29 tác phẩm xuất sắc đạt giải Báo chí tài nguyên và môi trường 2018

Tối 28/8, tại Cung văn hóa lao động Hữu nghị Việt Xô, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã tổ chức Lễ trao giải thưởng báo chí tài nguyên và môi trường, lần thứ IV, với 29 tác phẩm xuất sắc đã được chọn trao giải…

Bộ Tài nguyên và Môi trường tổ chức Giải thưởng báo chí tài nguyên và môi trường kể từ năm 2010. Giải thưởng ngày càng khẳng định uy tín, chất lượng, quy mô và tính lan tỏa cao.

So với các lần Giải thưởng trước đây, Giải thưởng báo chí tài nguyên và môi trường lần thứ IV năm 2018 với nhiều điểm mới quan trọng. Giải thưởng hướng vào 6 nhóm chủ đề cụ thể của công tác quản lý nhà nước của Bộ Tài nguyên và Môi trường hiện nay; tăng số lượng giải thưởng và mức thưởng; đổi mới phương thức xét giải thưởng…

Sáu chủ đề chính gồm: Phát hiện, phản ánh những tồn tại, bất cập trong ban hành, tổ chức thực hiện chính sách, pháp luật, những tiêu cực, điểm nóng, những hành vi vi phạm pháp luật về tài nguyên và môi trường; Tăng cường cải cách hành chính ngành tài nguyên và môi trường, áp dụng các giải pháp và công nghệ nhằm nâng cao năng lực và hiệu quả hoạt động của ngành tài nguyên và môi trường theo hướng tiết kiệm, đơn giản, hiệu quả, phục vụ lợi ích của cộng đồng và doanh nghiệp; Chuyển đổi mô hình phát triển, đề xuất các giải pháp ổn định sinh kế của người dân nhằm thích ứng với biến đổi khí hậu, phòng chống và giảm nhẹ các tác động của thiên tai, thời tiết cực đoan;  Tôn vinh những điển hình tiên tiến, mô hình mới, sáng kiến về cải tiến kỹ thuật, ứng dụng công nghệ mới về tài nguyên và môi trường; Quản lý và sử dụng hợp lý tài nguyên đất, tài nguyên nước, tài nguyên đa dạng sinh học, tài nguyên khoáng sản và các tài nguyên thiên nhiên khác theo định hướng phát triển bền vững; phản ánh tình trạng sử dụng lãng phí tài nguyên; Tăng cường các giải pháp bảo vệ môi trường tại các khu công nghiệp, cụm công nghiệp, làng nghề, môi trường khu vực đô thị, nông thôn theo định hướng không đánh đổi kinh tế lấy bảo vệ môi trường; Phản ánh các hoạt động kiểm soát các cơ sở có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường cao, xử lý ô nhiễm môi trường nông thôn; những mô hình xã hội hóa trong lĩnh vực xử lý ô nhiễm môi trường”.

Ban tổ chức Giải thưởng báo chí tài nguyên và môi trường lần thứ IV đã tiếp nhận được 505 tác phẩm của 128 tác giả, nhóm tác giả. Gải thưởng lần này đã thu hút đông đảo tác phẩm báo chí dự thi của các Báo, Đài Phát thanh và Truyền hình Trung ương và địa phương (78 cơ quan báo chí, trong đó 35 cơ quan báo chí trung ương và 43 cơ quan báo chí địa phương).

Các tác phẩm báo chí được tuyển chọn thông qua Hội đồng sơ khảo và Hội đồng chung khảo. Thành viên Hội đồng sơ khảo và Hội đồng chung khảo là các nhà quản lý, nhà báo có uy tín cao và nhiều năm kinh nghiệm hoạt động báo chí; đại diện cho các cơ quan về định hướng và quản lý nhà nước về báo chí; cơ quan truyền thông đại chúng như: Ban Tuyên giáo Trung ương, Hội Nhà báo Việt Nam, Bộ Thông tin và Truyền thông, Thông tấn xã Việt Nam, Báo Nhân dân, Báo Đại biểu nhân dân; Đài Tiếng nói Việt Nam, Đài Truyền hình Việt Nam…

Giải thưởng báo chí tài nguyên và môi trường năm nay được trao cho 29 tác phẩm, của 70 tác giả và nhóm tác giả, đến từ 78 cơ quan thông tấn báo chí trung ương và địa phương, bao gồm 5 giải A, 6 giải B và 18 giải C.

Các tác phẩm đạt giải A

1. Tác phẩm “Ào ạt rút ruột biển Cần Giờ” của nhóm tác giả Mã Phong, Tiểu Thiên, Đình Phú thuộc Liên chi hội báo Thanh niên.

2. Tác phẩm “Phát triền bền vững Đồng bằng sông Cửu Long cần hành động và tư duy đột phá” của nhóm tác giả Trần An Phước – Nguyễn Hoàng Minh – Đặng Thị Tuyết Hiền – Nguyễn Thị Thảo Ly thuộc Báo Vĩnh Long.

3. Tác phẩm “Dấu chân những người giữ rừng” của nhóm tác giả Alăng Ngước – Thành Công thuộc Báo Quảng Nam.

4. Tác phẩm “Mặn và ngọt” của nhóm tác giả Phạm Xuân Hùng – Nguyễn Việt Cường – Đinh Văn Thông thuộc Đài Truyền hình Việt Nam.

5. Tác phẩm “Biển vẫn mặn mòi” của nhóm tác giả Phan Trung Thành – Nguyễn Sỹ Tâm – Hoàng Sơn – Lam Giang thuộc Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh Hà Tĩnh.

Các tác phẩm đạt giải B

1. Tác phẩm “Hạn và Bài học từ hạn” của nhóm tác giả Công Hạnh – Phan Thủy – Minh Tân thuộc Chi hội Báo Công An Thành phố Đà Nẵng.

2. Tác phẩm “Doanh nghiệp khai khoáng – Cần thực hiện trách nhiệm thế nào cho đúng?” của tác giả Hoàng Quang Huy thuộc Đài Tiếng nói Việt Nam.

3. Tác phẩm “Chuyển đổi mô hình sinh kế thích ứng biến đổi khí hậu” của nhóm tác giả Nguyễn Ngọc Huy – Hoàng Nghĩa Nam thuộc Báo Nhân Dân.

4. Tác phẩm “Ông tây thích nhặt rác” của nhóm tác giả Bình Nguyên – Cẩm Tú thuộc Liên chi hội báo Thanh niên.

5. Tác phẩm “Chùm ký sự: Từ tâm chấn Formosa” của nhóm tác giả Sỹ Lực – Anh Đức – Minh Thùy thuộc Báo Tiền Phong.

6. Tác phẩm “Phá 575 ha rừng để … chăn nuôi” của nhóm tác giả Tiểu Thiên – Đỗ Trường – Phan Hậu – Tân Phú thuộc Liên chi hội báo Thanh niên.

Các tác phẩm đạt giải C

1. Tác phẩm “Phản ánh vụ vỡ đập chứa bùn thiếc ở huyện Quỳ Hợp, tỉnh Nghệ An” của tác giả Trần Quốc Tuấn thuộc Báo Lao động.

2. Tác phẩm “Biến động tài nguyên nước” của tác giả Nguyễn Quang Việt thuộc Báo Quảng Nam

3. Tác phẩm “Loạt bài “Vụ áp thuế oan 5,7 tỷ đồng với 253 m2 đất huyện của cụ bà 75 tuổi chấn động dư luận” của nhóm tác giả Nguyễn Anh Thế – Trần Trung Kiên – Lý Thị Toàn Thắng thuộc Báo điện tử Dân trí.

4. Tác phẩm “Chùm bài: “Tăng cường cải cách hành chính trong khu vực Tài nguyên và Môi trường”” của tác giả Chí Tuấn thuộc Báo Đại biểu Nhân dân.

5. Tác phẩm “Rác thải bức tử làng quê” của nhóm tác giả Lê Quân – Phan Hậu thuộc Báo thanh niên.

6. Tác phẩm “Mưa bão gây thiệt hại lớn – phập phù đầu tư phòng tránh” của nhóm tác giả Lan Anh – Huy Quang – Thanh Tùng – Huyền Thương – Việt Lâm – Thùy Dương thuộc Đài Truyền hình Kỹ thuật số VTC.

7. Tác phẩm “Tôm – lúa, Mô hình thời biến đổi khí hậu” của tác giả Hồ Minh Khánh thuộc Đài Tiếng nói Việt Nam.

8. Tác phẩm “Bước chân trên rừng ngập mặn” của nhóm tác giả Minh Thúy – Xuân Sơn – Hồng Thư thuộc Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh Thanh Hóa.

9. Tác phẩm “Sạt lở Miền Tây” của nhóm tác giả Hoàng Thị Mỹ Hà – Trung Tuyến – Minh Ngọc thuộc Thông tấn xã Việt Nam.

10. Tác phẩm “Những lính canh môi trường tự động” của nhóm tác giả Trịnh Huỳnh Thanh – Trần Văn Nam thuộc Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh Bình Dương.

11. Tác phẩm “Khát vọng màu xanh” của nhóm tác giả Trần Trung Hiếu – Đức Hiển – Minh Huy – Kim Anh thuộc Truyền Hình Nhân Dân.

12. Tác phẩm “Thiên nhiên là nơi cứu sống mình” của tác giả Xuân Long thuộc Báo Tuổi Trẻ.

13. Tác phẩm “Loạt bài phản ánh: về dự án mỏ sắt Thạch Khê” của nhóm tác giả Phạm Tuyên – Minh Thùy – Quỳnh Nga thuộc Báo Tiền Phong.

14. Tác phẩm “Bảo tồn biển Việt Nam” của tác giả Trần Diệu Thúy thuộc Thông tấn xã Việt Nam.

15. Tác phẩm “Hướng đi nào cho tình trạng thiếu nguồn cung cát xây dựng” của tác giả Nguyễn Thị Ngọc Linh thuộc Đài Phát thanh và truyền hình tỉnh Quảng Ninh.

16. Tác phẩm “Chế biến hải sản – từ phân tán đến tập trung, những vấn đề đặt ra” của tác giả Phạm Thị Minh Tâm – Ngô Thanh Trí thuộc Báo Bà Rịa – Vũng Tàu.

17. Tác phẩm “”Bão ruồi” tấn công người dân gần bãi rác Nam Sơn” của nhóm tác giả Trần Văn Vương – Trần Cao Nguyên thuộc Báo Lao động điện tử.

18. Tác phẩm “Giải pháp nào cho xử lý và quy hoạch rác thải?” của nhóm phóng viên, biên tập viên Báo Thừa Thiên – Huế.