 10.000 đồng/m3 để bù cho chi phí của ngành nước. Tuy nhiên, nguyện vọng ấy đến nay vẫn chưa được thực hiện. Người dân ven biển ở tỉnh Bến Tre và một số địa phương khác, cũng sẵn sàng “góp sức, góp của” cùng Nhà nước xây dựng các trạm cấp nước mới, nhưng xem ra chưa thể thực hiện một sớm, một chiều.

Để hạn chế thiếu nước ngọt hiện nay, trước hết là phải “Tiết kiệm triệt để”. Theo chúng tôi, các tỉnh phía Nam, ngoài việc đầu tư vốn để xây dựng thêm các trạm cấp nước mới, cần vận động hoặc hỗ trợ cho người dân xây dựng thêm nhiều bể chứa nước mưa. Nếu như mỗi gia đình vùng sâu, vùng xa tích trữ được khoảng 50.000 m3 nước mưa hằng năm, sẽ có thể khắc phục tình trạng thiếu nước từ 30 đến 40 ngày. Ở những khu dân cư nghèo, ngành cấp nước nên lắp đặt ống nước miễn phí, hoặc giảm giá cho nhân dân. Bên cạnh đó, ngành nước cần tích cực cải tạo, nâng cấp hệ thống đường ống cấp nước, để tăng áp lực nước, giảm thất thoát và góp phần khắc phục tình trạng thiếu nước. Các đô thị lớn cần có những nhà máy xử lý nước thải thành nước sạch. Một trong những biện pháp hữu hiệu là phải khuyến khích và tạo mọi điều kiện thuận lợi để các thành phần kinh tế tham gia đầu tư, xây dựng các công trình, nhà máy xử lý, cung cấp nước sạch cho các địa phương.